Bá Thị Châm - nhà nữ khoa học nâng tầm cây thuốc Việt

Nguồn gốc thảo dược cũng được chị Châm đặc biệt chú ý khi lựa chọn sử dụng.

Từ câu chuyện sáng tạo trên nền tự nhiên
Được đào tạo chuyên ngành sinh học, chuyên sâu về hóa sinh học, nên khi về làm việc ở Viện Hóa học, Ths. Bá Thị Châm được giao nhiệm vụ là người đầu tiên xây dựng Phòng thử nghiệm hoạt tính sinh học (nay là phòng Hóa sinh ứng dụng, Viện Hóa học) để thực hiện các phép thử hoạt tính sinh học của cây thuốc.

Khi Viện Hóa học hợp tác nghiên cứu với hãng dược phẩm Tibotec (Bỉ) về tìm kiếm các kháng sinh, kháng vi rút, độc tế bào ung thư từ thực vật Việt nam. Trong thời gian thực hiện dự án, chị Bá Thị Châm đã được Viện lựa chọn và cử đi học tại phòng thí nghiệm của Bỉ và trở về Việt nam xây dựng phòng thí nghiệm xác định hoạt tính của cây tại Việt nam.

Năm 2005, chị Bá Thị Châm được cử sang Vương quốc Bỉ, sau đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia để nghiên cứu xây dựng các phép thử nghiệm về hoạt tính sinh học, công nghệ vật liệu nano…Tại đây, chị được tiếp cận với những phòng thử nghiệm hoạt tính hiện đại hàng đầu, nơi nhận các mẫu hoạt chất từ thiên nhiên và thậm chí cả hoạt chất hóa học tổng hợp được gửi đến từ khắp thế giới.

“Chính công việc này đã giúp tôi có một ngân hàng dữ liệu thông tin về tác dụng của các loài thực vật Việt Nam, kể cả những cây còn chưa được ghi chép trong từ điển chuyên ngành”, chị Châm cho biết.

Kết hợp với việc tìm hiểu các hoạt chất của thảo dược trong các công bố, sách chuyên ngành trong và ngoài nước, những nghiên cứu của thế giới đến những kinh nghiệm của cha ông, chị Châm đã biết được chính xác chất nào hoặc nhóm chất nào trong cây có tác dụng chính, cùng với đặc điểm về mặt hóa học, vật lý để tinh chế chúng.

Theo Ths. Bá Thị Châm, Đông y nói chung có những bài thuốc dân gian lên đến 30 vị (loại cây thuốc), trong khi đó có 4 - 5 vị có cùng một loại hoạt chất có tác dụng. Bên cạnh các hoạt chất có tác dụng thì cũng tồn tại không ít những chất không có tác dụng. Những chất này đôi khi gây cản trở cho việc hấp thu hoạt chất và cũng có thể gây tác dụng phụ.

Theo chị Châm, việc sử dụng cây thuốc như vậy không chỉ là vấn đề lãng phí mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm từ những tạp chất khác có trong thảo dược gây ra cho người bệnh.

“Khi biết được những chất nào trùng nhau trong bài thuốc, tôi có thể bỏ bớt vị trong bài thuốc bằng cách làm giàu hoạt chất đó ở một nguyên liệu và tách chiết chúng ra khỏi nguyên liệu rồi bào chế chúng trở ở dạng dễ hấp thu, dễ sử dụng và dễ bảo quản nhất”, chị Châm nhấn mạnh.

Về quy luật tiến hóa tự nhiên, trong lý thuyết cũng như thực chứng từ các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng không có hoạt chất tổng hợp nhân tạo nào có thể hoàn hảo bằng tự nhiên. Bởi vậy, xu hướng hiện nay của thế giới trong chữa bệnh là quay về tự nhiên.

Theo quan điểm của nhà khoa học Bá Thị Châm, đây sẽ là một cơ hội lớn cho Đông y phát triển. Điều quan trọng là phải tìm ra cách bào chế mới để có thể hạn chế tối đa những nhược điểm trong bài thuốc đông y, từ đó nâng cao hiệu quả trong việc phòng và hỗ trợ điều trị bệnh.

Cũng theo chị Châm, trong quá trình tiến hóa, cơ thể người sẽ tạo ra các enzym phù hợp và tiêu hóa, hấp thu được các hoạt chất tồn tại sẵn trong tự nhiên và ít gây dị ứng. Vì vậy, việc sử dụng các hợp chất tự nhiên sẽ phù hợp hơn là dùng các hợp chất từ tổng hợp hóa học.Bởi vậy, quan điểm của chị Châm đó là “Sáng tạo trên nền tự nhiên, chứ không tạo ra được tự nhiên”. Và đó cũng là lý do Ths. Bá Thị Châm tâm huyết với cây thuốc Việt.

 Thạc sĩ Bá Thị Châm (thứ nhất từ bên phải) trong Lễ trao giải thưởng Phụ nữ sáng tạo năm 2017.

Đến xây dựng công thức bào chế mới với thảo dược truyền thống
Lợi thế từ “ngân hàng dữ liệu các hoạt chất thảo dược”, trong quá trình tham gia nhiều cuộc hội thảo, tiếp xúc với các chuyên gia nước ngoài, Ths. Bá Thị Châm lại được tiếp cận với xu hướng nghiên cứu của thế giới đó là vật liệu nano.

Nhận thấy đây chính là công nghệ bào chế có thể khắc phục được những nhược điểm của thảo dược truyền thống, chị Châm đã bắt đầu bằng dự án "Công nghệ bào chế thực phẩm chức năng nguồn gốc thảo dược dạng Nano".

Giải thích về cơ chế của công nghệ này, theo chị Châm, bằng công nghệ mô phỏng sinh học, các hoạt chất được đưa về dạng nhỏ đến kích cỡ nano mét. Ở kích thước này, khi vào cơ thể, nó sẽ được hấp thu một cách tối đa, nhả từ từ vào trong máu giúp làm tăng tác dụng của các loại hoạt chất này khi vào cơ thể.

Hoạt chất sau khi được tách chiết khỏi dược liệu thô, sẽ trải qua giai đoạn lên men để làm tăng hoặc làm mới hoạt chất, sau đó mới được nano hóa. Với cách làm này, chị Châm đã chọn lọc, kích hoạt được dược tính cao nhất của cây thuốc. Cũng theo chị Châm, công nghệ bào chế này có thể nâng cấp các loại thuốc Đông y truyền thống lên một bậc mới, hiệu quả cao hơn, đồng thời tiết kiệm được rất nhiều dược liệu và dễ dàng bảo quản, vận chuyển và sử dụng.

Chính vì vậy, các sản phẩm của chị Châm đã đem lại hiệu quả rõ rệt chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, khẳng định được những giá trị của thảo dược Việt Nam.

Nguồn gốc thảo dược cũng được chị Châm đặc biệt chú ý khi lựa chọn sử dụng. Chị Châm đã tìm về những địa phương có phân bố loại thảo dược đó để trực tiếp kiểm soát việc thu hái, sơ chế đảm bảo thảo dược không bị nhiễm nấm, mốc, bẩn làm giảm hoạt chất.

Theo chị Châm, tiềm năng thảo dược có ngay trong những thực phẩm phổ biến hằng ngày của người Việt Nam, thậm chí cả trong những phụ phẩm. Chị Châm lấy ví dụ về vỏ hạt đậu xanh, bã đậu tương, bã vừng đen sau khi ép lấy dầu.., vỏ củ hành khô được chị tinh chế hoạt chất để bào chế viên gout, viên hành tỏi đen tốt cho bệnh về tim mạch.

Sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Ths. Bá Thị Châm gồm 3 nhóm:  

Thứ nhất, là nhóm sản phẩm nâng cao sức khỏe tổng thể (hệ miễn dịch) với quan điểm, miễn dịch là một cơ chế tự nhiên nhất giúp con người có sức đề kháng trước bệnh tật. Bởi vậy, trong chăm sóc sức khỏe trước tiên là nâng cao hệ miễn dịch. Trong nhóm sản phẩm này, nổi bật nhất là hai dòng sản phẩm nanocurcumin và tỏi đen. Sau khi nâng cao hệ miễn dịch kết hợp với hỗ trợ điều trị chuyên sâu thì khả năng hỗ trợ điều trị bệnh sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Bởi vậy, trong nhóm sản phẩm thứ hai, chị Châm tập trung vào các sản phẩm hỗ trợ điều trị chuyên sâu, liên quan đến các bệnh chuyển hóa xuất hiện nhiều trong cuộc sống hiện đại như: rối loạn chuyển hóa lipit, tiểu đường, gout, tim mạch,...

Và nhóm sản phẩm thứ ba đó là hỗ trợ điều trị và nâng cao sức khỏe giới tính, với các sản phẩm mầm đậu nành hỗ trợ cân bằng nội tiết tố nữ, bổ thận nam,...

Với hai sản phẩm tinh chất mầm đậu nành và viên tiểu đường (từ dây thìa canh, cam thảo đất, hoài sơn, tỏi đen được sản xuất bằng công nghệ lên men và bào chế dạng nano), Ths. Bá Thị Châm đã được nhận giải thưởng Phụ nữ sáng tạo năm 2017 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng.

Kho tàng dược liệu của Việt Nam vô cùng quý giá và còn nhiều giá trị tiềm ẩn chưa được khai thác. Bởi vậy, mong muốn của nhà nữ khoa học đó là không chỉ nâng tầm giá trị cây thuốc Việt mà còn góp phần làm giảm tỷ lệ nhập thuốc ngoại, giúp người dân được hưởng lợi, cả về chất lượng lẫn giá thành./.
 
(Báo ảnh Việt Nam)