Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

 Hoàng Thành Thăng Long – Di sản Văn hóa Thế giới

Tháng 12/2002, các chuyên gia đã tiến hành cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Đông Nam Á trên tổng diện tích 19.000m2 tại trung tâm chính trị Ba Đình – Hà Nội. Cuộc khai quật này đã phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau.

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội bao gồm khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như Bắc Môn, Đoan Môn, Hậu Lâu, rồng đá điện Kính Thiên, nhà con rồng, nhà D67 và cột cờ Hà Nội. Những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến thế kỷ IX), xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010 - 1945).

Là kết tinh của các giá trị nhân văn, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và nghệ thuật tạo dựng cảnh quan, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu. Những giá trị này được ghi nhận bởi 3 đặc điểm: tính liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử, là minh chứng về truyền thống văn hóa lâu đời, và cho thấy kết quả của quá trình giao thoa giữa các hệ văn hóa.

 Cột cờ Hà Nội

Trước hết, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử một quốc gia vùng Đông Nam Á trong mối quan hệ với khu vực và thế giới. Nơi đây được ví như một "bộ lịch sử sống" chảy suốt theo cả chiều dài hơn 10 thế kỷ của Thăng Long - Hà Nội, từ khi là kinh đô của nước Đại Việt, tới khi trở thành Kinh Bắc và cho tới ngày nay. Đây là bằng chứng thuyết phục về sức sống và khả năng phục hưng của Việt Nam sau hơn 10 thế kỷ bị nước ngoài đô hộ, ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa trong công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Thứ hai, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng. Đây là trung tâm quyền lực liên tục của Việt Nam trong hơn 1000 năm lịch sử và là minh chứng có một không hai về sự tiến hóa của nền văn minh dân tộc Việt Nam. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội ghi đậm dấu ấn những giá trị biểu đạt văn hóa và những sự kiện mang tầm vóc ý nghĩa toàn cầu.

Rồng đá điện Kính Thiên

Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hóa trong gần một ngàn năm. Hiếm có một di sản nào trên thế giới thể hiện được tính liên tục dài lâu của sự phát triển chính trị, văn hóa giống như vậy.

Thứ ba, những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài. Chúng cho thấy Việt Nam là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt là Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình vương thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây (thành Vauban). Kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, quy hoạch các khu cung điện, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí cung đình với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.

Ngoài ra, nhiều tiền đồng, đồ gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á... được tìm thấy ở đây là bằng chứng cho thấy Thăng Long là trung tâm giao lưu văn hoá với các nước trong khu vực và tiếp nhận những giá trị tinh hoa của nhân loại.

Như vậy, những giá trị nổi bật của Hoàng thành Thăng Long không chỉ thể hiện ở những di tích, di vật hiện hữu được phát lộ, mà còn lắng đọng ở chiều sâu văn hóa phi vật thể, được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử; không chỉ tiêu biểu cho các giá trị văn hoá của dân tộc Việt Nam, nơi đây còn kết tinh các giá trị văn hoá của khu vực. Chính vì thế, việc quy hoạch, bảo tồn và phát huy các giá trị lâu dài của khu di tích là vấn đề được nhiều nhà khảo cổ, các học giả trong nước và quốc tế quan tâm. Tháng 9 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức tọa đàm khoa học quốc tế chia sẻ kết quả nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Đánh giá các di tích khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu cho thấy sự tác động của môi trường, khí hậu, đặc biệt sự biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp. Hệ thống mái che bằng tôn nhựa, vách tường bảo vệ di tích, hệ thống tiêu thoát nước hiện nay chưa đủ điều kiện bảo đảm an toàn cho di tích đang xuống cấp nghiêm trọng. Để hạn chế sự xuống cấp này, cần tiến hành khảo sát và nghiên cứu với sự phối hợp của nhiều đối tác và ngành nghề khác nhau. Hiện nay, phương án bảo tồn và phát huy giá trị của Khu di tích đang được xây dựng với định hướng bảo tồn toàn bộ Khu di tích trong tổng thể của Trung tâm chính trị Ba Đình và Trung tâm chính trị Hà Nội

Việc bảo vệ tốt các di tích, di vật dưới lòng đất, phục vụ công tác nghiên cứu, đồng thời tổ chức tốt việc trưng bày một phần hiện vật tiêu biểu, sẽ giúp cho công chúng trong và ngoài nước hình dung đầy đủ hơn về diện mạo của Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội./.

Bình An

(tổng hợp)