Đầu tư tư nhân tại Việt Nam tăng gấp đôi trong 13 năm

 Lắp ráp otô tại Nhà máy oto Trường Hải.

Trong thời gian tới, gia tăng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và mở rộng nguồn tài chính tư nhân trong nước là những ưu tiên hàng đầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu tài chính cho việc thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG).

Đây là khuyến nghị chính của Báo cáo “Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam” được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố tại Hà Nội ngày 11/9.

Với mục tiêu tổng quát là hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực cải cách việc huy động, sử dụng và quản lý tài chính cho phát triển, nhằm thực hiện Chương trình nghị sự Phát triển bền vững đến năm 2030, báo cáo “Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam” cung cấp một cái nhìn tổng quan về những thay đổi trong bức tranh tài chính phát triển ở Việt Nam. Báo cáo phân tích cơ cấu, tính chất và xu hướng tài chính phát triển và các nguồn đầu tư cho phát triển ở Việt Nam có so sánh với các nước khác (chủ yếu là các nước trong khu vực ASEAN).

Báo cáo nghiên cứu cho thấy sự gia tăng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam và việc mở rộng nguồn tài chính tư nhân trong nước là ưu tiên hàng đầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu tài chính để thực hiện thành công các SDG.

Để bảo đảm các nguồn tài chính công đóng góp có hiệu quả vào việc thực hiện thành công các SDG, cần mở rộng diện thu thuế như là một nguồn thu ngân sách thường xuyên hơn, tăng nguồn thu ngân sách từ việc quản lý tốt hơn các tài sản Nhà nước, đồng thời nâng cao hiệu quả chi tiêu Chính phủ và đầu tư công, cùng với nỗ lực quản lý tốt nợ công.

Báo cáo cũng nêu bật sự cần thiết phải bảo đảm quá trình chuyển tiếp thông suốt ra khỏi giai đoạn tiếp nhận Trợ giúp phát triển chính thức (ODA), quản lý tốt hơn mối quan hệ tương tác giữa các nguồn tài chính cho phát triển, đồng thời tăng cường hiệu quả điều phối và hiệp lực giữa các nguồn tài chính khác nhau.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh cho biết, thách thức lớn nhất là nguồn lực cho sự phát triển, cho đầu tư cơ sở hạ tầng để có thể theo đuổi Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Việt Nam. Hiện các dòng vốn tài chính luân chuyển rất nhanh trong bối cảnh Việt Nam có sự thay đổi lớn, nguồn vốn tài trợ đang giảm dần. Việt Nam cần có sự đánh giá đầy đủ về nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững và báo cáo này giúp cho Chính phủ có cái nhìn thấu đáo, lâu dài hơn.

Theo ông Haoliang Xu, Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Giám đốc UNDP Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương,  Báo cáo đánh giá tài chính cho phát triển cho thấy bức tranh tài chính phát triển ở Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng. 

Ông lưu ý: Đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước tăng gấp đôi vào năm 2015 so với năm 2002, song chỉ chiếm 40% tổng tài chính cho phát triển, và tỷ lệ đầu tư tư nhân trên đầu người của Việt Nam – 490 USD so với mức trung bình của các nước ASEAN là 690 USD – nằm trong nhóm thấp nhất ở khu vực ASEAN.

Ông Haoliang Xu khuyến nghị Việt Nam sớm thực hiện một số biện pháp, bao gồm khuyến khích tăng đầu tư tư nhân trong nước; đầu tư công tập trung và huy động đầu tư tư nhân; thu hút những dự án FDI liên kết công ty trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh thu thuế, quản lý tài sản công và áp dụng thuế tài sản và thuế môi trường; và xây dựng khuôn khổ tài chính phối hợp cho việc thực hiện SDG.

Ông tái khẳng định cam kết của UNDP là đối tác của Việt Nam trong tài chính hiệu quả cho SDG, đặc biệt trong việc tăng cường hiệu quả điều phối và hiệp lực giữa các nguồn tài chính (công, tư, trong nước và quốc tế) và tối ưu hóa cho kết quả SDG.

Thu Lê (Chính phủ)