Từ giáo dục mầm non Hoa Kỳ nghĩ về nuôi dạy trẻ ở Việt Nam

Ở Hoa Kỳ có câu nói: " All I really need to know, I learned in kindergarten", có nghĩa là: "Tất cả những gì tôi thực sự cần biết, tôi đã được học từ trong trường mẫu giáo".

Đúng vậy, nhà trẻ và trường mẫu giáo là nơi trang bị hành trang tương lai cho các cháu. Lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo là trắng trong và tinh khiết. Bố mẹ và thầy cô giáo là những người đầu tiên khắc họa cho tương lai cốt cách, nhân phẩm một con người tương lai ngay từ điểm khởi đầu ấy. Là người thích tìm hiểu về giáo dục và thích trẻ em nên tôi hay để ý đến việc học của trẻ em ở lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo Hoa Kỳ.

Phương pháp giáo dục "học mà chơi"

Các chương trình nhà trẻ và mẫu giáo (kindergarten) ở Hoa Kỳ không mang tính bắt buộc. Chính phủ liên bang chỉ hỗ trợ tài chính cho chương trình head start - là chương trình dành cho trẻ em nghèo. Còn lại, hầu hết các gia đình thường tự tìm trường và tự trả chi phí.

 

 Các bé tại trường mầm non Little Green Tree House bang Chicago, Hoa Kỳ

Các nhà trẻ và trường mẫu giáo tại Hoa Kỳ không bao giờ thiếu sách và đồ chơi. Giáo viên dạy trẻ biết cách đánh vần, đọc những quyển sách nhỏ và đơn giản để các cháu hiểu về khoa học đời sống, kỹ thuật, nghệ thuật... Ngoài ra các cô chỉ bảo cho các cháu kỹ năng biết bảo vệ bản thân, cách tự chăm sóc đảm bảo vệ sinh sức khỏe. Các cháu sẽ được các giáo viên dạy sơ bộ đọc, viết, vẽ, làm toán..., nhưng cái cần thiết nhất mà trường nhà trẻ và mẫu giáo trang bị cho các cháu là 20 điều quy định về việc cần phải luôn ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như: " if you mess it up, you clean it up" - nếu bạn làm lộn xộn, thì bạn phải dọn cho gọn gàng (xem bài Dạy con từ thuở còn thơ - quehuongonline, Hà An).

Trong dịp hè ở Mỹ các em hầu hết đi dã ngoại. Họ tổ chức cho các em theo phương châm chơi mà học, học mà chơi. Cứ mỗi bận đi dã ngoại trở về, các em lại thêm nhiều hiểu biết về cuộc sống và thế giới tự nhiên. Các em được đến trang trại, tìm hiểu cách làm ra sản phẩm nông nghiệp như hạt mì, hạt ngô, cải bắp, hạt đậu... và chăn nuôi trong trang trại gà, bò, lợn... như thế nào. Các em đến tham quan nhà máy, sẽ hiểu thêm những sản phẩm công nghiệp như xe đạp, xe máy, ô tô, tàu hỏa, máy bay... sản xuất theo dây chuyền ra sao. Các em được đến các khu rừng hay vào công viên để xem các loại cây và động vật muôn loài. Chương trình các tháng hè hầu như kín lịch “chơi mà học” và rèn luyện thể chất theo kiểu dã ngoại. Cách học mà chơi dành riêng cho kỳ nghỉ hè ấy ở Hoa kỳ gọi là "camp". Loại hình này giúp các em khám phá nhiều điều mới nên các em rất thích thú mỗi sáng khởi hành.

Giáo dục mầm non ở Việt Nam từng bước có nhiều phương pháp mới

Nhìn trẻ em ở Hoa Kỳ, tôi thầm mong ở Việt Nam tất cả các cháu đều được giáo dục phổ cập như vậy. Tôi biết nhiều trường ở Việt Nam cũng có những hoạt động tương tự trong môi trường giáo dục mầm non, đặc biệt là các trường mầm non tư thục hoặc dân lập. Một số trường mầm non tư thục tại Việt Nam đã chú trọng tới việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ như trường mầm non Thiên Thần Nhỏ (Baby Einsteins) ở khu đô thị Định Công, Hà Nội.

Vốn yêu thích trẻ em và giáo dục mầm non, mỗi lần về Việt Nam, tôi thường mang một ít sách tiếng Anh cho các cháu ở trường mầm non, các cô và các bé luôn vui mừng đón nhận. Ở mái trường Thiên Thần Nhỏ, phương pháp giáo dục cho các cháu tự lập, tự chủ trong học, ăn, nghỉ, chơi, rèn luyện thể chất cũng là một phương pháp giáo dục mới theo phong cách mẫu giáo Hoa Kỳ.

 Các cháu mẫu giáo tại trường mầm non tư thục Thiên Thần Nhỏ (Baby Einstein)

Các trường tư thục ở Việt Nam tuy không có qui mô lớn, số cháu không đông nhưng các cháu vẫn được tách từng lớp theo độ tuổi và có rất nhiều hoạt động hấp dẫn và phong phú phù hợp cho từng lứa tuổi của trẻ. Ở độ tuổi nhà trẻ thì nhà trường kết hợp chăm sóc, nuôi dưỡng và các bài học cơ bản về môi trường sống và các hoạt động vận động đa dạng. Đối với độ tuổi mẫu giáo, ngoài chăm sóc nuôi dạy, nhà trường còn chú trọng chỉ bảo các cháu kỹ năng sống, các hoạt động khám phá khoa học - trải nghiệm, vận động, toán học và nghệ thuật.

Chuyến tham quan các làng nghề truyền thống Việt Nam của các bé mầm non 

Ngoài ra, mỗi tuần các cô và các cháu còn có lịch học âm nhạc, nghệ thuật và các hoạt động ngoại khóa khác, một số trường mầm non còn nhận được các chương trình giảng dạy âm nhạc miễn phí do nhóm các nghệ sĩ tâm huyết với sự nghiệp giáo dục mầm non dành tặng cho các bé. Các nghệ sĩ sẽ trực tiếp giảng dạy các bé và hướng dẫn phương pháp giảng dạy cho giáo viên của nhà trường. Đây là một dự án vô cùng thiết thực và ý nghĩa góp phần giúp hệ thống giáo dục mầm non tư thục ở Việt Nam ngày càng được nâng cao về chất lượng chương trình.

Tại các trường mầm non, các cháu ở độ tuổi mẫu giáo và các cô đều được học thêm tiếng Anh từ các giáo viên bản ngữ có nhiều kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam. Qua đó, tôi hiểu được các nhà trường đang hướng giáo dục trẻ em theo phương pháp tiếp cận nền giáo dục của các nước phát triển như Hoa Kỳ. Đối với giáo dục mẫu giáo ở Hoa Kỳ, vui chơi là hoạt động chủ đạo, bởi vui chơi sẽ tạo ra sự biến đổi thể chất trong tâm lý của trẻ em. Việc vui chơi có tính giáo dục cao sẽ tạo ra đời sống tinh thần, cảm xúc, tình cảm và gắn kết bạn bè để qua đó phát triển nhận thức, ngôn ngữ và nhân cách ban đầu theo hướng chân, thiện, mỹ... theo đúng quy luật tự nhiên và xã hội.

Nhạc sĩ Phan Trần Bảng – thành viên Hội nhạc sĩ Việt Nam - trong giờ hoạt động âm nhạc với các bé mầm non 

Các trường mầm non tư thục cũng là nơi tiếp cận được cách giáo dục các cháu độ tuổi mầm non theo phương pháp của Hoa Kỳ,  phù hợp với tố chất và nền tảng văn hóa Việt Nam. Giống như các trường mẫu giáo ở Hoa Kỳ, các bé ở đây cũng được dạy về kiến thức sức khỏe, xã hội, ngôn ngữ, cách diễn đạt và tìm hiểu thế giới xung quanh. Thông qua các hoạt động vui chơi phong phú, trẻ tự quen dần với những điều được dạy. Đồng thời các cháu được các cô hướng dẫn về quy tắc ứng xử với bạn, với mọi người và xã hội, cũng như việc đi lại và tín hiệu giao thông để các cháu quen dần với nề nếp sinh hoạt hàng ngày.

Cứ mỗi lần về tôi lại ghé qua thăm các nhà trẻ, tặng ít sách, được gặp các giáo viên và nghe tiếng chào bi bô của trẻ, tôi vui và có nhiều vô cùng cảm xúc mến thương dành cho các bé thơ. Luôn ấp ủ mang đến tri thức mới cho công cuộc ươm mầm xanh tương lai của những nhà giáo dục mầm non tâm huyết ở Việt Nam, khi sang Mỹ tôi muốn tìm hiểu thêm nhiều điều bổ ích để góp phần đổi mới phương pháp cho các trường mầm non tư thục ở Việt Nam để các cháu được chăm sóc và dạy dỗ tốt hơn. Tôi cũng hy vọng sẽ có thêm nhiều nhà trẻ và mẫu giáo ở Việt Nam  tiếp cận chương trình giáo dục hiện đại để các cháu được phát triển toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu của những công dân tương lai trong một thế giới mở, từ đó đưa trẻ em Việt Nam trở thành những công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập với nền công nghiệp 4.0.

Hà An (Hoa Kỳ)