Nhớ mùi dầu gió của mẹ...

 Minh họa: Trà My

Cứ như thể những mùi hương đẫm vị hoài niệm ấy bắt nguồn từ ký ức, từ miền nhớ thẳm sâu thoảng về, để đi qua bao tháng bao năm, tôi vẫn đau đáu tìm lại. Tìm lại để thấy mình từng có một thời sống vô tư, hồn nhiên như thế, để bùi ngùi nhớ về những người đã đi qua cuộc đời, gửi lại trong tôi những mảnh ký ức cũ, phủ dưới lớp bụi thời gian.

Ngày nọ nghe bạn thủ thỉ với tôi rằng, có những mùi hương trong quá khứ bạn từng khó chịu khi bắt gặp, để rồi lúc tha phương bộn bề với cơm áo gạo tiền, ngược xuôi giữa phố lạ, lòng bạn lại day dứt kiếm tìm. Mùi xăng của chiếc xe máy cà tàng thập niên 80 của cha, mùi đất dầm mưa ngai ngái trước thềm, mùi bùn tanh từ cái ao sau vườn mỗi lần nhà bạn tát đìa bắt cá…Những mùi hương thân thuộc níu bạn lại với nỗi nhớ cố hương, bằng vô vàn sợi dây ký ức đan xen, chúng quyện lại ăm ắp trong khoảng trời hồi tưởng riêng mình. Vậy mà có một thời bạn từng vô tâm cố quên chúng đi, như là cách phủ nhận một tuổi thơ khốn khó, để giờ đây khi đã dạn dày với sương gió cuộc đời, mắt bạn lại cay xè khôn nguôi những lúc nhớ về…

Tôi chợt nhớ đến mùi dầu gió của mẹ. Mùi dầu nóng xức trên làn da ngăm lam lũ dường như là chất xúc tác cho giấc ngủ ấu thơ ùa về êm đềm, mặc ngoài kia là bình yên hay mưa gió. Mùi hương ấy quyện vào mái đầu khét nắng, lẫn trên áo quần lem lấm nhựa cây, đong đưa theo cánh võng kĩu kịt yên lành. Tôi áp mặt vào lòng mẹ, mùi dầu gió nồng cay ấm nóng len vào cánh mũi, tôi hít hà dư vị ruộng đồng còn vương lại trên tấm áo của mẹ một nắng hai sương, hòa lẫn cùng thứ mùi quê dân dã, thân thuộc. Mẹ tôi thường mang theo chai dầu gió bên mình, những khi trở trời, lưng đau, mỏi khớp, mẹ lại xức lên người như một thói quen để xoa dịu những nhọc nhằn mưa nắng. Những lúc ngồi một mình giữa bóng chiều tĩnh mịch, mỗi mùa gió lạnh miên man, bao đêm dài khó ngủ, mẹ lại xức dầu nóng để gọi về cảm giác bình an, dễ chịu, dần dà thành một mùi hương khắc khoải trong trí nhớ. Để tôi mỗi lần bất chợt gặp lại, lòng lại nhớ mẹ quắt quay…

Không biết mẹ bắt đầu xức dầu gió từ khi nào, nhưng đến tận bây giờ, thứ mùi hương khiến tôi chờ đợi nhất trước mỗi lần được về nhà, vẫn là mùi dầu gió của mẹ. Ngày xưa mẹ hay xức dầu cù là, dầu Trường Sơn, bao giờ chúng cũng được đặt trên đầu tủ, trong chiếc hộp bánh quy rỗng cùng những cuộn chỉ trắng, đen. Giờ thì mẹ mang theo chai dầu bỏ trong túi áo, để mỗi khi nhớ con, nhớ cháu, có mùi dầu gió bầu bạn, cùng san sẻ nỗi niềm. Mùi hương ấy cũng thầm lặng như mẹ một đời tất bật khuya sớm, những nơi nào có bàn tay mẹ vun vén là thoang thoảng mùi dầu gió chân phương. Một ngày, ta có thể bay nhảy ở những chân trời mới, còn mẹ, người vẫn lặng lẽ quanh xóm nhỏ bình dị sau bóng tre làng, cần mẫn dưới mái nhà bàng bạc gió sương với từng ấy công việc giặt giũ, bếp núc, với đàn gà, bầy lợn, vườn rau. Chiều về, ta có thể tụ tập bè bạn nơi phố xá rạo rực đèn hoa, còn mẹ, người chỉ rảnh tay ngơi nghỉ trên cánh võng nhịp nhàng, bên chiếc cát sét rè rè, cùng mùi dầu gió vấn vương, giản dị. Nhớ về mẹ, lòng chỉ muốn được vỗ về dưới mái ấm quê nhà, tay chân chỉ muốn loanh quanh bên mẹ, mắt miệng cười vô tư, trong vắt, mũi được hít hà mùi dầu gió thân quen. Nhớ về mẹ, lòng dạ cứ bồi hồi thôi thúc quay về những tháng ngày ấu thơ được rúc mình trong tình thương của mẹ, được xức dầu đấm lưng cho mẹ sau mỗi buổi làm đồng.

Ngửi được mùi dầu gió ở đâu đấy là tôi lại nghĩ về mẹ, về ngoại, những người phụ nữ chất phác, không phấn son, váy áo lụa là, phèn bám gót chân quanh năm dầu dãi. Mẹ neo đời mình vào hạnh phúc của bầy con, vào ruộng lúa một năm hai vụ, vào góc sân nhà, mảnh vườn, bờ dậu. Tôi nào quên ngày rời quê, vòng tay qua ôm mẹ nghe mùi dầu gió tỏa lan rưng rức, phải tự dặn lòng không được khóc để mẹ được an lòng. Dù mùi dầu gió có làm nhiều người thấy khó chịu, nhưng đó vẫn là thứ mùi hương mà tôi trân quý nhất. Nên tôi nói với bạn rằng hãy cứ về đi, hãy về lại quê nhà khi một mùi hương xưa cũ nào đó cứ mãi làm mình thổn thức. Khi bước chân lạc lối giữa bốn bề xa lạ, dù vui dù buồn, lúc thành công khi thất bại, hãy về đi để được vỗ về yêu thương…

Trần Văn Thiên (baodaklak)