Cởi mở cơ chế để thành phố sớm đạt mục tiêu xây dựng đô thị thông minh

 Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội nghị . Ảnh:Bảo Lan

Tham dự hội nghị có Bí thư Thành Ủy Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong,  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao Nguyễn Hoành Năm, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh Phùng Công Dũng....  và sự có mặt đông đảo của đội ngũ kiều bào là những chuyên gia, doanh nhân và kiều bảo trẻ từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Thay mặt Chính quyền và nhân dân TP. HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã xúc động trước tình cảm của bà con kiều bào dành cho Tổ quốc, đất nước và dân tộc. Đồng thời, Bí thư cũng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của bà con kiều bào vào thành tựu chung của địa phương nói riêng và của Việt Nam nói chung.

“Những chuyên gia, trí thức kiều bào chính là tài nguyên, là tiềm năng của Việt Nam. Tôi mong muốn đội ngũ kiều bào hãy tiếp tục cùng đem trí tuệ, kiến thức và kinh nghiệm của mình, chung tay cùng nhân dân cả nước xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. Đồng thời, là cầu nối để đưa hàng hóa và thương hiệu Việt ra thế giới”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Đồng thời, Bí thư Nhân cũng thông báo về tình hình Tp. HCM thời gian qua. Như Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP. HCM luôn tận dụng mọi cơ hội, cũng như không ngừng phát huy những thành quả đã đạt được. Do vậy, những năm qua, địa phương luôn duy trì vị trí tiên phong về phát triển kinh tế, bình quân mỗi năm tạo ra khoảng 21,2% GDP, 27% số thu ngân sách, thu hút 14,1% nguồn vốn FDI của cả nước.

Thị trường tài chính nói riêng và các hoạt động kinh tế tại TP. HCM nói chung cũng đã có những đóng góp quan trọng đối kinh tế cả nước. Cụ thể: tổng vốn huy động trên địa bàn chiếm 29,6% tổng vốn huy động cả nước. Tổng dư nợ cho vay cũng chiếm tới 26,2% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. Trên thị trường vốn, tổng giá trị vốn hóa tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) chiếm 90% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường và 28% GDP cả nước.

Bí thư Nhân cũng cho biết, nhằm tiếp tục đưa TP. HCM trở thành một vệ tinh của khu vực Nam Trung bộ gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Chính quyền TP. HCM không ngừng đổi mới và cải cách thủ tục hành chính, cũng như đưa ra các chương trình mục tiêu đột phá. Trong đó có việc xây dựng TP. HCM trở thành một đô thị thông minh, sáng tạo.

Chia sẻ với kiều bào, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng ghi nhận và biểu dương UBNVNONN thành phố, các Sở, Ngành đã có những hoạt động tích cực kết nối những tấm lòng, tình cảm của bà con dành cho quê hương. Đồng thời cho biết, chỉ riêng trong năm 2018, kiều bào chuyển về Tp. HCM trên 5 tỷ USD và 70% kiều hối được đưa vào sản xuất kinh doanh. Những năm qua, có hơn 400 trí thức kiều bào về làm việc dài hạn, gần 200 trí thức hợp tác nghiên cứu, khoảng 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư với số vốn trên 45.000 tỷ đồng.

Do vậy, “cùng với việc Thành phố đang đầu tư mạnh mẽ cho các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông như đường vành đai, metro và cảng hàng không quốc tế và cải cách thể chế hành chính, tôi và lãnh đạo thành phố rất kỳ vọng thông qua hội nghị lần này, sẽ tiếp tục nhận được nhiều đóng góp, kiến nghị và hiến kế xây dựng thành phố của cộng đồng kiều bào, để góp phần đưa TP. HCM tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng kinh tế và trở thành một vệ tinh thu hút đầu tư cho toàn khu vực”, Chủ tịch TP. HCM nhấn mạnh.

Với vai trò là đầu mối để phối hợp, theo dõi hỗ trợ các kiến nghị, đề xuất của kiều bào, Chủ nhiệm UBNVNONN Phùng Công Dũng cũng đã báo cáo với Hội nghị về kết quả của Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới năm 2016 - VK16, với 43/45 ý tưởng, đề án… của kiều bào đã đóng góp tại Hội nghị - VK16 đã được lãnh đạo thành phố quan tâm và làm việc.

Cởi mở thể chế chính là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng kiều bào nói chung và đội ngũ tri thức là kiều bào nói riêng. Ảnh: Bảo Lan

“Những đánh giá rất cao của lãnh đạo thành phố cho các đề án của kiều bào chính là động lực không chỉ cho UBNVNONN tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ và vai trò là cầu nối của mình, mà còn là nguồn khởi xướng cho việc triển khai, lan tỏa những ý tưởng mới của cộng đồng kiều bào khác chưa có cơ hội được tiếp cận, nhưng cũng mong muốn được cùng chung tay giải quyết đột phá các vấn đề “nóng” của thành phố, đem đến cho thành phố xung lực mới trên con đường chinh phục mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”, ông Phùng Công Dũng chia sẻ thêm.

Tại Hội nghị lần này, với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng TP. HCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”, thông qua ba chuyên đề thảo luận (1) Định hướng xây dựng khu đô thị sáng tạo”, (2) Định hướng xây dựng trung tâm tài chính, (3) Góp ý xây dựng liên quan đế lĩnh vực giáo dục” đã thu hút được 36 đề án và rất nhiều kiến nghị.

Như kiều bào Nhật Đặng Lương Mô, GS Đại học Hosei Tokyo cho rằng, hiện nay TP. HCM đang hướng đến xây dựng đô thị sáng tạo hướng đến thời đại công nghệ số 4.0, nên các chương trình hay đề án mà TP. HCM triển khai đều có sự tương hỗ lẫn nhau. Do vậy, để đạt hiệu quả cao hơn, TP. HCM nên phát triển song song các chương trình. Đồng thời cũng cần có một đội ngũ chuyên gia chuyên biệt, để họ có thể tập trung mọi nguồn lực và đem lại hiệu quả cao nhất trong quá trình ứng dụng.

Còn Ts. Ngô Viết Nam Sơn (Kiều bào Mỹ), với kinh nghiệm 30 năm tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á và Bắc Mỹ, cho rằng định hướng phát triển đô thị thông minh, sáng tạo của TP. HCM cũng đang là mục tiêu của nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, địa phương cần giải quyết tốt ba vấn đề lớn, là làm sao để xây dựng được thành phố thông minh, làm sao để có kinh tế để thực hiện các đề án và làm sao để thu hút người dân về ở.

Ts. Sơn đưa ra minh chứng, như Trung tâm công nghệ cao quận 9, cần phải là nơi tập trung những chuyên gia, các nhà sáng tạo, nghiên cứu. Trung tâm hành chính Thủ Thiêm cần phải tập hợp những nhà quản lý, lãnh đạo có năng lực quản lý để có thể kết nối toàn cầu và Trung tâm logistic quận 2 sẽ là một trung tâm rất quan trọng cho việc giải quyết vấn đề giao thông. Mỗi trung tâm có một chức năng khác nhau nhưng đều được kết nối một cách chặt chẽ và tương hỗ với nhau. Do vậy, cần phát triển đồng bộ để tạo thế chân vạc vững chắc, thúc đẩy toàn khu vực phát triển, từ đó thu hút khối lượng tri thức đến sống và làm việc.

Kiều bào Nguyễn Minh Đồng (Đức) nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố con người. Trong đó, thay đổi tư duy lại là cực kỳ quan trọng, để tạo ra những cú hích cho việc say mê triển khai những ý tưởng sáng tạo. Điều này giúp tạo ra những sản phẩm có chất lượng, những công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng cao. Từ đó có thể triển khai và mở rộng, đưa vào thực tiễn. Có như vậy mục tiêu xây dựng đề án thông minh đạt hiệu quả.

Theo Tổng Giám đốc Quỹ Vinacapital Nguyễn Thái Thuận, hiện nay, nhà đầu tư trong nước cũng có rất nhiều tiềm lực và đang đầu tư ra nước ngoài. Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thu hút không chỉ là nguồn vốn từ kiều hối, ngoại hối, mà còn để các nhà đầu tư trong nước mặn mòi với các đề án phát triển ngay trong nước.

Bên cạnh những kiến nghị của những chuyên gia, doanh nhân và trí thức có kinh nghiệm, chuyên môn, cũng đã có những kiều bào trẻ đã khát khao cống hiến bằng nhưng dự án starup của mình. Chẳng hạn như cựu du học sinh Thụy Sỹ Phạm Hà Anh Việt chia sẻ, hiện nay xã hội thay đổi và không ngừng phát triển, đã dẫn đến sự chuyển đổi về ý thức hệ, nhiều bạn trẻ luôn muốn thử thách mình và họ cũng đã có rất nhiều cơ hội để thực hiện những hoài bảo, cũng như những ý tưởng của mình thành hiện thực và không ít những dự án starup mang lại cho xã hội rất nhiều lợi ích.

Trong khi đó, starup cũng chính là những xu hướng của nhiều quốc gia năng động trên thế giới. Do vậy, anh cho rằng, TP. HCM cần có những kênh thông tin để những Starup có thể tiếp cận. Đồng thời, lãnh đạo địa phương cũng cần có thêm các chính sách cũng như hỗ trợ cho các dự án Starup, để họ có thêm động lực xây dựng những sản phẩm "Made in Viet Nam". Bên cạnh đó, cũng cần thành lập những trung tâm kết nối tại một số thị trường lớn như Mỹ và từ đó, làm cầu nối cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường Mỹ một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Có thể nói, chỉ hơn một giờ thảo luận, Hội nghị đã có nhiều sáng kiến, ý tưởng, giải pháp hay của kiều bào đã được đưa ra và kiến nghị với lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên, cái quan tâm của hầu hết kiều bào chính là thủ tục pháp lý, như thời hạn visa quá ngắn, việc giải quyết hồ sơ đầu tư kéo dài… chính là rào cản lớn nhất, không chỉ làm giảm đi khao khát cống hiến của đội ngũ kiều bào mà còn của nhiều nhà đầu tư từ các quốc gia khác

Do vậy, nhiều kiều bào thẳng thắn cho rằng, TP. HCM muốn sớm thực hiện mục tiêu của mình, việc cởi mở thể chế, hỗ trợ các thủ tục pháp lý mới có thể giúp TP. HCM đạt được mục tiêu không chỉ xây dựng một thành phố thông minh đáng sống mà còn phát triển bền vững trong những giai đoạn tiếp theo.

Không chỉ là sự cầu thị của lãnh đạo trong việc tiếp thu những ý kiến đóng góp, đề xuất của kiều bào tại Hội nghị lần này, thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng đã chỉ đạo các Sở, Ngành xem xét và nghiên cứu các đề án, “cái nào có hiệu quả và thực hiện được ngay thì cùng bắt tay triển khai”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Phong cũng đã cam kết sẽ cùng chính quyền thành phố sẽ hỗ trợ tích cực để kiều bào yên tâm mà đem trí, lực của mình góp phần vào công cuộc xây dựng TP. HCM trở thành một thành phố phố thông minh, một đô thị đáng sống. Đồng thời, thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư và làm ăn hiệu quả, góp phần đưa TP. HCM trở thành một vệ tinh, trung tâm tài chính của khu vực Đông Nam Bộ và giữ vững vị trí là trung tâm kinh tế tài chính của cả nước trong tương lai.

Bảo Lan/ Báo Thế giới & Việt Nam