Tìm về nguồn cội

Lên xe về Nam Định lần này, tuy không phải lần đầu tiên nhưng nghĩ về mục đích chuyến đi, ông Tuấn thấy trong lòng không yên. Ông nghĩ đến nhiệm vụ của Đảng bộ giao cho, lo cho sức khỏe của người mà ông sắp gặp, liệu còn đủ minh mẫn mà giúp ông được hay không.

Ông Tuấn năm nay chưa đến bốn mươi tuổi, vừa được đại hội tín nhiệm bầu làm bí thư đảng ủy xã. Để chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày thành lập chi bộ đầu tiên của xã, Đảng ủy viết cuốn Lịch sử đảng bộ xã. Địa phương vốn là một cơ sở cách mạng, có nhiều địa chỉ đỏ. Tìm hiểu qua các bậc lão thành ông Tuấn biết đến cụ Phạm Quý. Cụ là một trong những đảng viên đầu tiên của chi bộ đầu tiên, đã từng giữ nhiều cương vị khác nhau từ xã, huyện đến tỉnh. Về hưu, cụ sống ở Nam Định cùng con cháu. Năm nay cụ đã 85 tuổi, tuổi xưa nay hiếm. Khi về hưu cụ vẫn gầy gò, thi thoảng còn bị tái phát sốt rét, không rõ nay sức khỏe của cụ ra sao. Trước khi gặp cụ Phạm Quý, ông Tuấn cẩn thận liên hệ với xã, nơi cụ đang ở, xin gặp cụ. Đồng chí cán bộ xã nhận điện thoại của ông Tuấn rất nhiệt tình chỉ nhà cụ, còn nói: Cụ Quý là niềm tự hào của xã.

Ông Tuấn phấn chấn hẳn lên lúc xuống xe ô tô. Nghĩ đến các cán bộ về hưu nơi ông công tác, ai cũng sở hữu nhà cao cửa rộng, xe con bóng loáng, có người còn “găm” cả chục héc ta đất, chiếm cổ phần lớn ở công ty này nọ, ông đoán chắc cụ Quý ít nhất cũng ở ngôi nhà tầng ngoài phố với vài trăm mét vuông đất. Bây giờ một số quan chức khôn ngoan lắm, về hưu không xây nhà nơi đã làm việc mà về một xã xa xa như về quê xây biệt thự, làm nông trại thư giãn. Cụ Quý chắc cũng có tính toán riêng, không được như họ thì cũng có một phần. Hỏi thăm nhà cụ Quý, ông Tuấn được người nhà họ bảo cháu trai đưa đến tận nhà cụ Quý. Đi hết đoạn đường rộng, vào đường bê tông hẹp, lại rẽ vào xóm đường hẹp hơn. Đến một cái cổng gỗ cũ, cháu bé chỉ vào và nói: Dạ, đây là nhà cụ Quý ạ. Ông Tuấn ngước nhìn bức tường bằng gạch đỏ thấp lè tè đã bung hết vữa trát đỏ quạch thoáng chút ngạc nhiên.

Ra đón ông là một bà cụ già lưng hơi còng và một bà cũng khoảng ngoài 60 tuổi. Bà giới thiệu:

- Dạ, đây là mẹ chồng tôi, cụ Quý. Tôi là con dâu trưởng. Nghe điện của xã biết ông sắp về thăm, quý hóa quá. Mời ông vào nhà xơi nước.

Nghe một bà nông dân, quần áo xuềnh xoàng mà nói năng sao lịch sự, tỏ ra có học, ông Tuân cảm tình ngay từ phút đầu tiên. Vào nhà, ông Tuấn chợt nghe có tiếng ho nhẹ, cửa buồng mở. Một cụ già tóc trắng như cước, nhỏ nhắn, bộ quần áo ta màu gụ thật nhã rất hợp với khuôn khổ người, nhanh nhẹn bước ra. Đưa bàn tay về phía khách, mỉm cười, xởi lởi:

- Nào, đồng chí là bí thư Tuấn phải không. Nhà ở đầu ngõ lúc nghe đồng chí giới thiệu đã điện cho tôi và sai cháu nhỏ dẫn đường đấy.

Thật là bất ngờ và cảm động. Cụ Quý đã chiếm được cảm tình của bà con ở đây như thế.

Sau khi nghe ông Tuấn trình bày nội dung yêu cầu viết cuốn Lịch sử Đảng bộ, cụ Quý không giấu được niềm vui:

- Tốt lắm. Công của Đảng ta thật là to lớn. Sự đóng góp của từng Đảng viên là rất đáng kể. Mỗi người tuyệt đối không được công thần. Đảng ta luôn đúc kết kinh nghiệm, tích lũy các bài học để khẳng định sự lãnh đạo tài tình cho thế hệ nay và mai sau hiểu biết, tự hào và phấn đấu. Bởi vậy bác đã có ý thức chuẩn bị vì biết sẽ có ngày các cháu về sưu tầm.

Cụ ngừng lời, đứng lên vào buồng rồi cầm ra mấy món đồ dùng cũ để trong một túi nilon. Cầm một cuộn vải bằng nắm tay, cụ cởi dây chun ra. Một cái bao tượng (thắt lưng) màu vàng nhạt. Gấp lại, để lên bàn, cụ kể:

- Trong một dịp đi công tác, chỉ còn cách trạm gác địch có mấy chục mét tôi trông thấy bọn lính tăng cường, chắc là chuẩn bị khám xét, bắt bớ nhưng nghĩ đã có căn cước sẽ không ngại. Bỗng có một tốp mấy ông bà gồng gánh buôn bán gì đó đi đến sát tôi. Một cái đòn gánh để lên vai tôi. Một người thắt cho tôi cái bao tượng vào hông rồi giục: Đi thôi. Tôi hiểu ý, cùng tốp buôn bán qua trạm gác. Cách xa thì họ đòi lại quang gánh nhưng nháy mắt chỉ bao tượng, ý nói cứ giữ lấy. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu làm sao họ biết tôi là cán bộ cách mạng mà giúp đỡ tôi một cách đầy sáng tạo như vậy. Có thể việc hóa trang của tôi có sơ hở mà họ phát hiện ra. Mà nếu họ đã phát hiện ra thì kẻ địch dễ nhìn thấy. Nếu hôm đó không được những người dân giúp đỡ chắc tôi sẽ bị bắt.

Cụ nói rồi bày ra bàn đôi giày cũ, cái bát sắt, cái ca và cả một đôi đũa cả cũ. Cầm đôi đũa đã cũ mòn, cụ kể:

- Đêm đó, tôi đi công tác qua làng Ngò thì trời mưa to. Đường đất sét trơn quá, tôi bị trượt chân ngã gãy xương chân trái. Nhìn quanh thấy một nhà có ánh đèn, tôi liền lết tới gõ cửa. Một bác cũng xấp xỉ tuổi bố tôi mở cửa, soi đèn nhìn tôi chốc lát rồi gọi vợ ra đỡ tôi vào nhà. Sau khi cho tôi thay quần áo, ông nắn chân tôi rồi bảo:

- Cháu bị gãy xương quay. Phải bó lại ngay, vài ngày mới đi được. Tôi định trình bày thì ông bảo vợ ra vườn lấy lá, giã, đắp và dùng đôi đũa cả làm nẹp, buộc lại cho tôi. Tôi được chăm sóc hai ngày rồi nhờ ông đi liên lạc người đến đón tôi về. Sau này, tôi còn đến thăm, cảm ơn gia đình đó mấy lần. Ông mất trước bố tôi. Đấy, lòng dân với Đảng cao quý lắm đồng chí ạ.

- Thế sao họ không chặt tre làm nẹp mà lại dùng đũa cả hả bác?. Ông Tuấn thắc mắc.

- Đêm, họ muốn giữ kín. Nếu chặt tre thì chả lộ à. Cụ cười hóm hỉnh, giải thích.

Öng Tuấn nghe mà xúc động dâng trào nhưng ông vẫn muốn có một số tài liệu. Hiểu được suy nghĩ của ông, cụ Quý vào buồng mang ra một túi đầy sách vở. Cụ bảo:

- Riêng tập tài liệu này gồm sổ sách ghi chép nhiều năm công tác của tôi ở trên đó. Một số trang tôi có kẹp tờ giấy ghi thêm bằng bút đỏ, đồng chí đem về để anh em ban biên tập đọc, chọn lọc.

Đôi mắt ông Tuấn rưng rưng. Ôi thật là trân trọng, cảm phục biết bao. Đi công tác thì phục vụ hết mình. Về hưu vẫn tiếp tục có những việc làm cống hiến cho Đảng. Thực sự những vật phẩm, tài liệu này là vô giá.

Để không khí đỡ nặng nề, cụ Quý cầm tay ông Tuấn kéo đứng lên, ra sân thư giãn. Đến bây giờ ông Tuấn mới ngắm căn nhà đơn sơ mái ngói cũ, ba gian hai trái. Cụ bảo:

- Bí thư hay chủ tịch gì thì cũng về với quê với dân. Đây là căn nhà bố tôi làm, mình về hưu đảo ngói, tu bổ lại. Thế là hạnh phúc lắm rồi.

Ông Tuấn ôm vai cụ. Cả hai cùng cười vui vẻ. Hơi ấm của hai con người, hai thế hệ truyền cho nhau. Chuyến đi này thật là thấm thía, bởi vì không có gì quý giá hơn là về với nguồn cội.

Nguyễn Đình Tân (baothainguyen)