Làm sao để hạnh phúc?

 

Trong ta mỗi người đều có ý niệm về hạnh phúc. Ta nghĩ rằng hạnh phúc là phải thế này hay thế kia, nếu không được như thế này hay như thế kia thì ta kết luận là ta không có hạnh phúc. Như vậy là ta dễ bị kẹt vào ý niệm hạnh phúc của bản thân, và trong nhiều trường hợp đó là chướng ngại để ta có thể đạt được hạnh phúc.

Ví như ta muốn đậu một bằng cấp nào đó, và ta nghĩ rằng nếu không có cái bằng cấp đó ta sẽ không bao giờ mình có hạnh phúc cả. Như vậy tức là ta đã bị kẹt vào một ý niệm về hạnh phúc, trong khi ta có rất nhiều cơ hội để hạnh phúc, ta lại đánh mất bởi ta đóng khung hạnh phúc của mình vào ý niệm bằng cấp kia. Đó là một cái muốn, ái dục về bằng cấp.

Từng nghe có một anh chàng nói: ”Hạnh phúc của đời tôi là phải cưới cho được cô này, nếu không cưới được thà rằng chết còn hơn, hạnh phúc không thể nào có được”, vậy là anh chàng nọ đã cột đời mình vào trong ý niệm phải cưới cho được cô kia, cưới không được thì đời không còn ý nghĩa gì cả.

Mọi thứ cột chúng ta lại đó là ý niệm, trong đạo Phật gọi là Tưởng, Tưởng về hạnh phúc, muốn có vô số điều kiện này điều kiện kia để hạnh phúc.

Trong nhiều kinh Đức Thế Tôn có dạy: “Quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa tới, chỉ có một giây phút ta thực sự sống đó là giây phút hiện tại”, không đi tìm hạnh phúc ở tương lai, nếu ta đem "tầm" trở về giây phút hiện tại thì chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta có quá đủ những điều kiện để "hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây". 

Nếu hiện tại hạnh phúc thì chắc chắn tương lai sẽ hạnh phúc, còn nếu không có hạnh phúc ở hiện tại thì tương lai cũng không có hạnh phúc.

Giả như nếu lo rửa bát cho mau để cầm ly trà cho hạnh phúc, thì khi cầm ly trà cũng lại hối hả đến tương lai mà bỏ quên mất ly trà.

(ST)