Chuyến tàu

 

 Ảnh minh họa

1. Nguyệt nhất định phải quay trở lại nơi ấy. Phải lâu lắm rồi, gần ba năm nay cô chưa ra khỏi ngôi nhà. Không phải Nguyệt không muốn đi mà vì cô không thể đi được. Ngôi nhà đó như cần cô lắm, dù không có việc gì thì chỉ mỗi việc cứ tối tối đến, nấu cho mấy con chó, con mèo nồi cơm, cho chúng nó ăn cũng đã làm vướng chân cô, vậy nên, muốn đi đâu đó vài ngày, cô phải thu xếp để có người chăm lũ mèo chó trước rồi mới yên tâm được.

Ngôi nhà ở trên đồi, lọt thỏm giữa thành phố. Người ta gọi vùng này là xóm Dốc, bởi toàn dốc và dốc như leo lên những ngọn đồi. Nhà có nhiều cây xanh, nhiều nhất là đám lộc vừng, Nguyệt nhớ, ba cô đã mua nó về chăm sóc gần hai mươi năm rồi. Mười mấy cây, được ba cô chăm sóc chu đáo cứ xanh tươi, đến mùa hoa đỏ rũ từng chùm xuống sân, mùa hoa rụng như trải thảm đỏ, đẹp đến mê người. Ngoài ra, vườn còn có nhiều hoa giấy, cái loài hoa dễ sống, chỉ cần mùa nắng, để cho chúng héo rũ vài ngày, rồi xách vài thùng nước tưới vào ngập gốc thì vài ngày sau, lá như biến đi đâu hết, chỉ còn mỗi hoa bung tỏa, màu hồng, màu trắng đan xen nhau đẹp như một bức tranh.

Cái hồ cá rộng chừng tám mét vuông, phía trên có cái giàn phủ lưới. Ngày mẹ Nguyệt còn sống, ba cô trồng cho mẹ một giàn hoa lan, loài hoa mà mẹ cô rất thích. Rồi chẳng may, mẹ lâm bệnh qua đời, ba cô cũng chẳng còn thiết tha gì với chuyện chăm sóc những giò lan nữa. Mà giống hoa lan cũng lạ, cứ như con người, phải chăm sóc kỹ lưỡng, nếu không chúng cũng sẽ dần dần chết đi, chết từng cây một. Giờ giàn hoa lan chẳng còn một cây nào, mặc kệ, mẹ cô mất, ba cô như chết đi một nửa rồi, chẳng còn đủ sức mà lo lắng cho đám cây ngoài vườn nữa. Còn cái hồ. Nguyệt đi chợ, cứ thấy người ta bán cá trê, bắt từ sông lên, loại cá trê trẻ em chưa ăn được. Cô mua về, thả xuống dưới hồ, rồi lúc ném cho cá nắm cơm, lúc mua ổ mì đứng trên thành hồ xé ném xuống. Đám cá trê háu ăn, lại đói, cứ thấy ném cái gì xuống cũng tranh nhau ăn. Có người đùa, nhà cô Nguyệt nuôi cá cho cá ăn chay, chẳng bao giờ thấy cô vứt cái gì tanh tanh xuống cho chúng. Như thế nên lũ cá cứ như đang giữ dáng, con nào cũng mảnh mai, chỉ mỗi cái đầu là to lên theo năm tháng. Nguyệt nghe rồi cứ kệ. Cô nuôi chúng cho vui, chứ có phải nuôi để một ngày nào đó, lấy cần câu câu lên rồi cho vào nồi nêm mắm muối đâu mà cần phải mập mạp.

2. Rồi ba cô cũng ngã bệnh và qua đời. Căn bệnh tiểu đường, biến chứng đủ thứ. Đầu tiên là đôi mắt, đôi mắt ba cô bắt đầu mờ khi cô thấy ba đọc báo mà phải dùng kính lúp để soi. Ban ngày trời sáng trưng nhưng khi đọc, ba phải rọi đèn pin vào từng chữ. Căn bệnh này, vết thương khó lành nên không thể mổ mắt được. Hàng tháng, ba cô phải vào bệnh viện tiêm hóa chất để giữ cho đôi mắt không bị mờ đi hơn nữa. Nhưng cái thứ bệnh quái ác, tưởng chừng như có thể sống chung một cách hòa bình này lại âm thầm lấy đi của ba cô nhiều thứ không báo trước. Một ngày, sau khi đi khám tổng quát về, mặt ba cô đỏ lựng vì huyết áp tăng cao. Cô cũng tái xám mặt mày khi trên tờ siêu âm bụng kết luận, ba cô có hai khối u ở gan trên nền xơ gan do bị viêm gan B, nghi ngờ ung thư gan. Cô bắt đầu mất bình tĩnh. Cố gắng giữ mình không được khóc. Cô bảo:

- Ngày mai nhập viện để người ta kiểm tra kỹ lại, giờ mới siêu âm thôi kết quả chưa chính xác đâu ba, ba đừng lo. Chuyện gì còn có đó, cố lên ba ơi..

Ba cô vì sốc hay vì lo quá đã nằm xuống cái giường xếp, gác tay lên trán. Bởi ông ấy biết rằng, nếu bị u gan thì thời gian còn lại thật sự rất ngắn ngủi. Những người bạn của ông ấy đã lần lượt qua đời ở tuổi sáu mươi bởi căn bệnh này, mà từ khi phát hiện bệnh đến khi tạm biệt cõi đời chỉ vỏn vẹn vài tháng.

Hôm sau nhập viện. Ai nấy đều căng thẳng. Khi các bác sĩ tiến hành siêu âm kỹ, thử máu và làm một số xét nghiệm, bầu không khí căng như dây đàn. Nguyệt hết đứng lại ngồi ngoài hành lang bệnh viện nghe ngóng tin tức. Đến trưa, mọi thứ mới được thực hiện xong. Ba cô cầm một xấp kết quả trên tay, khuôn mặt tươi rói bước từ phòng khám đi ra.

Ba cô gọi cô thông báo, khuôn mặt mừng rỡ hết sức.

- Con ơi, bác sĩ nói chỉ bị u máu thôi, không phải ung thư. Cái này sẽ tự lành, không cần can thiệp gì cả.

Nguyệt mừng rỡ, cầm xấp hồ sơ, lật mở từng trang để đọc, ánh mắt cô rạng ngời

- Mừng quá ba ơi. Thật may là ba không sao hết, thật may là không phải ung thư. Hôm qua giờ con lo quá, cứ lo ba có chuyện gì, con không biết phải làm sao.

Nói rồi hai cha con họ cùng nhau ra về. Ngoài trời, cái nắng tháng Năm gay gắt. Phượng đã cháy bừng cả đám trên cao, tiếng ve trưa cứ râm ran trên những tán cây. Nguyệt thở phào nhẹ nhõm, bởi chỉ mới hôm qua cô vẫn còn đang sợ sẽ mất ba đột ngột như cô đã mất mẹ mười năm trước.

3. Nhưng hình như con người sống cuối đời là thời gian để trả hết nghiệp duyên nợ nần kiếp trước rồi “chào cuộc đời - ta đi” thì phải. Nửa tháng sau khi biết ba cô không bị ung thư thì cô lại phải đưa ba mình nhập viện một lần nữa. Tay chân ba cô phù lên thấy rõ, nhất là đôi bàn chân. Đôi giày cũ ông ấy đi không vừa nữa, chân bỗng phù lên như chân voi, bấm ngón tay vào thấy lún. Nguyệt đoán rằng ba cô mắc bệnh gì đó liên quan đến thận, bởi bình thường, bệnh tiểu đường gây chứng tiểu đêm, và đi tiểu rất nhiều, nhưng thời gian gần đây, cứ sáng sáng, cô đi đổ bô giúp ba, thì không còn thấy nước tiểu nhiều như trước.

Và rồi, bầu trời như sụp xuống. Ba cô bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Phải nhập viện, chạy thận, bởi kết quả xét nghiệm urê máu quá cao mặc dù siêu âm không hề thấy hai quả thận bị phù nề hay ứ nước. Ba cô dường như mất hết hy vọng sống. Ông ấy bảo rằng “Bệnh ba, ba biết. Trong người mệt nhọc ra sao ba biết, ba không còn nhiều thời gian nữa đâu”. Nguyệt khóc òa trước những lời ba cô nói. Cô không thể chấp nhận được việc một ngày nào đó, ngôi nhà chỉ còn mình cô và lũ chó mèo. Hôm đó, hai cha con cô đã cùng khóc, rồi cũng cùng động viên nhau rằng, mọi chuyện sẽ ổn, nhiều người chạy thận vẫn sống lâu được, rằng ba cô phải cố lên để chiến đấu với bệnh tật, để sống thêm với cô vài năm nữa.

Trời không chiều lòng người. Cứ mỗi tuần ba lần, mỗi lần ba tiếng đồng hồ ba Nguyệt phải có mặt tại phòng thận nhân tạo để các y, bác sĩ tiến hành quá trình lọc máu. Ban đầu, các bác sĩ chọc bẹn để lấy máu lọc, sau một thời gian thì phải mổ, làm cầu thận ở tay. Cứ mỗi lần chạy thận, Nguyệt đều phải theo ba, ngồi bên cạnh ba để canh cái máy đo huyết áp. Bởi trong quá trình chạy thận sẽ vừa rút nước, vừa lọc máu. Từ ngày chạy thận, ba cô dường như không đi tiểu được nữa nên nước cứ ứ lại trong người, cả cơ thể gầy nhom, chỉ có phần bụng là trướng lên như phụ nữ mang bầu.

Rồi điều gì đến cũng đã đến. Một ngày, sau khi đi chạy thận về, bác sĩ gọi điện bảo ba Nguyệt phải quay lại bệnh viện gấp vì kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ a-mô-ni-ắc máu quá cao, nếu không nhập viện tiêm thuốc và theo dõi thì sẽ gây hôn mê sâu. Hai cha con cô lại đưa nhau vào viện, nhưng sau một tuần truyền thuốc, nồng độ a-mô-ni-ắc máu vẫn không hạ thấp mà còn tăng cao hơn. Ba cô hiểu rằng thời gian không còn chờ ông ấy nữa. Ông ấy bảo cô rằng “Ba muốn về nhà”.

Nghe ba nói vậy, Nguyệt chẳng biết phải làm sao. Người cứ đờ đẫn ra, nhưng biết làm sao được, bệnh viện đã không thể cứu và giữ được ba cho Nguyệt nữa. Vậy nên, để làm vừa lòng ba, cô làm thủ tục cho ba cô được về nhà.

Sáu tháng gắn bó với máy chạy thận và các anh chị trong khoa. Ngày xin ba cô về nhà, không khí nặng nề bao trùm cả khoa. Không ai nói với ai lời nào, chỉ nhìn nhau bằng ánh mắt, những ánh mắt đầy xót xa.

Ba Nguyệt về nhà, hai hôm sau thì qua đời. Ông ấy bước lên chuyến tàu trở về đoàn tụ với ông bà, cha mẹ, với vợ của mình. Chuyến tàu cuối cùng của cuộc đời.

4. Sáng nay, Nguyệt cũng lên ga, sau hơn một năm ba cô mất, cô nhờ được người trông giữ đám chó mèo, và tưới những cây lộc vừng ba cô trồng. Cô bước lên chuyến tàu từ sáng sớm. Người soát vé tàu đến chỗ cô, yêu cầu cô đưa vé cho anh ta. Nguyệt đưa vé, anh ta nhìn cô mỉm cười. Cô đi gần quá nhỉ? Trên vé, cô sẽ dừng tại ga Trà Kiệu, một ga nhỏ, nơi quê nội của cô. Cuối cùng, cô cũng đã có đủ can đảm để trở về quê, mặc dù cha mẹ đã không còn nữa..

Lê Quý Lê (baogialai)