Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm

 Mộc bản được lưu giữ tại Chùa Vĩnh Nghiêm

Chùa Vĩnh Nghiêm ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, là một trung tâm Phật giáo lớn thuộc phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Vĩnh Nghiêm là trung tâm ấn hành, xuất bản lớn của Phật giáo Việt Nam.

Kho Mộc bản (ván khắc) còn lưu giữ hiện nay (được san khắc tại đây), vẫn lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3000 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách (âm bản) khoảng 2000 chữ Nôm, chữ Hán. Đây là các kinh, sách mang giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam do Tam Tổ Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang cùng các hệ phái kế tiếp biên soạn.

Chùa Vĩnh Nghiêm được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta. Được xây dựng từ thời Lý đến thời Trần, Chùa có một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn hóa Phật giáo khi trở thành nơi tu hành của các bậc cao tăng. Đỉnh cao nhất là 3 vị Tam Tổ của Thiền phái Trúc Lâm đều thụ giới ở chùa Vĩnh Nghiêm, lấy nơi này làm trung tâm Phật giáo thời Trần để đào tạo tăng đồ và xếp đặt tăng chức, trụ trì các chùa trong cả nước.

Do xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo nên các bậc cao tăng đã khắc bản kinh để ấn tống phục vụ tăng đồ và truyền bá về đạo Phật. Và những Mộc bản này trở thành kho báu quý giá cho đời sau. Các bộ ván kinh xưa rộng tới 10 gian nhà. Đó là những bộ ván kinh có từ 700 năm nay như: Sa di tăng sa di tì tỉ khiêu ly (348 giới luật), bộ Yên Tử nhật trình từ thế kỷ 15 (quá trình hình thành phái Trúc Lâm), Hoa nghiêm sớ, Di đà sớ sao, Đại thừa chí quán, Giới kinh ni... do các vị Sư Tổ Thiền phái Trúc Lâm ở chùa Vĩnh Nghiêm cho khắc tạc.

Người xưa đã chọn gỗ thị - loại gỗ trắng, thớ mịn, ít cong vênh - để tạc chữ. Gỗ thị khi tươi rất mềm, khi khô lại trở nên dai bền hiếm có, vì vậy mà các nghệ nhân xưa đã khắc ngay khi gỗ mới được xẻ thành ván. Đây là những bản khắc có niên đại sớm nhất, nhiều sách nhất, chữ chuẩn đẹp nhất và đạt đến độ tinh xảo, trong số mộc thư còn lưu giữ được ở nước ta.

Kho Mộc bản đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam, từ chỗ chủ yếu sử dụng chữ Hán sang dùng chữ Nôm, được đúc kết dưới dạng các câu thơ hoặc những diễn giải tư tưởng Phật học dưới lăng kính của người Việt Nam. Ngoài giá trị về Phật pháp, nội dung của Mộc bản ở Chùa Vĩnh Nghiêm có ý nghĩa lớn đối với xã hội Việt Nam trên nhiều phương diện, như: triết lí nhân sinh và giáo dục nhân cách công dân, ngữ văn tự, khoa học kĩ thuật, văn học nghệ thuật.

Kho mộc bản là bản nguyên gốc, còn tương đối nguyên vẹn và được bảo quản tốt theo phương pháp truyền thống của người Việt Nam, là tài sản quý hiếm đặc biệt. Đến với không gian thiền tĩnh mịch của ngôi chùa cổ, được tận mắt thấy những bộ Mộc bản đang được lưu giữ tại đây, chúng ta mới thấy được sự tài hoa và tâm thiền trong sáng của bậc tiền nhân cùng các vị cao tăng, cũng như những tư tưởng tiến bộ mà các vị Tổ Sư của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để lại cho hậu thế.

Thanh Hương (tổng hợp)