Trở về miệt thứ

Minh họa: Trà My 

Thế giới của tôi là mảnh đất ngọt mật vị phù sa châu thổ, thế giới của những dòng sông, những cánh đồng, những con đò và cánh cò trắng chấp chới trong những chiều yên ả. Tôi được sinh ra và gắn bó trọn vẹn mười tám năm đầu đời với những hồn nhiên mơ mộng, ngày nghe tiếng máy chạy xình xịch trên sông, đêm lắng tai nghe giọng hò ai ngân lên ngọt bùi sâu lắng. Rồi cứ thế, tôi lớn lên như cỏ dại trên đồng, vẫy vùng tung bay như cánh chim trời trong không gian bao la.

Hoàng hôn buông trên cánh đồng xa xăm, chiếc xe băng băng trên con đường nhỏ xuôi về miệt thứ. Ngồi trên xe, thi thoảng tôi lại thả mắt nhìn cảnh vật bên đường. Trải rợp trước mắt tôi là sắc xanh của cỏ, của lau lách vật vờ trong ngọn gió đồng. Bóng chiều đổ xuống ngọn dừa, nền trời rực đỏ một màu như tháng năm nào trong cõi nhân gian có người cầm bó đuốc bén lửa châm vào bức tranh hoàng hôn tạo thành những mảng màu kỳ vĩ. Trên cánh đồng, trẻ chăn trâu vẫn còn nấn ná lại vài phút nữa chơi trò đánh trận, phất cờ, tiếng nói tiếng cười rộn vang trong không gian thanh bình.

Chị lơ xe hỏi tôi: “Em là dân thành thị về chơi miệt thứ cho biết hả em? Ở đó buồn lắm, chị đảm bảo em về một lần là không có lần thứ hai, thứ ba... nữa đâu”. Tim tôi nhói lên. Chao ôi! Tôi là người con miệt thứ, sinh ra và lớn lên nơi đồng đất phù sa, được má tắm táp bằng gàu nước sông quê ngọt ngào như dòng sữa, được ba dẫn đi những bước đi chập chững đầu đời cũng trên dải đất phù sa mát lành. Ngày xưa vẫn thế, bây giờ vẫn thế! Tôi mãi mãi vẫn là đứa con đi ra từ ruộng đồng, miệt thứ là mảnh đất của bao dung và yêu thương, mảnh đất của chở che, của ngọn nguồn dưỡng nuôi tâm hồn và thể xác. Sống giữa thị thành chỉ mới mấy năm, giờ đây người quê lại xem tôi là “khách”, là “kẻ tha hương” đến miệt thứ chỉ để thăm thú rồi ôm về một nỗi u hoài “không đến lần thứ hai”. Dường như ai rắp tâm lấy đi một phần tâm hồn của tôi khiến lòng tôi hoang hoải. Mấy năm xa quê, công việc thường nhật tạo điều kiện để tôi đi đó đi đây, đặt chân đến những miền đất mới, tiếp xúc với những con người mới. Tôi như cánh chim thiên di, hễ thấy đất lành là sà xuống mà chẳng cần một lời mời mọc, đón chào. Vậy mà chừng ấy năm tôi lại vô tâm bỏ lại quê hương sau lưng mình, để quên ký ức trong một chiều nào hoàng hôn đỏ rực phía chân trời trên cánh đồng cỏ lau xanh biếc. Nước mắt tôi ứa ra, nỗi buồn sóng sánh cõi lòng.

Tôi nói vu vơ: “Miệt thứ bây giờ đổi khác quá chị ha, đường sá phẳng lì, xe cộ bon bon. Đâu còn cái cảnh đò giang cách trở mười mấy năm về trước?”. Chị cười thay cho câu trả lời. Đất nghèo đổi thay, chỉ có cánh đồng vẫn lặng lẽ khoác lên mình màu lúa non cỏ xanh, màu nâu của đất phù sa, màu vàng của nắng và màu đỏ tươi của hoàng hôn rớt lại cuối chiều. Hơn hết, ngần ấy năm trôi qua con người miệt thứ vẫn giữ trọn sự chân chất, nồng hậu, bao dung và vị tha của mình. Người miệt thứ hiền hòa như dòng sông, dạt dào yêu thương như con sóng âm thầm chắt chiu những hạt phù sa bồi vào đất mẹ...

Tôi về đứng giữa cánh đồng. Trời xanh. Cỏ xanh. Ký ức màu xanh. Thời gian có thể rửa trôi mọi thứ nhưng chẳng thể xóa nhòa ký ức tuổi thơ, cũng như thời gian chẳng bao giờ làm lòng người đổi thay nếu tâm hồn người vẫn đau đáu hướng về miền quê yên bình, thơ mộng. Dòng sông vẫn chảy, cánh diều vẫn bay, và tôi vẫn lặng lẽ trở về với nơi chôn nhau cắt rốn, để được yêu thương và chở che, để được chạm tay vào mặt đất quê mình rồi nhận ra đất vẫn ngọt, phù sa vẫn ngọt...

Hoàng Khánh Duy (baodaklak)