Người không trở về

Minh họa: Kim Hương 

Những tâm hồn bé bỏng còn chưa kịp hiểu về cái chết, về sự tàn khốc của chiến tranh. Nhưng ông vẫn luôn sống trong trái tim lũ trẻ. Khi chúng nhìn lên bầu trời chỉ những đám mây trắng xốp trôi qua và nói với nhau rằng bố ghé thăm nhà. Khi thỉnh thoảng chúng lại mở chiếc hòm gỗ lôi kỷ vật của bố là chiếc mũ cối gắn ngôi sao phía trước ra đội lên đầu hỏi nhau “Trông anh có oai không?”. Khi cả ba đứa cùng ngước nhìn di ảnh bố rồi quay sang nhau hỏi có phải anh giống bố đôi mắt? Tai bố giống tai em đúng không? May quá em có cái mũi là y hệt bố này, đấy thấy chưa? Mẹ ơi mẹ, trong số mấy đứa con thì đứa nào giống bố nhất? Lúc còn ở nhà bố yêu đứa nào nhất? Bố có hay bế con không? Thơm lên trán con không? Đối với bà, đấy chính là cách mà ông đã trở về trong lòng bọn trẻ.

Những đứa trẻ năm xưa giờ tóc cũng đã điểm vài sợi bạc. Bà đã ngoài tám mươi, đã lên chức cụ. Ngày ngày, bà trông hai đứa chắt nội, kiếm củi vòng quanh nhà và nuôi ít vịt gà đợi con cháu ở xa về mổ. Mấy chục năm vắng ông, bà vẫn giữ thói quen nhìn ra cổng ngóng mỗi buổi chiều tàn. Hoàng hôn ở miền quê luôn thanh bình đến mức vài tiếng gió khua lá ngoài vườn cũng đủ làm lòng người xao động. Những chú gà con chim chíp về nhặt gạo góc sân thỉnh thoảng cũng ngó nghiêng nhìn bà cụ già đang ngồi bất động. Mắt bà mờ đục màu mây, thỉnh thoảng lẩm bẩm nói một mình khi những ngón tay nhăn nheo đan vào nhau đặt trên đầu gối. Bà cứ ngồi như thế cho đến khi trời sập tối, gà vịt kêu inh ỏi đòi vào chuồng. Hai đứa chắt chạy chơi bên hàng xóm cũng đã dắt nhau về. Bà sai chắt lên bật điện kẻo nhà tối quá. Bà luôn muốn nhà sáng để ngước mắt lên lúc nào cũng có thể nhìn thấy ảnh ông.

Ti vi phát bộ phim tài liệu về diễn biến lịch sử ngày 30-4-1975 đúng lúc cả nhà ngồi ăn cơm. Bà nhìn chăm chú vào khói lửa trong ký ức, miệng nói bâng quơ “Sao tấm lưng kia giống ông đến vậy”. Bà khóc. Vừa và cơm vào miệng vừa khóc như đứa trẻ. Cả nhà đều đã quen với việc thỉnh thoảng bà sẽ khóc như thế vì nhớ ông nên không ai nói gì. Trên ti vi, bom đạn vẫn gầm gào. Tuân-người con cả đang ăn bỗng khựng lại vì vừa nhai dính sạn. Tiếng viên sạn rơi xuống mâm làm bà bừng tỉnh.

- Mẹ đã đãi gạo kỹ lắm rồi mà sao vẫn có sạn to thế nhỉ?
- Mắt cụ đâu còn nhìn rõ sạn nữa đâu-đứa chắt nhoẻn cười.
- Lần sau đi xát gạo thì nhớ bảo người ta lọc sạn cho-Tuân bảo vợ trước khi buông đũa đứng dậy.

Đúng lúc ấy đứa cháu gái trong Sài Gòn điện ra đòi nói chuyện với bà. Xuyên là đứa cháu gái duy nhất của bà, đã gần ba mươi tuổi. Nó vào Sài Gòn học tập rồi lập nghiệp cũng đã được chục năm. Ngày Xuyên vào Sài Gòn, bà cứ nắm lấy bàn tay cháu gái run run dặn “Nhớ gắng sức tìm ông”.
Suốt mười năm qua bà không ngừng nuôi hy vọng trước lúc nhắm mắt xuôi tay sẽ đưa được ông về. Ông hy sinh khi đang cùng đồng đội bảo vệ an toàn cho cầu Rạch Chiếc để quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn sau khi đã đánh tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc. Đây là nhiệm vụ quan trọng bởi cầu Rạch Chiếc được coi là chốt “tử thủ” của địch về hướng Đông để chặn đường tiến của quân ta. Ông hy sinh khi quân địch phản kích chiếm lại cầu bằng tàu chiến, máy bay trực thăng kết hợp với bộ binh, xe tăng. Quân ta đánh trả quyết liệt nhưng đạn dược cạn kiệt rất nhiều người bị bắt và hy sinh, trong đó có ông. Ông hy sinh nhưng đồng đội của ông đã chiếm lại được cầu vào ngày 30-4, thọc sâu vào thành phố, lao qua cầu Rạch Chiếc tiến thẳng về giải phóng Sài Gòn. Hàng năm, cứ ngày 30-4, Xuyên đều đi qua cây cầu Rạch Chiếc như là một chuyến viếng thăm ông. Cây cầu, nơi ngày xưa ông cùng đồng đội đã chiến đấu để bảo vệ, giờ được xây mới. Là nơi nối các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, miền Trung với Sài Gòn. Nơi đây đã xóa sạch mọi dấu vết của chiến tranh, giờ là nơi nhộn nhịp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Lần nào qua đó, Xuyên cũng thấy gần gũi như có ông đang đứng đâu đó nhìn mình. Bà nghe Xuyên kể, khe khẽ mỉm cười.

Xuyên mang theo niềm hy vọng của bà vào Sài Gòn. Dù Xuyên biết có thể khi ông ngã xuống thì tất cả đã hòa vào lòng đất. Ông ở đâu đó trên những vòm lá lao xao. Trên những đám mây lãng đãng trôi qua thành phố trong một buổi chiều thanh bình hay gấp gáp. Dưới lòng sông Rạch Chiếc lững lỡ trôi. Ông nằm xuống cùng đồng đội chắc vẫn nghe tiếng cá quẫy mỗi đêm, ngó trăng về đậu trên cầu, nhìn dòng người ngược xuôi mưu sinh tấp nập. Ông sẽ chẳng bao giờ đơn độc ngay cả khi linh hồn ông vẫn đau đáu hướng về quê nhà. Xuyên chỉ có thể mang về cho bà một nắm đất, một vốc nước sông. Nhưng Xuyên tin rằng ông vẫn tìm về bên bà bằng một cách nào đó mà chỉ bà mới có thể cảm nhận được. Một chú đom đóm bay vào đậu trên màn, một chú bướm trắng đậu trên tóc của bà, hay một tiếng gọi giữa đêm “vang như tiếng gọi đò”. Đều có thể khiến bà tin ông vừa mới trở về…

Còn Xuyên, phải chăng việc yêu một người phía bên kia cây cầu Rạch Chiếc, là ông trời đã ý tứ xe duyên. Đó chính là người đã níu Xuyên lại với Sài Gòn để thêu dệt những ước mơ tuổi trẻ. Sài Gòn bao dung lắm, dù chật chội nhưng vẫn mở lòng ra đón những người con tỉnh lẻ đổ về từ khắp mọi miền đất nước, như Xuyên. Từ bà chủ trọ, anh bán nước đầu ngõ, gánh hàng rau trên đường đi làm về đều gần gũi thân tình. Sài Gòn còn cho Xuyên những cơ hội mới để được làm việc mình thích. Được sống và trải nghiệm những điều mới mẻ. Sài Gòn cũng biết cách xoa dịu nỗi nhớ quê của một đứa con xa xứ. Hoàng nói đúng, ở lâu sẽ thấy Sài Gòn rất biết cách nắm níu hồn người. Xuyên lúc nào cũng cảm thấy mình được sống ở một nơi thân thuộc. Vì có ông lúc nào cũng dõi theo từng bước của Xuyên.

Xuyên chuẩn bị đồ đạc cho chuyến về thăm nhà. Không quên gói ghém lọ cao xoa bóp, ít thuốc bổ não cho bà. Đi du lịch ở đâu Xuyên cũng tìm mua thuốc tốt cho bà. Bà già rồi, xương khớp biểu tình, mỗi lần đứng lên ngồi xuống lại kêu lục cục. Có hôm ngồi quán nước bà cụ già trong phố, nghe xương khớp người dưng mà nhớ thương bà. Giờ này chắc hẳn bà đang mong ngóng đứa cháu gái của mình. Xuyên không thể mang ông về bên bà dù đã đi khắp các nghĩa trang liệt sĩ xung quanh khu vực ông nằm xuống. Vài lần nghe tin những người lính năm xưa trở lại chiến trường tìm mộ Xuyên đều có mặt. Nhưng chỉ có đồng đội ông được tìm thấy, vài người trong số cả trăm người nằm xuống khu vực sông Rạch Chiếc. Xuyên chỉ có thể mang về nhà một chàng rể quý để bà thủ thỉ chuyện trò. Mà Hoàng thì rất khéo chiều lòng người già. Hoàng nói “Trong ông bà chúng mình có cả kho ký ức sống động và đẹp đẽ”. Xuyên tin bà sẽ vui khi thấy Hoàng về…

Vũ Thị Huyền Trang (baogialai)