Cồng chiêng Tây Nguyên – thanh âm vang vọng của đại ngàn

 Cồng chiêng là di sản quý báu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên

Tây Nguyên là vùng đất chung sống của hơn 47 dân tộc anh em với những sắc thái văn hóa đậm nét riêng. Đặc biệt, cuộc sống của đồng bào dân tộc nơi đây vẫn còn lưu giữ được những nét tự nhiên độc đáo. Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng từ tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và sang tận Phú Yên, Khánh Hòa. Chủ nhân lâu đời của loại hình di sản ấy chính là tộc người Ba Na, M’Nông, Xơ Đăng, Cơ Ho, Rơ Măm, Giẻ Triêng, Mạ, Gia Rai, Ê Đê, Chu Ru, Raglai…

Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được tạo ra không chỉ từ nhạc cụ cồng chiêng, các bản nhạc diễn tấu cồng chiêng, mà còn bởi mối quan hệ giữa nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng với tín ngưỡng, phong tục, nghi lễ - lễ hội… của đồng bào các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên.

Cồng chiêng là hai loại nhạc cụ thuộc bộ gõ hoặc loại tự thân vang được đúc bằng đồng hoặc đồng pha gang có nhiều kích cỡ. Cồng có núm ở giữa còn chiêng thì không. Dàn cồng bao giờ cũng đảm nhiệm vị trí bè trầm thường đi từng cặp; chiêng đảm nhiệm phần giai điệu có tính tự sự, ca xướng. Ngoài ra, đi kèm với dàn cồng chiêng hoàn chỉnh còn có thêm các nhạc khí hỗ trợ như bộ lục lạc, xập xòa và trống đại.

Tính độc đáo của Cồng chiêng Tây Nguyên thể hiện ở trình độ điêu luyện của người diễn tấu trong việc áp dụng những kỹ năng đánh cồng chiêng và kỹ năng chế tác.

Khi nghe tiếng cồng chiêng, chúng ta có thể phát hiện các tầng giai điệu được đan xen và đối ứng với nhau bên cạnh phần đệm hòa âm trong các lễ hội cúng bến nước, lễ hội mừng được mùa, lễ hội cầu mưa, nghi thức đón khách hay kết nghĩa... Cồng chiêng Tây Nguyên là sự hòa quyện giữa hai loại nghệ thuật âm nhạc chủ điệu và đa điệu theo lối tư duy hòa âm được hình thành từ chính bản chất bồi âm đa thanh của tự nhiên. Đặc tính hợp tấu và hòa tấu của âm nhạc đã xác định tính diễn xướng tập thể của cồng chiêng qua mối quan hệ tương tác với cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên trong dòng chảy lịch sử.

Trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, cồng chiêng là biểu tượng của sự linh thiêng cao quý và là tài sản có giá trị nhất trong đời sống vật chất cũng như tinh thần. Âm vang cồng chiêng luôn gắn bó số phận con người với buôn làng. Đứa trẻ 3 tháng tuổi đã được tiếng cồng tiếng chiêng dẫn dắt gia nhập cộng đồng qua lễ “thổi tai”, lớn lên theo âm thanh này từ các lễ hội, đến khi từ giã cõi đời cũng được tiếng cồng chiêng tiễn biệt về với Yàng.

Có thể nói âm vang loại nhạc cụ này đã bám rễ vào đời sống của từng con người, được ướp hương thiên nhiên của trời của đất, theo bản năng sinh tồn của nền văn minh nương rẫy. Cồng chiêng Tây Nguyên đã được định danh là loại hình di sản văn hóa mang đậm dấu ấn thời gian và không gian, trong đó lưu giữ cả những lớp cắt lịch sử của tiến trình phát triển âm nhạc từ thuở sơ khai./.

Thu Lan (tổng hợp)