Chàng trai người Việt khiếm thị trở thành lập trình viên công ty đa quốc gia

 Lập trình viên khiếm thị Nguyễn Giang (Ảnh: CNA)

Nguyễn Giang, 23 tuổi, bị mắc bệnh mù bẩm sinh. Từ khi sinh ra, anh đã không thể nhìn thấy hình thù, màu sắc hay ánh sáng. Giang nói anh là người rất thực tế và anh không quan tâm đến khiếm khuyết của bản thân.

“Tôi biết rằng ước ao không phải là điều nên làm. Thay vào đó, tôi sẽ cố gắng làm việc. Mỗi ngày, tôi sẽ cố gắng làm mọi thứ tốt hơn”, Giang chia sẻ.

Đây chính là thái độ sống đã khiến Giang vượt qua bài kiểm tra năng lực và nhiều vòng phỏng vấn cho công ty Grab tại Singapore. Anh là lập trình viên phần mềm bị khiếm thị đầu tiên tại công ty này và tại tất cả các chi nhánh của Grab trong khu vực.

Theo ông Ken Chua, giám đốc một tập đoàn công nghệ nhắm tới sản phẩm dành cho người khuyết tật, Giang dường như cũng là lập trình viên khiếm thị toàn thời gian đầu tiên trong hệ sinh thái các công ty khởi nghiệp ở Singapore.

Không muốn là người đặc biệt

Là một kỹ sư phần mềm và lập trình viên cho Grab, Giang chịu trách nhiệm lập trình cho phiên bản ứng dụng trên hệ điều hành Android. Giang cũng cố gắng cải thiện trải nghiệm tốt hơn cho tất cả mọi khách hàng sử dụng Grab, trong đó có những người khuyết tật như anh.

Với Giang, khiếm thị không phải là thứ gì đó quá đặc biệt và Giang thực sự không thích cụm từ “truyền cảm hứng” vì nó khiến anh có thêm gánh nặng trên vai. “Tôi mong muốn có một cuộc đời bình thường, làm những gì tôi muốn, kết bạn. Tôi không muốn làm người đặc biệt”.

Sinh ra trong một gia đình có 4 người con, Giang đã đậu vào trường tiểu học bình thường khi anh 8 tuổi, sau 3 năm học ở trường dành cho người mù. Khi lên đến trung học, Giang tỏ ra không hứng thú với việc học tập. Anh thích đọc sách và chơi nhiều hơn.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó Giang nhận ra rằng anh đang tự áp đặt thành kiến về người khiếm thị lên chính mình. Những định kiến đó cho rằng những người như Giang “không làm nên được tích sự gì”. Với sự động viên từ một người bạn khiếm thị khác tên Nam, Giang thôi thúc muốn thay đổi định kiến này.

Trở thành lập trình viên

 Nguyễn Giang làm việc tại văn phòng Grab Singapore. (Ảnh: CNA)

Mục tiêu đầu tiên của Giang là phải vào được đại học. Anh và Nam đã làm được điều này khi đỗ vào Trường đai học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Đây là 2 sinh viên khiếm thị duy nhất của trường vào thời điểm đó.

Giang chọn ngành khoa học máy tính, vốn là bộ môn được coi là “khó nhằn” dành cho người khiếm thị. Nhưng Giang vẫn yêu thích ngành học này với vì anh vốn đam mê toán học. Giang đã nhận được học bổng của trường và sự giúp đỡ của cha mẹ để có thể hoàn thành các môn trong khóa học.

Nam chính là người đã nói cho Giang biết về cơ hội việc làm tại Grab. Khi đó một động lực thôi thúc Giang, cậu sinh viên năm thứ 4, muốn làm việc cho một công ty nước ngoài. Trước đó,

Khi đến vòng phỏng vấn, Nam đã rất hồi hộp. Trong đầu cậu lúc đó tràn ngập nỗi lo sợ: “Tôi sợ họ sẽ hỏi tôi rằng này, cậu có thể lập trình được chứ? Tôi không chắc là cậu có thể đâu”. May mắn thay, họ chỉ tập trung vào kiến thức chuyên môn, Giang hồi tưởng.

Vào thời điểm đó, Giang vừa hoàn thành khóa thực tập 3 tháng tại tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Intel và đang làm việc bán thời gian cho công ty Capcha.

Bà Jessica McNaughton, người phụ trách tuyển dụng Grab nhớ lại về Giang với hình ảnh một người có phong thái tự tin, lời lẽ lôi cuốn , thân thiện và tính cách hài hước. Tạo được ấn tượng tốt, nhưng bà McNaughton lại băn khoăn về khiếm khuyết của Giang.

“Chúng ta có nên nhận cậu ta không? Sau này làm việc chung với cậu ta ra sao đây? Mọi người có cho rằng đây là ý kiến hay không”, trưởng nhóm tuyển dụng đã hỏi các nhân viên trong đội lập trình và họ đều nhất loạt đồng ý.

Trong 400 ứng viên, Nguyễn Giang là 1 trong số 8 người được nhận vào làm ở Grab.

Học cách thích nghi với môi trường mới

 Giang đang "xem" bản đồ trong chuyến dã ngoại với bạn bè (Ảnh: CNA)

Giang bắt đầu làm việc tại Grab từ tháng 2. Từ đó đến nay, công ty đã có một vài điều chỉnh nhỏ. Các nhãn dán chữ nổi được dán trên nhiều nút bấm thang máy của tòa nhà Cecil Court, nơi đặt phòng nghiên cứu và phát triển Grag, bộ phận Giang làm việc.

Ngay cả chiếc máy pha cà phê, bàn làm việc, phòng ăn đều được dán chữ nổi. Từ khi chuyển đến Singapore, Giang cũng phải học cách thích nghi với văn hóa, môi trường sống nơi đây.

Có một điều khiến Giang không thích ở cả Việt Nam và Singapore đó là khi anh đi ngang qua, người ta thường cho anh tiền. “Tôi muốn được xử bình đẳng vì tôi vẫn lao động và kiếm tiền được. Nếu bạn muốn cho tiền tôi hãy thuê tôi và trả 1000, 2000 USD chứ đừng đưa vài đồng bạc lẻ”.

Bạn bè của Giang cũng thường đề nghị trả tiền ăn cho anh. Dĩ nhiên Giang luôn từ chối đề nghị này. “Họ nghĩ tôi có thể đi đến tiệm ăn mà không mang tiền theo ư? Họ đang nghĩ gì vậy nhỉ?”, Giang băn khoăn.

Hiện tại, Giang đang làm việc rất chăm chỉ để biến thế giới trở nên thân thiện hơn với người khiếm thị. Giang muốn lập trình một hệ thống bản đồ riêng cho người khiếm thị để tích hợp vào thiết bị chuyên dụng của họ. “Tôi thích cảm giác mình có thể tạo ra được mọi thứ mình muốn”, Giang hào hứng kể về niềm đam mê.

Trong công việc và cuộc sống, kỹ sư phần mềm Nguyễn Giang luôn thích được phá vỡ những rào cản và cho thế giới biết rằng những người có khiếm khuyết như anh có thể làm được mọi việc khi được tự do khám phá.

Người quản lý của Giang Javier Gomez tỏ ra rất ngạc nhiên vì không hiểu nguồn động lực nào đã khiến Giang làm việc chăm chỉ như vậy và luôn kiên trì theo đuổi thứ mà anh muốn làm.

Ngoài công việc lập trình và mong muốn thay đổi cuộc sống cho người khiếm thị, Giang còn là một người yêu thích khám phá, thích du lịch. “Tôi thích đi đến những nơi mới mẻ, thưởng thức những món ăn lạ. Được khám phá điều mới thật tốt”, Giang hồ hởi chia sẻ.

Với Giang, không chỉ những người bị khiếm thị như anh mà tất cả những người khuyết tật khác đều có quyền được độc lập và tự chủ. “Dĩ nhiên họ cần được giúp đỡ vì họ khiếm khuyết, nhưng họ cũng cần sự tự do”, Giang nói.

Trong công việc và cuộc sống, kỹ sư phần mềm Nguyễn Giang luôn thích được phá vỡ những rào cản và cho thế giới biết rằng những người có khiếm khuyết như anh có thể làm được mọi việc khi được tự do khám phá.

(Theo Đức Hoàng/Dân Trí)