Làng đá Khuổi Ky

 Làng đá Khuổi Ky yên bình trong nắng chiều

 

Từ thác Bản Giốc đi vào làng Khuổi Ky khoảng 2km trên đường vào động Ngườm Ngao. Đây được xem như điểm nhấn văn hóa độc đáo nằm giữa 2 thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng của Cao Bằng. Bước chân vào làng, sự khác biệt hiện lên rõ ràng trong mắt du khách: Lối vào đi qua những con đường lát đá, kè đá 2 bên; tường bao được làm bằng đá; nhà được xây bằng đá; móng được làm bằng đá hộc; chân tảng kê cột cũng được làm bằng đá và gia công lại; cuộc sống đồng bào dân tộc nơi đây cũng thân thiện với đá, sử dụng chất liệu đá như cối xay, bếp, đập nước…

Theo Ban Quản lý Công viên địa chất non nước Cao Bằng, lịch sử những ngôi nhà sàn đá đã được hình thành từ những năm cuối thế kỷ XVI, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng xây dựng thành quách để bảo vệ biên cương đất nước. Lúc này, những ngôi nhà sàn bằng đá đã được xây dựng lên như một “pháo đài” độc nhất vô nhị. Những bức tường đá kiên cố được hình thành bởi những viên đá có nhiều kích cỡ được xếp lèn vào nhau, sử dụng thêm chất kết dính được làm từ hỗn hợp đá vôi trộn cát; khi hoàn thành, độ dày bức tường có thể dày hơn 30cm, thể hiện rõ tính bản địa, sự sáng tạo độc đáo của đồng bào Tày. Để dựng thành công một ngôi nhà, cần mất khoảng 2-3 năm; họ xếp đá đến độ cao khoảng 2,5m, đặt kèo, làm gác rồi tiếp tục làm tầng trên cho đến độ cao chừng 7-8m; càng lên cao thì việc xếp đá càng đòi hỏi độ chính xác cao, nếu không ngôi nhà sẽ bị nghiêng vẹo, dễ đổ. Nhà thường có ba gian chính, mỗi gian có một chức năng nhất định thuận tiện cho việc sinh hoạt; diện tích nhà tùy thuộc vào số người trong gia đình, nhiều người thì dựng nhà to cao, ít người thì dựng nhà nhỏ hơn.

Làng Khuổi Ky hiện có 14 căn nhà sàn bằng đá, trải rộng trong khuôn viên chừng 1ha, dựa lưng vào núi đá, mặt nhìn ra dòng suối Khuổi Kỵ. Có lẽ đây là một nét đặc sắc riêng của người Tày vùng Trùng Khánh, tương tự như nét tín ngưỡng tâm linh về đá của họ. Trong tâm thức của họ, đá được hình thành từ sâu trong lòng đất, trải qua điều kiện địa chất phức tạp và lâu dài; hấp thụ tinh hoa của đất trời, mang trong mình nguồn năng lượng và linh tính rất cao.

Theo tìm hiểu của phóng viên, người Tày ở làng Khuổi Ky nói riêng, vùng Trùng Khánh nói chung, đá được coi như một vị thần tượng trưng cho sự lâu bền, vững chắc, giúp che chở những khắc nghiệt của thiên nhiên; người dân ở đây có tục thờ thần đá, lập miếu thờ xung quanh các tường bao bằng đá, tế lễ cảm tạ thần đá hàng năm. Để bảo tồn, phục dựng lại làng đá Khuổi Ky, các cơ quan chức năng Cao Bằng phải mất rất nhiều thời gian để xếp đá, đến năm 2010 mới hoàn thành; hiện Khuổi Ky đã được Bộ VHTTDL công nhận là Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người.

Đình Phong (Báo Du lịch)