Cuộc sống ơi...

Bốn mươi năm trước, chúng tôi - những chàng trai mười tám, đôi mươi khoác áo lính, ôm ghi ta hồ hởi hát một bài hát Nga có tên “Cuộc sống ơi ta mến yêu người”. Bao nhiêu năm rồi, ca từ bài hát cứ mãi ngân vang trong những lần gặp gỡ… “Cả tình yêu cho cuộc sống, mãi mãi ta luôn yêu Người dù năm tháng qua…”. Nhiều khi cuộc sống chẳng đáng yêu chút nào. Hôm qua, người bạn cũ hẹn cà phê, mình đến trước ngồi đợi. Bạn đến với khuôn mặt ủ dột không vui, hỏi mới biết bạn vừa bị một bạn trẻ “phóng nhanh vượt ẩu” chửi là “thằng già điên” khi người trẻ ấy bị bạn nhắc nhở… Đành an ủi bạn rằng chúng ta già rồi và chúng ta cũng “điên” thật khi tuổi tác đã lên hàng “lão” rồi mà chúng ta cứ sống kiểu như tuổi trẻ là bất tử…

Rồi lại ngồi nhắc những câu chuyện đáng yêu như chuyện cô bé Hải An (Hà Nội) bảy tuổi, trước khi mất vì ung thư (22/2/2018) đã có nguyện vọng hiến tạng cho y học; sau khi bé mất, mẹ bé đã báo cơ quan y tế đến để hiến giác mạc của bé cho những bệnh nhân mắt - đúng với quy định của ngành y - với câu nói đầy nhân ái của người mẹ “con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé”. Cuộc đời đáng yêu biết bao! Nhà thơ nào đã viết “con người đi qua ánh sáng còn để lại”. Một cộng đồng sẽ thực sự hạnh phúc khi mỗi một thành viên mỗi ngày góp thêm vào đó những việc làm tử tế, thiện nguyện, “người tiếp nối linh thiêng vào đời” (Nối vòng tay lớn - Trịnh Công Sơn). Hải An còn mãi vì sự thiêng liêng, cái linh thiêng (le sacré) được thực hiện ngay trong cõi sống. Bạn tôi ơi, không thể không yêu con người dù con người cũng làm chúng ta tổn thương, con người cũng làm tâm hồn chúng ta “mất an ninh” xiết bao như vụ bắt cô giáo “quỳ gối” xin lỗi một phụ huynh “cá biệt” ở Long An vì tội “làm học sinh sợ đến trường”…

Rồi chúng ta lại quan ngại khi con người trong xã hội hôm nay dần cạn kiệt niềm tin trong cuộc sống thực khi đặt nặng niềm tin vào cái thiêng vô hình, cái thiêng ở cõi âm… “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” (ca dao), là dịp hội hè đình đám - mà người xưa để lại với ý nghĩa tri ân tiên tổ, thần thánh có công “cứu hộ độ sinh” và thời điểm hội hè hợp với chu kỳ sinh hoạt nghề nông chứ không là dịp “trả nợ thần thánh”, “dâng sao giải hạn”, “cầu lộc cầu tài” kiểu “dịch vụ tâm linh” như ngày nay…

Rốt con người thực đáng yêu, cuộc đời thực đáng yêu khi cái tốt nhiều hơn, sự trân quý cuộc sống nhiều hơn, lòng nhân ái nhiều hơn… Đó là khi những người anh lớn tuổi đã nghỉ hưu, đã rời phố cổ xuôi nam ngược bắc sống với con cháu nhiều năm nay, sau tết lại về “cố xứ” tìm lại chút hơi ấm bạn bè, “tìm lại ngày xưa đã mất” (lời một bài hát Nguyễn Duy Khoái) dù cố xứ chẳng còn họ hàng, thân thích - nghĩa là về “làm khách” để tìm lại những ngọt ngào quá vãng…

Nhiều khi văn học nghệ thuật là để nói lên “nghịch lý” của mỗi người về tình yêu cuộc sống, rằng con người nhiều khi không thể yêu nổi con người bởi sự gian trá, lọc lừa, tàn độc… nhưng không thể không yêu con người khi con người kỳ diệu, linh thánh xiết bao với những suy nghĩ, việc làm cao đẹp ngang cả thánh thần…

Và rồi chúng ta cũng không thể nghĩ rằng sự tử tế chỉ có ở những giai đoạn con người sống gian nan, thiếu thốn hay khi con người bằng lòng sống thuần với tình yêu kiểu “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”. Sự tử tế hằng sống bởi niềm tin vào con người khi con người biết điều hợp, điều chỉnh sao cho giữa đời sống vật chất và khát vọng tinh thần luôn được hài hòa, đẹp đẽ.

Nhiều khi những người trẻ hỏi chúng ta vì sao cô Tấm trong truyện cổ tích cứ mơ làm hoàng hậu? Câu hỏi thực không dễ trả lời. Chỉ biết ai cũng mơ ước no đủ, đẹp xinh, có quyền, có tiền, và đó cũng là mơ ước mang tính phổ quát của phận làm người trên trái đất huống chi cô Tấm của một nước nghèo, đa số người dân sống ở nông thôn, làm nghề nông như ở xứ ta, cô lại là phụ nữ trong xã hội nam quyền… Vậy chúng ta phải thương cô Tấm như một thi sĩ “…thương cô Tấm vì mơ giày hoàng hậu/ nên chết đi, sống lại biết bao lần” (Nguyễn Bá Trạc).

Phùng Tấn Đông (baoquangnam)