Kiều bào chung sức xây dựng quê hương hội nhập và phát triển

Chủ trì Hội nghị gồm Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; ông Ngô Trịnh Hà, Vụ trưởng - Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Tăng cường công tác về người Việt Nam ở nước ngoài

Thay mặt Ban Tổ chức, ông Ngô Trịnh Hà đã báo cáo Hội nghị về tình hình cộng đồng và công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), những thành tựu trong công tác hỗ trợ cộng đồng thời gian qua và nêu bật những khó khăn thách thức, những mục tiêu, phương hướng hoạt động và kiến nghị trong thời gian tới.

Theo báo cáo, những năm qua, kiều bào đã và đang có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước. Tính từ năm 1993 đến năm 2018, tổng lượng kiều hối chuyển về nước đạt 143 tỷ USD. Lượng kiều hối gửi về lần lượt tăng qua các năm: năm 2016 đạt 11,9 tỷ USD, năm 2017 đạt gần 13,8 tỷ USD, năm 2018 dự báo đạt 15,9 tỷ USD.

Năm 2018 trên cả nước có gần 3000 doanh nghiệp của kiều bào với số vốn đăng kí khoảng 4 tỷ USD. Trong đó nhiều kiều bào đã trở lại quê hương làm việc, kinh doanh, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ… Mỗi năm có khoảng 300 - 500 lượt trí thức kiều bào về nước đóng góp chuyên môn, tham gia các chương trình hợp tác, nghiên cứu, chuyển giao khoa học.

Các mạng lưới NVNONN dần khẳng định vai trò trong việc thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài như Liên hiệp Hội người Việt Nam toàn Châu Âu, Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, mạng lưới Kiều bào trẻ… Đồng thời, những mạng lưới này hỗ trợ tích cực cho các doanh nhân kiều bào khi về nước đầu tư cũng như các doanh nhân trong nước muốn đầu tư ra nước ngoài.

Cộng đồng NVNONN là cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hoá do cộng đồng tổ chức hay các địa điểm văn hoá, tôn giáo của NVNONN, văn hoá Việt, bản sắc Việt đã được truyền tải, lan toả và giành được sự yêu mến của cộng đồng quốc tế. Vị thế và uy tín của Việt Nam một phần nhờ đó được củng cố và nâng cao.

Báo cáo cũng khẳng định, trong những năm qua, nhiều giải pháp vận động, hỗ trợ NVNONN được triển khai toàn diện, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, cổ vũ, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, gắn bó với quê hương đất nước, giúp đỡ lẫn nhau, vươn lên trong cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại của cộng đồng khoảng 4,5 triệu NVNONN…

Thu hút nguồn nhân lực kiều bào đóng góp cho sự phát triển của địa phương

Tại phiên làm việc buổi sáng với chuyên đề 1, đã có nhiều kiến nghị đóng góp, trao đổi, xây dựng cho hoạt động của hội đoàn NVNONN; chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các hoạt động gắn kết kiều bào, hướng về quê hương đất nước; giải quyết các vướng mắc, đề xuất phương hướng, biện pháp nhằm thu hút kiều bào về đầu tư, kinh doanh và làm việc với các địa phương về những vấn đề như quốc tịch, giáo dục, môi trường đầu tư….

Ông Lương Xuân Hòa, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Udon Thani, Thái Lan cho biết: Cộng đồng người Việt ở Udon luôn chú ý đến việc gìn giữ và phát huy văn hóa Việt Nam, dạy và học tiếng Việt. Cùng với các hoạt động hướng về quê hương, đóng góp cho đồng bào, chiến sỹ Trường Sa, kiều bào ở đây đang tích cực hưởng ứng phong trào dạy và học tiếng Việt; phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan đại diện ngoại giao tại Thái Lan đưa phong trào dạy và học tiếng Việt phát triển sâu rộng trên địa bàn. Với sự giúp đỡ của các thầy giáo, cô giáo Việt kiều, Udon Thani đã có lớp học tiếng Việt đầu tiên được mở tại chùa Khánh An, học viên không chỉ là các cháu thiếu nhi mà cả các bậc phụ huynh và doanh nhân trong cộng đồng. Bà con kiều bào cũng tích cực nói chuyện với con cháu bằng tiếng Việt và xem truyền hình Việt Nam...

Chia sẻ về kinh nghiệm thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, bà Lê Thị Thương, kiều bào ở Nhật đóng góp ý kiến: "Doanh nghiệp Việt cần có sự kết nối với các doanh nghiệp logistics chuyên nhập khẩu và phân phối hàng hóa của Nhật Bản thông qua các đơn vị đầu mối. Hàng năm, các đơn vị đầu mối đều tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, mời các nhà cung cấp, xuất khẩu đến trao đổi về xu hướng tiêu dùng, nhu cầu sản phẩm nhập khẩu cũng như khuyến cáo cho các doanh nghiệp làm thế nào để xây dựng sản phẩm và xuất khẩu được vào thị trường Nhật Bản...".

Nói về đầu tư phát triển công nghiệp và nông nghiệp bền vững, ông Vũ Văn Long, Hội trưởng Hội người Việt tại Đài Loan cho biết, kiều bào tại Đài Loan sẵn sàng làm cầu nối hỗ trợ về kỹ thuật chế tạo xe hơi. Để đảm bảo phát triển bền vững lâu dài, cần chú trọng giữ gìn môi trường ở những khu công nghiệp; nếu khu công nghiệp bị ô nhiễm nặng, cần mạnh dạn bỏ đi. Còn với nông nghiệp, quan trọng là sản phẩm sạch. Nếu những vùng đất trồng được cây nông nghiệp thì không nên xây dựng nhiều khu công nghiệp. 

Buổi chiều, các đại biểu tiếp tục tham dự Hội nghị chuyên đề 2 với chủ đề: “Kiều bào chung sức xây dựng quê hương hội nhập và phát triển”. Đây là cơ hội để các địa phương giới thiệu, quảng bá về lịch sử, văn hóa, con người, tiềm năng, lợi thế và môi trường đầu tư nhằm thu hút, kêu gọi kiều bào về đầu tư, xây dựng tại tỉnh; đồng thời đây cũng là dịp các địa phương kết nối với kiều bào và lắng nghe các kiến nghị đề xuất của bà con.

Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các hoạt động kết nối, ông Hồ Văn Lâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái - Việt bày tỏ Hiệp hội sẵn sàng làm cầu nối giúp đỡ các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, thương mại trên đất Thái, đặc biệt là các địa phương của Việt Nam muốn thúc đẩy quảng bá các sản phẩm đặc sản, thế mạnh của mình sang Thái Lan; mong muốn các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam chủ động liên hệ khi có nhu cầu. 

"Các tỉnh miền Trung của Việt Nam có lợi thế rất lớn trong việc phát triển các cảng biển để xuất khẩu hàng hóa đi khắp thế giới. Đây vốn là nhu cầu của các tỉnh đông bắc Thái Lan và Lào. Để tận dụng lợi thế này, chúng tôi đề nghị Nhà nước Việt Nam có các chính sách khuyến khích, thu hút kiều bào đầu tư, góp sức vào lĩnh vực này", ông Lâm nói thêm.

Với tham luận "Kết nối doanh nghiệp Việt Nam với thị trường Úc và các doanh nghiệp Úc với thị trường Việt Nam", ông Trần Đăng Huệ - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nhân Việt Nam tại Sydney, Úc - góp ý các địa phương nên tổ chức thường xuyên các buổi gặp gỡ giới thiệu tiềm năng của tỉnh, các dự án trọng điểm thu hút đầu tư cũng như thiết lập đầu mối liên hệ chiến lược với các tổ chức, công ty xúc tiến thương mại- đầu tư hay cá nhân có uy tín tại Úc để triển khai các hoạt động kết nối lâu dài với thị trường này...

Bàn về việc đầu tư cho các công trình văn hóa của địa phương hiện nay, ông Nguyễn Huy Mỹ, Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên Liên bang Nga cho biết: “Theo tôi, việc trước hết cần phải làm là các cơ quan, chính quyền địa phương, các tổ chức quản lý khu di tích, danh thắng và các dự án văn hóa cần có các chính sách, biện pháp kêu gọi và khuyến khích kiều bào bỏ vốn đầu tư vào các địa điểm có tiềm năng du lịch. Nghệ Tĩnh là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa ở các cấp độ khác nhau, trong đó có nhiều di sản đã được UNESCO công nhận như: Di sản phi vật thể Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh; Di sản tư liệu Mộc bản Trường học Phúc Giang; sách cổ Hoàng hoa sứ trình đồ; Danh nhân thế giới Đại thi hào Nguyễn Du... Đồng thời, chính quyền các địa phương cần có các ưu tiên, định hướng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản…”. 

Bà Đinh Kim Nguyệt, Giám đốc khu vực Vancouver của Tổ chức Canada-Vietnam Society thì mong muốn Chính phủ tạo điều kiện hơn nữa cho bà con kiều bào khi làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam thì được hưởng chính sách quốc tịch linh hoạt - có thể nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải từ bỏ quốc tịch nước ngoài đang có. Chính phủ và các địa phương cũng nên khuyến khích kiều bào tham gia vào các nhóm nghiên cứu, nhóm đề xuất và xây dựng chính sách để có được các chính sách thực tế, phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của bà con.

Đặc biệt, chuyên đề 2 của Hội nghị có phiên thảo luận trao đổi kinh nghiệm của các doanh nhân, trí thức NVNONN về nước lập nghiệp như ông Võ Thành Đăng (Singapore), bà Phùng Kim Vy (Canada), ông Daniel Hoài Tiến (Hoa Kỳ), ông Trần Hải Linh (Hàn Quốc)… Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, ý nghĩa và thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham dự.

Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của kiều bào

Báo cáo tổng kết Hội nghị, Đại sứ Lương Thanh Nghị đã nêu lên những vấn đề lớn, quan trọng đã được thảo luận tại 2 phiên họp chuyên đề của Hội nghị. Bên cạnh báo cáo khái quát của các sở, ban, ngành chức năng của một số tỉnh về tình hình phát triển của địa phương, đã có 17 tham luận và các ý kiến hết sức tâm huyết của kiều bào được trình bày, nêu ra nhiều đề xuất, kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết tồn tại, giúp địa phương phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và hội nhập quốc tế.

Qua Hội nghị, các địa phương đã xây dựng được một mạng lưới liên kết với các Hội doanh nghiệp và doanh nhân NVNONN, từ đó tìm hiểu thêm nhiều cơ hội kêu gọi đầu tư từ nước ngoài phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển của địa phương, tạo nền tảng vững chắc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của đất nước.

Đại sứ Lương Thanh Nghị cho biết, Hội nghị đã ghi nhận những kiến nghị, đề xuất cụ thể của đại biểu kiều bào tập trung vào những vấn đề thiết yếu đối với sự phát triển của các địa phương như: Nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; đầu tư, thương mại và dịch vụ…

Có thể nói, với những kết quả đã đạt được, Hội nghị đã thành công tốt đẹp, thể hiện ý chí và nguyện vọng của kiều bào ở khắp nơi trên thế giới hướng về Tổ quốc, cùng chung tay xây dựng đất nước phát triển nhanh, mạnh, bền vững và thành công trong tiến trình hội nhập quốc tế.

 Nhật Lệ