Chất vấn và trả lời chất vấn: ĐBQH quan tâm điều gì?

 Toàn cảnh phiên họp của Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Văn phòng Quốc hội mới đây cũng đã phát đi thông báo về thứ tự chất vấn các thành viên Chính phủ. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sẽ trả lời chất vấn của nhóm vấn đề về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn; giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông, đầu tư theo hình thức BOT.

Tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ trả lời chất vấn về công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.

Các ngày chất vấn tiếp theo (5-6/6) sẽ tập trung vào trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về thị trường lao động, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng; thực trạng hoạt động dạy nghề của doanh nghiệp; dạy nghề theo nhu cầu của xã hội, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em.

Bên cạnh 4 Bộ trưởng, còn có hai Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Trịnh Đình Dũng và nhiều Bộ trưởng, Trưởng ngành khác sẽ tham gia giải trình thêm các vấn đề liên quan.

Tới buổi chiều ngày chất vấn cuối cùng (6/6), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về các vấn đề chung trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ. Theo tổng hợp phiếu chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội gửi tới Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ trả lời chất vấn tập trung vào công tác điều hành vĩ mô, các vấn đề liên quan tới hành chính công vụ và các vấn đề xã hội đang được quan tâm hiện nay.

Cử tri đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ

Trao đổi với báo chí cuối tuần qua, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết Quốc hội có quy trình lựa chọn các vấn đề, nội dung chất vấn rõ ràng, chính xác và khoa học dựa trên các kiến nghị của cử tri qua các kỳ tiếp xúc cử tri; đồng thời dựa trên các ý kiến đề nghị chất vấn mà đại biểu Quốc hội gửi tới kỳ họp và các nội dung thảo luận tại các phiên họp về kinh tế- xã hội.

Thực tế, Ban Dân nguyện đã tập hợp được 120 nội dung, nhóm nội dung các vấn đề gửi tới kỳ họp thứ 5 qua các đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp; khoảng 60 phiếu chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Tổng thư ký đã tập hợp và đã xin ý kiến các cơ quan chuyên môn, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban rồi sau đó lựa chọn tìm ra các nhóm vấn đề rồi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và xin ý kiến Quốc hội bỏ phiếu chọn vấn đề chất vấn.

“Nhờ quy trình như vậy nên không hề có sự né tránh với các vấn đề nóng, những vấn đề mà người dân đang quan tâm sẽ được ưu tiên xem xét. Thậm chí có những vấn đề liên quan đến BOT đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát nhưng vì đại biểu Quốc hội vẫn rất quan tâm và nhận được ý kiến của cử tri nhiều nên kỳ này vẫn được đưa ra cho Bộ GTVT”, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết.

Bà Hải cũng cho biết qua việc trả lời chất vấn trước quốc dân đồng bào thì cũng là dịp để xây dựng hình ảnh của các thành viên Chính phủ nói riêng và cả Chính phủ nói chung.

Ghi nhận từ dư luận qua các lần chất vấn ở 3 kỳ họp trước đây, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết có cử tri tâm huyết gửi bản thư viết tay cho Ban Dân nguyện dài 30 trang đánh giá các Bộ trưởng, lãnh đạo Chính phủ trả lời chất vấn Quốc hội.

“Nhìn chung, cử tri đánh giá cao sự nỗ lực của các thành viên Chính phủ trong thời gian vừa qua đã cố gắng trả lời và sau khi trả lời đã cố gắng giải quyết, tổ chức thực hiện những việc mà mình đã trả lời. Hơn 90% các câu hỏi của cử tri đều được trả lời đúng hạn và đều đặt ra lộ trình giải quyết cụ thể”, Trưởng Ban Dân nguyện chia sẻ.

Có được kết quả này, Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng là nhờ sự điều hành quyết liệt, năng động của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành trong những năm vừa qua.

Phân bổ ngân sách cho vùng khó khăn

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn Lạng Sơn: “Tôi quan tâm đến vấn đề phân bổ ngân sách thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia cũng như của địa phương. Trong đó, vấn đề phân bổ ngân sách thực hiện các chương trình liên quan đến vùng miền núi, dân tộc. Vừa qua đã có nhiều chính sách ưu tiên cho lĩnh vực này nhưng trên thực tế việc phân bổ ngân sách cho thực hiện các chính sách dân tộc còn hạn chế. Đây là một trở ngại trong quá trình chúng ta thực hiện đạt mục tiêu hiệu quả đặt ra đối với việc thực hiện chính sách dân tộc. Tôi muốn chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về nội dung này”.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn An Giang: “Trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia quyết định tốc độ tăng trưởng và phát triển bền vững về kinh tế. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam và chỉ tiêu về trình độ năng lực chất lượng cao vẫn còn ở mức thấp. Tôi muốn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ra giải pháp để sớm tháo gỡ những hạn chế để tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam ở một số chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến năng lực cạnh tranh, nâng cao vị trí của Việt Nam”.

Gỡ vướng giải ngân đầu tư công

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng tỉnh Quảng Trị: “Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với vấn đề dòng vốn vào mạnh chứ chưa phải là tình trạng dòng ra. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã và đang phải can thiệp mua ngoại tệ vào mạnh và chịu sức ép rất cao trong việc trung hòa tiền tệ nhằm tránh nguy cơ tạo áp lực lạm phát sau một độ trễ nhất định. Trong 1 bối cảnh như vậy, hoạt động giải ngân vốn đầu tư phát triển, bao gồm cả vốn trái phiếu chính phủ, lại khá chật vật. Thêm nữa, hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lại diễn ra khá sôi động, nhưng tiền thu được cũng lại rất chậm được tái đầu tư, dẫn đến tình trạng Khoản mục Tiền gửi Kho bạc Nhà nước bị dềnh lên nhanh chóng trong hệ thống ngân hàng thương mại, gây tác động cộng hưởng làm Ngân hàng Nhà nước rất vất vả đối phó với tình trạng vốn khả dụng hệ thống thừa ứ.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ vấn đề trên như thế nào?

Thứ hai là dòng vốn vào – ra khỏi đất nước ta gần đây đang có những dấu hiệu biến động nhạy cảm tương tự như ở nhiều nền kinh tế mới nổi khác. Để gia tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tình trạng dòng vốn có thể dễ dàng đảo chiều, chính sách tỉ giá của Chính phủ có nên tiếp tục theo đuổi mục tiêu neo giữ ổn định không? Phải chăng trong bối cảnh các dòng vốn quốc tế đang biến động mạnh, thì 1 chính sách tỉ giá linh hoạt với biên độ biến động đủ rộng, đi kèm với 1 cơ chế điều hành chính sách lãi suất Đồng Việt Nam hiệu lực, hiệu quả, sẽ tốt hơn hẳn 1 chính sách giữ tỉ giá ổn định trong khi phải buông mục tiêu kiểm soát lãi suất trong nước vì phải chạy theo áp lực điều tiết khối lượng tiền?- là vấn đề thứ 2 đại biểu Hà Sỹ Đồng đặt ra với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Thành Chung/ baodientuchinhphu.vn