Nhà nữ khoa học đưa công nghệ nano bạc vào đời sống

 TS.Trần Thị Ngọc Dung vừa nhận giải L’Oreal-UNESCO 2017 vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2017.

Tính ứng dụng xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu khoa học, theo chia sẻ của chị: “Tôi là phụ nữ nên trong đầu không tránh khỏi việc mắm muối tương cà. Từ việc chăm sóc gia đình, tôi đã hình thành ý tưởng nghiên cứu trong những nhu cầu thường ngày của cuộc sống”.

Năm 2002, khi vật liệu nano bắt đầu được thế giới đặc biệt chú ý, thì 3 năm sau đó, chị Dung cũng bắt đầu hành trình nghiên cứu vật liệu nano ở Việt Nam.

Theo TS.Trần Thị Ngọc Dung, bạc là kim loại có khả năng kháng khuẩn mạnh nhất trong tự nhiên. Bởi vậy, mặc dù kiến thức sơ khởi, nhưng cha ông xưa đã sử dụng kim loại này một cách rất hiệu quả trong việc chữa bệnh và phòng độc.  Đây cũng là lý do, chị đã dành hơn 10 năm theo đuổi các công trình nghiên cứu về nano bạc, chỉ sau vài năm khi vật liệu nano được thế giới tìm ra.

Câu chuyện về chiếc khẩu trang nano bạc, đã vượt qua hàng loạt các dự án khác, trở thành ứng viên sáng giá trong một dự án đầu tư về bảo vệ môi trường của một tổ chức phi chính phủ của Vương quốc Bỉ, là một trong những minh chứng cho điều này.

Khi hồ sơ về dự án của chị Dung được đặt lên bàn của các nhà tài trợ, ông điều phối viên trưởng của dự án đã thích thú thốt lên rằng: “Tôi thích cái này. Tôi thích cái này. Cái này Việt Nam đang rất cần…”.

Thời gian sau đó, một tập đoàn của Nhật đã cử đại diện sang Việt Nam, gặp chị Dung để đàm phán về một hợp đồng sản xuất khẩu trang nano bạc sử dụng trong thị trường của Nhật. Tuy nhiên do năng lực sản xuất của Việt Nam khi đó chưa đáp ứng được đơn hàng với số lượng lớn. Nên chiếc khẩu trang nano bạc đành “lỡ hẹn” với thị trường Nhật Bản.

Tiếp nối chiếc khẩu trang nano bạc, một loạt những sản phẩm có sử dụng vật liệu nano của chị nghiên cứu và ứng dụng có mặt trên thị trường như: dung dịch vệ sinh phụ nữ, nước súc miệng, băng bỉm vệ sinh trẻ em, người lớn, dung dịch làm sạch vết thương, khăn giấy ướt, quần áo kháng khuẩn,....

 TS.Trần Thị Ngọc Dung trong lễ trao giải L’Oreal-UNESCO 2017 vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2017.

Trong công trình “Nghiên cứu điều chế nano bạc và ứng dụng nano bạc trong khử trùng nước uống”, chị Dung đã đưa ra giải pháp làm sạch nguồn nước ăn, góp phần giải quyết hiệu quả việc cung cấp nước sạch cho các hộ gia đình ở vùng lũ lụt, vùng có khó khăn về nước sạch.

Dung dịch nano bạc do TS.Trần Thị Ngọc Dung và nhóm nghiên cứu chế tạo được đánh giá có thể bảo quản lâu dài, có hoạt tính khử khuẩn rất mạnh, đặc biệt có thể điều khiển được kích thước hạt theo từng nhu cầu nhất định.

Công trình “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chế tạo băng gạc chứa nano bạc để điều trị các vết thương và vết loét khó lành trên người", sau khi đã được thử nghiệm lâm sàng tại các bệnh viện trung ương như Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức, nano bạc của chị đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu và đánh giá xuất sắc.

Nói về băng gạc nano bạc, theo tìm hiểu của chị, ở Mỹ bán 50 USD/chiếc và Trung Quốc bán rẻ nhất cũng là 14 USD/chiếc. Sản phẩm băng gạc sử dụng nano bạc của chị Dung khi đưa vào sản xuất có giá thành rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại của Mỹ, Trung Quốc từ 8 đến 30 lần, có chất lượng và khả năng điều trị vết thương tương đương./.

(theo Báo Ảnh Việt Nam)