Tăng thuế thuốc lá: ‘Chìa khóa’ giảm tỷ lệ tử vong sớm ở Việt Nam

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: smithsonianmag.com) 

Hệ lụy kinh hoàng

Tại Hội nghị cung cấp thông tin và kỹ năng truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá, thạc sỹ Phan Thị Hải (Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế) cho hay, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới với 45,3% nam giới trưởng thành hút thuốc.

Theo bà Hải, các bệnh có nguyên nhân trực tiếp do thuốc lá lên tới 25 bệnh. Trong đó, có thể kể ra như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi… Đây là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ.

Bên cạnh đó, gánh nặng kinh tế do thuốc lá gây ra rất đáng lo ngại với 31.000 tỷ đồng mua thuốc lá mỗi năm; 24.000 tỷ đồng điều trị 5 nhóm bệnh. Ngoài ra, các chi phí chưa được tính như điều trị các nhóm bệnh còn lại (ví dụ Thái Lan mất trên 414 triệu USD/năm), chi phí nghỉ giữa giờ để hút thuốc, chi phí cháy nổ liên quan hút thuốc, phá rừng diện rộng để lấy gỗ sấy thuốc lá, phí vệ sinh tăng…

Trong khi đó, tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện văn phòng WHO tại Việt Nam khẳng định thuốc lá đang gây ra tổn thất lớn về sức khỏe và kinh tế trên toàn cầu và ở Việt Nam. Hút thuốc lá gây ra 7,1 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, bao gồm gần 900.000 ca tử vong do phơi nhiễm khói thuốc lá, gây tổn thất hơn 1.400 tỷ USD.

“Ở Việt Nam, cứ hai nam giới trưởng thành thì một người hiện đang hút thuốc. Việc sử dụng thuốc lá đang gây ra 24-28% ca tử vong sớm ở nam giới Việt Nam trên 35 tuổi, hơn 40.000 ca tử vong do thuốc lá mỗi năm. Con số này sẽ tăng lên đến 70.000 người chết vào năm 2033 trừ khi các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả được thực hiện,” tiến sỹ Kidong Park nhấn mạnh.

Đánh thuế quá thấp

Ông Kidong Park nhận định, một trong các lý do chính cho tỷ lệ hút thuốc nam cao ở Việt Nam là do giá thuốc lá thấp, với mức giá xếp thứ 19 trong số 20 quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Việc giá thấp này chính là do thuế thấp. Ông Kidong Park cho hay thuế thuốc lá ở Việt Nam chỉ chiếm 36% giá bán lẻ. Đây cũng là mức thấp nhất trong số các quốc gia trong khu vực.

Ngoài ra, hệ thống thuế ở Việt Nam, chỉ dựa vào thuế theo tỷ lệ tạo ra khoảng cách giá lớn và có nhiều thuốc lá giá rẻ hơn, và dễ gây ra kẽ hở cho chuyển giá. Và, một hệ thống thuế tuyệt đối sẽ giúp giảm hút thuốc lá ở trẻ em và giúp dễ dàng quản lý thu thuế.

“WHO đề xuất một hệ thống thuế hỗn hợp bằng cách áp dụng bổ sung thuế tuyệt đối trên hệ thống thuế cụ thể hiện tại. Với mức tăng thuế 5.000 đồng/bao thuốc sẽ giúp giảm 1,8 triệu người hút thuốc và sẽ giúp ngăn ngừa gần một triệu người chết sớm trong tương lai,” ông Kidong Park kiến nghị.

Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm của WHO phân tích, trong thành phần khói thuốc có tới 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư. Theo ước tính của WHO và Ngân hàng thế giới, khi tăng thuế để giá thuốc lá tăng 10% sẽ giảm tiêu dùng khoảng 4% ở các nước phát triển và 5% ở các nước đang phát triển. Trong đó, lớp người nghèo và trẻ tuổi sẽ giảm nhiều hơn với 10%. Việc giá thuốc cao cũng có tác dụng ngăn ngừa trẻ bắt đầu hút thuốc.

Ông Lâm cũng đưa ra một số ví dụ về việc tăng thuế thuốc lá mang lại hiệu quả cao ở nhiều nước như Pháp: Giá thuốc lá tăng gấp 3 tiêu thụ giảm 1/2; Mỹ: giá thuốc lá tăng 3 lần tiêu thụ giảm hơn 1/2… Qua đó, các bệnh như ung thư phổi tại các quốc gia nói trên cũng được giảm đáng kể. Đó là chưa kể việc tăng thuế ở mặt hàng này sẽ tăng thu ngân sách…

Trung Hiền (TTXVN)