Nỗ lực bảo tồn nghề dệt thổ cẩm làng Teng, Quảng Ngãi

Nghệ nhân làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) dệt thổ cẩm. Ảnh: baoquangngai.vn 

Nếu như trước đây, mọi phụ nữ làng Teng đều biết dệt thổ cẩm, trong đó có hàng chục người có tay nghề, đến nay, cả làng Teng chỉ còn khoảng 10 người gắn bó với nghề này. Chị Phạm Thị Găm (40 tuổi) có lẽ là phụ nữ đam mê với nghề dệt nhất. Lớn lên bên khung dệt của bà, mẹ, chị được mẹ chỉ cách se vải, nhuộm màu từ lúc 17 tuổi. Chị Găm đã có 23 năm tuổi nghề. Để sống được với nghề dệt này, chị Găm phải liên tục cập nhật các mẫu hoa văn mới lạ, tìm hiểu nhu cầu thẩm mỹ của khách hàng, từ đó cho ra những sản phẩm vừa giữ được nét truyền thống nhưng vẫn phù hợp thời trang. Chị Găm chia sẻ: “Thị hiếu khách hàng ngày càng cao, nên muốn bán được hàng, mình phải hiểu và đáp ứng được những gì họ muốn. Ví dụ như ngày xưa hoa văn tối, nhỏ, giờ mình làm hoa văn to và sáng hơn. Nhờ đó, dù nhiều người phải phá khung cửi, bỏ nghề nhưng mình vẫn bám nghề và sống được với nghề”.

Do nhu cầu khách hàng về mặt hàng thổ cẩm ngày càng ít nên ngày càng ít người học và gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Đặc biệt là các thế hệ trẻ dưới 30 tuổi ở làng Teng hiện nay chỉ có vài người biết dệt, nhưng để dệt đẹp và thành thạo lại không có. Theo những nghệ nhân, nghề dệt đòi hỏi công phu, tỉ mỉ. Để dệt một tấm thổ cẩm hoàn chỉnh, người thạo nghề mất khoảng 4 ngày, còn không phải 10 - 15 ngày. Thế nhưng, giá trị về kinh tế của các sản phẩm không cao, tiền công thấp, đầu ra của sản phẩm lại không ổn định. Bà Phạm Thị Đú, nghệ nhân cao tuổi ở làng Teng cho biết: “Thế hệ trẻ bây giờ gần như không đủ kiên nhẫn để học hỏi nghề này, các cháu cũng không có sự cẩn thận, khéo léo như phụ nữ thời chúng tôi. Tôi mong các cấp chính quyền tạo điều kiện mở nhiều lớp dạy dệt thổ cẩm hơn để nghề này mãi mãi không bị mai một”.

Những năm gần đây, số lượng các sản phẩm dệt thổ cẩm của làng Teng bán được rất chừng mực. Lí do vì giá thành cao, các trang phục nóng hơn một số chất vải trên thị trường, các sản phẩm chưa tinh xảo như sản phẩm các làng thổ cẩm khác trong nước. Vì thế, để đưa dệt thổ cẩm Làng Teng trở thành sản phẩm du lịch cần có nhiều cải tiến. Ông Phạm Giang Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Tơ cho biết: Nhằm bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm làng Teng, huyện đã mở một số lớp đào tạo nghề dệt cho phụ nữ H’re. Chính quyền địa phương cùng với cơ quan chức năng đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Nhà bảo tồn sản phẩm thổ cẩm làng Teng; đồng thời, xây dựng trang web quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm đi trưng bày tại các hội chợ. “Điều chúng tôi mong muốn nhất là cơ quan chức năng giúp dân trồng bông hoặc có đơn vị cung cấp nguyên liệu tốt hơn để dệt thay vì dệt bằng sợi chỉ màu như hiện nay. Mục đích cuối cùng là đáp ứng nhu cầu du khách và người dân nơi đây thực sự sống được với nghề”, ông Nam cho hay.

Đinh Thị Hương/ dantocmiennui.vn