Cao Minh Hiền - nữ nghệ sĩ gìn giữ tiếng hát ru bằng 5 ngôn ngữ

 Nữ nghệ sĩ Cao Minh Hiền, người có thể hát ru
bằng 5 ngôn ngữ các dân tộc Thái, Cao Lan, Mông, Tày và Kinh.

Là một loại hình nghệ thuật truyền khẩu có từ xa xưa, điệu hát ru từ thời ông bà truyền cho cha mẹ, từ cha mẹ truyền sang con cháu, từ đời này qua đời khác. Không chỉ là những lời ru êm dịu để con trẻ dễ vào giấc ngủ, qua hát ru, những vần thơ, lời răn dạy nhẹ nhàng, dễ tiếp thu được lồng vào đó nhằm giáo dục con cái ngay từ lúc còn nằm nôi.
    
Sinh năm 1953 tại Thanh Hóa, nữ nghệ sĩ Minh Hiền theo bố mẹ lên Tây Bắc lập nghiệp từ bé. Ngoài tiếng hát ru của mẹ đã thuộc từ khi lọt lòng, Cao Minh Hiền còn biết thêm những điệu hát ru của 3 dân tộc Mông, Tày, Thái, nơi cô cùng gia đình sinh sống ở vùng rừng núi Tây Bắc. Những lời ru tiếng hát của người mẹ, người bà đã in sâu vào tâm trí của cô, nuôi dưỡng tâm hồn cô, làm cho cô thêm yêu và muốn gắn bó với lời ca tiếng hát của dân tộc.
 
Từ năm 1997, nghệ sĩ Minh Hiền bắt đầu tham gia tìm hiểu một số loại hình âm nhạc dân tộc, trong đó có hát ru. Bà đã thực hiện những chuyến đi khắp các tỉnh phía Bắc, với mong muốn tiếp xúc, giao lưu, biểu diễn hát ru với các dân tộc ở các địa phương, đồng thời sưu tầm, ghi lại những làn điệu hát ru của mỗi dân tộc.

Nghệ sĩ Minh Hiền biểu diễn hát ru dân tộc Cao Lan trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc này ở Bắc Giang. 


 Nghệ sĩ Minh Hiền có thể vừa may vá, vừa hát ru như một cách thể hiện niềm đam mê của mình.   


Hiện nghệ sĩ Minh Hiền đã tự học được tiếng hát ru của 5 dân tộc gồm Thái, Cao Lan, Mông, Tày và Kinh. Bà là nghệ sĩ vừa có công sưu tầm các tài liệu hát ru của nhiều địa phương, vừa có khả năng biểu diễn đa dạng tiếng hát ru của một số dân tộc sinh sống ở Việt Nam một cách bài bản. Nghệ sĩ Minh Hiền cũng thường xuyên tham gia biểu diễn, giới thiệu tiếng hát ru đến rộng rãi công chúng và du khách qua nhiều sự kiện văn hóa tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh như: Lời ru của mẹ, Ngày Văn hóa Hòa bình Tp. Hồ Chí Minh, Lụa là một thuở…
    
Khi thể hiện lời ru của mỗi dân tộc, nghệ sĩ Minh Hiền khoác lên người bộ trang phục đặc trưng của dân tộc ấy và với bà đó cũng chính là cách giới thiệu đến khán giả những hiểu biết thêm văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam.
    
Những lời ru tình cảm, ấm nồng của nghệ sĩ Minh Hiền kết hợp với hoạt cảnh tái hiện người mẹ ngồi cạnh võng vừa hát ru vừa quạt mát cho con ngủ, hay vừa ôm con vào lòng vừa hát ru cùng với tiếng nhạc đệm từ những nhạc cụ dân tộc, đã gợi lại cho người xem những cảm giác rất đỗi thân thuộc, những kỉ niệm thuở ấu thơ mà hầu hết ai cũng trải qua.
 

 Nghệ sĩ Minh Hiền biểu diễn hát ru Nam Bộ tại Bảo tàng Áo Dài (Quận 1) trong chương trình “Lời ru của mẹ”.


 Nhóm đàn Tính, hát Then Quận Tân Phú trong đó có nữ nghệ sĩ Minh Hiền biểu diễn tại Khu du lịch Suối Tiên, Tp. Hồ Chí Minh.

 
Ngoài ra, nữ nghệ sĩ hát ru còn tham gia các câu lạc bộ Đàn Tính hát Then, Hội quán các bà mẹ, thường xuyển tổ chức các lớp dạy hát ru, các buổi văn nghệ, giới thiệu hát ru đến công chúng, đặc biệt là các người phụ nữ chuẩn bị làm mẹ.
    
Là người tham dự nhiều chương trình biểu diễn hát ru của nghệ sĩ Minh Hiền, bà Lê Tú Cẩm, Hội trưởng Hội Di sản văn hóa Việt Nam chia sẻ: "Đứng trước nguy cơ những giá trị văn hóa dân tộc (trong đó có hát ru) ngày càng bị mai một, thì một nghệ sĩ có khả năng biểu diễn hát ru như nghệ sĩ Minh Hiền đã đốt lại ngọn lửa trong mỗi thế hệ chúng ta, góp phần lan tỏa ra nhiều người, để cùng nhau chung tay gìn giữ hát ru – một “di sản đặc biệt” của dân tộc./.
 
Theo Báo Ảnh Việt Nam