Trại hè Việt Nam 2018: Ngày đầu tiên trở về với nguồn cội

Sáng 11/7, tại Hà Nội, 120 thanh niên, sinh viên kiều bào về từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ để tham dự Trại hè Việt Nam 2018 đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm nơi làm việc của Người và tham quan Hoàng Thành Thăng Long – di sản văn hóa thế giới. Qua mỗi di tích, các bạn trẻ đều thể hiện những cảm xúc khác nhau thật khó quên.

Lặng lẽ xếp hàng kính cẩn vào lăng viếng Bác và được hướng dẫn viên giới thiệu thăm quần thể di tích Phủ Chủ tịch, nơi trở thành khu tưởng niệm quan trọng trong 15 năm sống và làm việc của Bác Hồ tới những ngày cuối đời. Các bạn trẻ đã vô cùng xúc động và ngạc nhiên khi lần đầu tiên được thấy nhiều hình ảnh từ lâu đã đi vào kí ức của mỗi người Việt qua những câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu như: Đường Xoài, hoa trắng, vườn cây, ao cá… và đặc biệt là ngôi nhà sàn lịch sử của Bác, biểu tượng cho lối sống giản dị, khiêm tốn và sự dâng hiến cho Tổ quốc, nhân dân. 

Viết cảm tưởng vào sổ lưu niệm tại ngôi nhà số 67 trong khu di tích, bạn Phạm Tiến Đạt, đến từ Slovakia cho biết: “Lần đầu tiên về Việt Nam, tham gia Trại hè, trong em có một tình cảm thiêng liêng dành cho quê hương. Em cảm thấy mình thật vinh dự khi cùng các bạn trẻ kiều bào ở khắp nơi trên thế giới về đây, cùng nhau giao lưu, học hỏi và đặc biệt là được cùng nhau học nói tiếng Việt như một gia đình. Được đến thăm nơi Bác Hồ sống và làm việc, càng cho em niềm tin và tự hào về nguồn gốc của mình, em sẽ cố gắng hơn nữa để có những thành tích tốt trong học tập, phấn đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại của chúng ta”.

Tiếp theo, các bạn trẻ được hướng dẫn tham quan di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long. Tại đây, các bạn được nghe hướng dẫn viên giới thiệu về quá trình phát triển lịch sử dân tộc qua các thời Đại La, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Nguyễn và thời đại Hồ Chí Minh. Sự phát triển này được thể hiện sinh động qua các hiện vật được trưng bày một cách cẩn thận và tỉ mỉ. Đó là các hiện vật tiêu biểu cho các giai đoạn lịch sử, từ những loại hình mỹ thuật, gạch, ngói, hoa văn trang trí cung điện, đồ dùng sinh hoạt trong cung đình đến những vật dụng dân dã trong đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Chăm chú quan sát từng hiện vật, bạn Lương Nhật Minh, đến từ Ucraina nhỏ nhẹ bằng tiếng Việt vẫn còn ngọng: “Được xem những hiện vật hiện hữu của mỗi thời kỳ lịch sử, giúp em hiểu rõ hơn về quá trình phát triển của đất nước và đây sẽ là những tư liệu tốt để em tìm hiểu về những di sản, cội nguồn của dân tộc mình”.

Kết thúc chương trình buổi sáng, các bạn trẻ đều cho rằng đây sẽ là kỷ niệm đáng nhớ đối với mình. Qua các hoạt động này, các bạn đều cảm nhận thấy được sức sống mãnh liệt của những giá trị lịch sử dân tộc, trân trọng những thành quả mà cha ông ta đã để lại, là động lực và cảm hứng để các bạn phấn đấu trong học tập, góp phần cống hiến vào sự phát triển của đất nước trong tương lai.

Chiều cùng ngày, các bạn đã tham gia buổi giao lưu thú vị với Danel Hoài Tiến, là một kiều bào trẻ, sinh ra và lớn lên tại Mỹ, nhưng lại chọn con đường trở về Việt Nam để lập nghiệp và đang có nhiều dự án phát triển cộng đồng cho bà con dân tộc thiểu số tại vùng Tây Bắc, Việt Nam./.

Thúy Phạm