Tổ công tác về kiểm tra công vụ làm việc tại Bộ LĐ-TB và XH

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc.
(Ảnh: TTXVN) 

Bảo đảm việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ

Báo cáo với Tổ công tác về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết là Bộ quản lý nhà nước nhiều lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội luôn quan tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo đảm việc chấp hành quy định của pháp luật, kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ.

Tính đến 1/4/2018, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có 613 công chức. Số người làm việc được giao tại các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ là 3.187 chỉ tiêu, hợp đồng theo Nghị định 68 là 223 người. Số lượng người làm việc hiện có tại các đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước đảm bảo và đảm bảo một phần kinh phí là 3.332 người, tại các đơn vị tự chủ toàn bộ kinh phí thường xuyên là 557 người.

Trong tổng số 3.889 người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ có 2.307 viên chức, 193 người hợp đồng theo Nghị quyết 68 và 1.389 hợp đồng lao động. Trên cơ sở biên chế công chức được giao hàng năm, Bộ đã quản lý, sử dụng biên chế đối với các đơn vị hành chính theo đúng quy định hiện hành, thực hiện sắp xếp, phân bổ biên chế công chức đáp ứng yêu cầu giảm mỗi năm 1,5% biên chế và định hướng đến năm 2021 giảm 10% biên chế các cơ quan, đơn vị hành chính trực thuộc bộ so với năm 2015. Năm 2018, Bộ xây dựng kế hoạch tuyển dụng số biên chế còn lại, trong đó có thi tuyển (tổ chức năm 2018); tiếp nhận với tỷ lệ phù hợp để bảo đảm cơ cấu về độ tuổi.

Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ đã xây dựng kế hoạch, phê duyệt Đề án tinh giản biên chế và ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Trên cơ sở Đề án chung của Bộ, các đơn vị xây dựng Đề án tinh giản biên chế riêng, trong đó, thực hiện tỷ lệ tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 tối thiểu 10% so với biên chế hành chính hoặc số người làm việc được giao trong đơn vị sự nghiệp. Kết quả thực hiện tinh giản từ năm 2015 đến nay là 193 người.

Liên quan đến việc đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ đã trình Chính phủ giữ nguyên số lượng 7 đơn vị hành chính như trước đây (không phát sinh bộ máy mới). Hiện, Bộ đang hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Ban Cán sự với định hướng kiện toàn, sắp xếp bộ máy hành chính ngay trong năm 2018 và đến năm 2021: bỏ cấp phòng trong 4 Vụ (13 phòng); tiếp tục rà soát, giảm 4-6 phòng ở các Cục thuộc Bộ; cơ bản bỏ cấp phòng thuộc Tổng cục, giảm hoặc chuyển đổi mô hình của một số tổ chức thuộc Tổng cục; rà soát, giảm, hợp nhất, kiện toàn lại các Ban chỉ đạo, các tổ chức phối hợp liên ngành, văn phòng điều phối (hầu hết sử dụng đội ngũ công chức kiêm nhiệm).

Đối với đơn vị sự nghiệp, Bộ tiếp tục rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của toàn bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ (từ 4-5 đơn vị) so với năm 2015; đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu 10% số lượng so với 2021; đồng thời giảm khoảng 50-70/417 phòng hiện có ở các đơn vị sự nghiệp của Bộ.

Công tác tuyển dụng của Bộ thực hiện đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Từ năm 2013 đến nay Bộ đã thực hiện tuyển dụng 70 công chức; tiếp nhận 5 trường hợp là công chức; tuyển dụng 371 viên chức. Hiện, Bộ đang triển khai công tác thi tuyển công chức năm 2018 với 57 chỉ tiêu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong phạm vi biên chế được giao và số còn được tuyển dụng theo quy định hiện hành.

Về tỷ lệ cán bộ chủ chốt (cấp phó) Bộ căn cứ vào các quy định của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để thực hiện công tác cán bộ, bảo đảm số lượng lãnh đạo đơn vị, số lượng lãnh đạo cấp phòng đúng quy định. Tuy nhiên vẫn còn 2 đơn vị có cấp phó vượt quá quy định (năm 2016 còn 1 đơn vị vượt cấp phó, Bộ đã điều chuyển 1 đồng chí đi đơn vị khác và đã phê bình Thủ trưởng cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ).

Nâng chỉ số và cải thiện vị trí về cải cách hành chính

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định đây là dịp để Bộ xem xét lại hoạt động, trên cơ sở đó hoàn thiện các chức năng, nhiệm vụ, tăng cường trách nhiệm thực thi công vụ. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có chức năng quản lý rộng: 14 lĩnh vực, trong đó có nhiều lĩnh vực nhạy cảm: người có công, bảo hiểm, an sinh xã hội... đều có thể phát sinh các ý kiến khác nhau, ý kiến trái chiều. Chính vì vậy, với phương châm quyết liệt trong công việc nhưng lấy sự hài lòng của người dân là chính, hai năm qua, Bộ luôn bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, lựa chọn các vấn đề bức xúc nhất trong từng năm để tập trung thực hiện. Năm 2017, Bộ tập trung làm tốt công tác đối với người có công với hai trọng tâm: giải quyết hồ sơ tồn đọng; xử lý vi phạm lợi dụng chính sách.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận bộ máy hoạt động của Bộ còn cồng kềnh; một số đơn vị cục, vụ trực thuộc còn thiếu nhiệt huyết trong công việc; sự phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ với các đơn vị bên ngoài chưa tốt... Bộ trưởng yêu cầu với tinh thần trách nhiệm cao nhất, các đơn vị trực thuộc Bộ cần nghiêm túc nhìn lại mình, lắng nghe, hoàn thiện các yêu cầu của Tổ công tác nêu.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ được thành lập theo Quyết định 364/QĐ-TTg ngày 2/4/2018, có nhiệm vụ tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật của cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ tại các bộ, ngành, địa phương; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vi phạm trong hoạt động công vụ tại các Bộ, ngành, địa phương. Làm việc với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là hoạt động đầu tiên của Tổ công tác.

Đánh giá cao thời gian qua Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy chế văn hóa công sở...; chấm dứt tình trạng nợ đọng hồ sơ văn bản, không bỏ sót nhiệm vụ được giao; số lượng đơn thư khiếu nại giảm; phấn đấu hoàn thành vượt mức 3 chỉ tiêu Quốc hội giao, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng những kết quả này có sự nỗ lực của tập thể Ban cán sự Đảng, ban lãnh đạo Bộ với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Chỉ ra những khó khăn, hạn chế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục quan tâm, họp bàn giải pháp xây dựng thể chế, nâng chỉ số và cải thiện vị trí về cải cách hành chính. Năm 2017, mặc dù chỉ số về cải cách hành chính của Bộ đã vượt 7 bậc so với năm 2016 (xếp hạng 12/19), tuy nhiên cần tiếp tục phấn đấu để đạt được thứ hạng cao hơn.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần khẩn trương đẩy nhanh việc tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; khẩn trương rà soát việc sử dụng biên chế công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị trực thuộc để bổ sung số biên chế còn thiếu theo số biên chế được giao; sớm hoàn thiện, ban hành khung năng lực và mô tả vị trí việc làm; phấn đấu phê duyệt Đề án vị trí việc làm cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; khắc phục việc thừa cấp phó tại hai đơn vị trong quý 3/2018. Kết quả việc kiểm tra công vụ tại Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ được báo cáo Thủ tướng tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2018.../.

Phúc Hằng (TTXVN)