Gần nhà xa ngõ

 Ảnh minh họa

Ở quê, nhà nào cũng nằm lọt thỏm giữa khu vườn rộng, rợp bóng mát. Từ cổng ngõ vào đến hiên nhà có khi dài chừng 40 - 50 mét. Sáng sớm, khi chúng tôi còn đang say giấc, ba đã dậy quét sân, quét ngõ. Mùa nắng thì dễ, mùa mưa quét xong cái sân là cả một vấn đề. Lá tre ngoài đường vương vãi khắp sân, rồi lá chanh, lá mít, lá ổi. Gặp nước mưa, lá dính chặt vào đất. Quét chổi tre vẫn thấy khó, ba dùng một cây có đầu nhọn, cắm vào từng lá, cho đến khi sân sạch hẳn, mất cả giờ đồng hồ.

Mệt vậy, nhưng ba không phàn nàn, bảo còn hơn vườn trọc không chút bóng mát. Vườn rộng, dù chung hàng rào, nhưng ngõ nhà này cách ngõ nhà kia lại khá xa. Vì xa ngõ, những khi có chuyện hệ trọng, cần thiết, hoặc thư thả thời gian, mọi người đến nhà nhau bằng cổng chính, còn không thì í ới gọi nhau, gặp nhau ở hàng rào chung. Tôi thường nghe mẹ trao đổi với các chị, các thím về chuyện mùa màng, chuyện con cái, chuyện giỗ quẩy ngay ở hàng rào. Nhà thím Tín trước mặt nhà tôi, có cây bồ quân, đến mùa sum suê trái. Thu hoạch đầu mùa, bao giờ tôi cũng được thím đưa qua hàng rào cả rổ bồ quân. Nhớ lại đĩa muối ớt chấm thứ trái cây dân dã ấy, cảm giác thèm thuồng như thể đang bày ra trước mắt. Ở thành phố lâu năm, thèm bồ quân cũng chẳng biết kiếm đâu ra, lại xuýt xoa nhớ những ngày thơ ở quê nhà.

Bên trái nhà tôi, là nhà thím Sử. Hai nhà chung cái giếng nước. Mọi hoạt động dính dáng tới “nước” đều tập trung ở giếng. Từ tắm táp, giặt giũ, rửa ráy. Lúc nào cũng nghe tiếng khua gàu, tiếng nước chảy. Cái bếp nhà thím Sử với nhà tôi ngăn cách nhau bởi hàng chè tàu. Mùi nấu nướng lan tỏa từ bếp, bên này nấu món gì, bên kia đều cảm nhận được, cùng chia sẻ những món ăn ngon, hay bát nước chè nóng. Dù vậy, muốn qua nhà thím Sử bằng cổng chính, phải đi vòng gần cây số, nên chúng tôi vạch một lỗ nhỏ, đủ để một người chui qua. Nhờ có “cổng” tự chế ấy, chúng tôi đến với nhau thường xuyên hơn, thân mật như người nhà. Phía sau, hay phía tay phải nhà tôi, đều là những nhà chung rào, xa ngõ, nhưng rất gần gũi, thâm tình. Gặp sự cố gì, hàng xóm vạch rào, kiểu “tối lửa tắt đèn có nhau”. Hàng rào nhà quê thường là hàng chè tàu thẳng tắp, bên này bên kia có thể với tay để trao trái bắp nướng, trái ổi, trái ớt… dễ dàng. Không như nhà thành phố, hai nhà liền nhau nhưng lúc nào cũng cửa đóng then cài, hàng rào là những bức tường bê tông lạnh lẽo, ngăn cách. Nhà này có người ốm đau, nhà kia không hề hay biết. Chẳng biết sự vô tình bắt nguồn từ cái hàng rào bê tông, từ cổng ngõ im ỉm, hay những tất bật cơm áo gạo tiền đến lạnh lùng của người thành phố?

Mỗi khi nhà có giỗ, ba tôi dặn “đi mời là phải đi cổng trước đàng hoàng, quần áo chỉnh tề, nói năng lễ độ”. Lời mời đám giỗ thể hiện sự thành tâm, và việc đi bằng cổng chính cũng quan trọng không kém lời mời. Các cụ già xưa khó tính, mời giỗ mà… lơ tơ mơ, là họ không thèm dự, là cái giỗ hôm đó xem như… mất điểm. Cổng chính quan trọng như thế, nhưng người nhà quê chẳng mấy ai làm cổng ngõ. Ngõ nhà tôi là con dốc thoai thoải, cao hơn mặt đường, hai gốc cây khế hai bên thay trụ ngõ. Mấy mươi năm, vẫn nhà không cổng, như mời gọi khách, như tấm lòng rộng mở của ba mẹ tôi.

Ở thành phố, thỉnh thoảng lại nhớ mùa bồ quân chín, nhớ tiếng khua gàu, nhớ khoảnh sân rộng đầy bóng mát, nhớ những người thân quen “tứ phía” gần nhà xa ngõ. Mỗi khi về quê, lối từ cổng ngõ vào đến hiên nhà dài 40 – 50 mét, nhưng tôi cứ muốn đoạn đường dài thêm nữa. Đi thật chậm để cảm nhận không khí trong lành, mùi hương chanh dịu nhẹ phảng phất. Bỏ chiếc ba lô xuống đất, tôi vạch rào sang nhà hàng xóm “trình diện” mình sau một thời gian xa cách.

Phi Khanh (baoquangnam)