Nhịp cầu Nhân ái Pháp - Việt: Những tấm lòng thầm lặng vì tình yêu Việt Nam

Ông Nguyễn Thanh Tòng đã thay mặt cho Ban hướng về Việt Nam của HNVNTP để thực hiện nhiều dự án tại các vùng sâu, vùng xa ở cả ba miền đất nước, tiếp cận với bà con nhiều thế hệ và lứa tuổi có cuộc sống khó khăn cần sự hỗ trợ, kết nối những người có kinh nghiệm trong hoạt động cộng đồng cùng chung tay tham gia. Ông Tòng cũng như tất cả thành viên của Hội NVNTP và của chương trình Nhịp cầu Nhân ái, luôn làm việc thầm lặng và bền bỉ cho cộng đồng, chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc và ghi nhớ sự đóng góp của rất nhiều người.

Tuy nhiên, để cộng đồng hình dung thêm phần nào công việc của Nhịp cầu Nhân ái, để chia sẻ một vài cảm nhận trực tiếp từ những người thực hiện các dự án từ thiện, cũng như bày tỏ sự cảm kích của HNVNTP đối với những tấm lòng ủng hộ chương trình Nhịp cầu Nhân ái trong suốt nhiều năm qua, chúng tôi đã thực hiện cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Tòng, đại diện cho những người làm dự án. Qua đó, chúng tôi mong muốn đem lại những câu chuyện nhỏ nhưng chan chứa tình cảm hướng về Việt Nam của kiều bào xa quê.

Chào ông Nguyễn Thanh Tòng, từ hơn 6 năm qua, ông đã tham gia rất nhiều dự án nhân ái của Nhịp cầu Nhân ái. Ông có thể cho biết trong số những dự án đã thực hiện, dự án hay lĩnh vực nào mà ông tâm đắc, hài lòng nhất?

Ông Nguyễn Thanh Tòng: Sáu năm với những dự án trong nhiều lĩnh vực như: y tế, giáo dục, xã hội, kinh tế, nông nghiệp, cứu trợ… Mỗi dự án đều có ý nghĩa và tầm quan trọng của mình, vì mỗi phần trong dự án chính là niềm hy vọng và phương tiện hỗ trợ thiết thực cho đời sống người dân Việt Nam, cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nếu phải chọn ra dự án mà tôi tâm đắc nhất, tôi xin chọn các dự án dành tặng Học bổng cho các em nhỏ Việt Nam. Đến nay, đã có hơn 600 em được nhận học bổng dài hạn ở những nơi có đời sống khó khăn như Mường Khương, Hà Tĩnh, Quy Nhơn, TP Hồ Chí Minh và Tiền Giang, đặc biệt tại làng Ea Sup thuộc tỉnh Đak Lak vùng Tây Nguyên, vì nơi đây phần đông là đồng bào dân tộc còn rất nghèo và thiếu thốn.

Có thể số lượng hơn 600 em vẫn chưa nhiều, nhưng đây là những học bổng dài hạn, điều đó có nghĩa là chúng tôi tạo điều kiện cho các em được học hành đầy đủ trong thời gian 3 đến 6 năm. Khi thêm một em học hành, xã hội thêm một công dân đủ năng lực tri thức hoặc nghề nghiệp tối thiểu để tự lập, có thể đóng góp có ích cho xã hội. Vì vậy, chúng tôi tự hào về việc "trồng người" do hệ thống học bổng của Nhịp cầu Nhân ái tạo ra.

Trao cho các em học bổng, chúng tôi trao các em niềm tin về lòng tương thân tương ái, chúng tôi trao cho các em cơ hội và ước mơ về cuộc sống hòa nhập, phát triển bản thân, ví như việc nhỏ nhất là các em đọc chữ được thì có thể đọc sách, có thể hiểu những thông tin trên báo, đài để giúp gia đình trong hoạt động hành chính, kinh tế, xã hội, các em sẽ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp và sở thích hơn… Quan trọng hơn, chính các em sẽ là nguồn động lực để tiếp tục giúp những em nhỏ khác từ niềm tin, cơ hội cho chính mình. Mỗi lần nghĩ đến cuộc sống của 600 em được thay đổi tốt hơn, lan tỏa ra nhiều hơn nữa, tôi cảm thấy rất xúc động.

Chắc chắc sẽ có những dự án hay lĩnh vực khó khăn và phức tạp hơn những dự án khác, ông có thể chia sẻ vài điều về việc này không?

Ông Nguyễn Thanh Tòng: Trong nhiều năm hoạt động hướng về Việt Nam, hầu hết những dự án mà chúng tôi thực hiện đều phức tạp, đi vào chuyên môn, cần sự kết nối của nhiều hội đoàn, tổ chức Việt Nam lẫn quốc tế và sự hỗ trợ của cấp chính quyền ở Việt Nam. Vì vậy, một dự án liên quan đến nhiều bên, phụ thuộc nhiều yếu tố, lẽ tất nhiên là có những lúc vui, buồn và thất vọng nhưng cũng có những kỷ niệm đẹp lưu lại để bù đắp lại những lúc khó khăn. Có những dự án, sau khi làm xong, chúng tôi vô cùng hài lòng, riêng tôi cũng có sự ngạc nhiên và tự hỏi tại sao mình thực hiện được. Lấy ví dụ một vài dự án như: Xây lại Trường Kim Đồng của làng phong da liễu ở Quy Hòa, Quy Nhơn. Ngôi trường này sẽ đem lại tương lai cho con em người bệnh phong có điều kiện tốt để học tập. Đây là dự án đầu tiên của tôi bắt đầu trong lĩnh vực hoạt động xã hội, dự án này hân hạnh được Chi hội người Việt Nam ở Grenoble tham gia và đặc biệt là hội từ thiện quốc tế ORDRE DE MALTE hỗ trợ 2/3 dự án. Dự án rất ý nghĩa nhưng cũng nhiều khó khăn nhưng thành công tốt đẹp và đem lại một hiệu quả giáo dục, xã hội lâu dài.

Trong đợt Nhịp cầu Nhân ái năm 2012-2013, HNVNTP mong muốn xây nhà phục hồi chức năng cho bệnh viện đa khoa ở vùng núi Mường Khương. Từ dự án ban đầu, chúng tôi kết nối được với Nhóm sinh viên y khoa EBISOL (Pháp) để tặng các thiết bị dụng cụ phục hồi chức năng. Vào chuyên môn của lĩnh vực y tế, lại ở vùng núi Việt Nam, dự án này thành công nhờ sự phối hợp của HNVNTP và đoàn thể bạn EBISOL Pháp.

Cũng ở bệnh viện phong, công nghệ phát triển phương pháp mới xét nghiệm căn bệnh Lupus, chúng tôi đã thực hiện được dự án cung cấp toàn bộ thiết bị dụng cụ khoa học như máy X-Quang và kính hiển vi liên quan bệnh Lupus, đồng thời gửi cán bộ nghiên cứu y tế Việt Nam sang Pháp để được đào tạo thêm kiến thức về bệnh Lupus nhờ Tổ chức quốc tế vì người nhập cư (PRA/OSIM) đài thọ.. Đây là một dự án khó vì kết hợp công nghệ, y tế, đào tạo, chưa kể lại liên quan căn bệnh mới ở Việt Nam. Rất vui là kết quả đã được Bộ Y tế nhìn nhận là một trong những phương pháp chính về xét nghiệm bệnh Lupus.

Khi tiếp xúc với bà con vùng sâu, vùng xa còn nghèo khó, so với hình dung của mình và với điều kiện cuộc sống chung ở Việt Nam, ông nhận thấy điều kiện sống hàng ngày và phát triển kinh tế-xã hội của họ như thế nào ?

Ông Nguyễn Thanh Tòng: Đồng bào vùng sâu, vùng xa vẫn còn thiếu thốn rất nhiều, dù rằng chính phủ đã có nhiều chương trình hỗ trợ như chăm sóc sức khỏe, miễn phí khi khám sức khỏe… Trong khi ở thành thị, trẻ em đi học có nhiều phương tiện cá nhân lẫn công cộng, thì các em nhỏ ở miền núi ở nhiều nơi vẫn phải đi bộ để đến trường. Các em phải đi khi trời vừa bắt đầu mờ mờ sáng và chiều về đến nhà khi trời cũng mờ mờ sáng vì sắp tối. Hiện nay, nhiều huyện đã xây nhà nội trú cho các em học khá nhưng thực tế, vẫn không đủ số lượng cần.

Phát triển kinh tế ở những vùng sâu, vùng xa vẫn còn theo cách thủ công truyền thống, công nghệ chưa có hoặc rất thô sơ, nên các em phải ở nhà để tham gia kinh tế cho gia đình. Từ đó dẫn đến việc, nếu các em đi học, gia đình bớt đi một nguồn lao động, lại phải đóng tiền học hoặc các chi phí tập vở cho các em, gây ra tâm lý của gia đình là cho các em nghỉ học để chăn bò hoặc làm ruộng, từ góc nhìn này ảnh hưởng đến chặng đường dài của các em. Chính vì thế, chính phủ hay những nhà tài trợ từ thiện như HNVNTP cần có những chương trình hỗ trợ phát học bổng cho con em để khuyến khích gia đình đưa con đến trường học, chúng tôi đã làm cụ thể như ở huyện Ea Tuk tỉnh Dak Lak.

Ông có những kỷ niệm xúc động khó quên nào trong những dự án ở Việt Nam của Nhịp cầu Nhân ái ?

Ông Nguyễn Thanh Tòng: Tôi xin chia sẻ một câu chuyện rất "huyền thoại" và đầy cảm xúc. Đó là sau khi tôi đi Dak Lak trở lại Pháp, mang theo về dự án của UBND và Hội phụ huynh học sinh huyện Khong Buk, xã Ea Tup. Dự án là lời khẩn cầu xin HNVNTP giúp họ xây một trường mầm non dành cho 150 em bé, vì nơi đây không hề có trường mẫu giáo, mà lại chưa có ngân sách để xây cất trường, các em nhỏ phải thay đổi trường liên tục hoặc phải đến nhà cộng đồng của xã.

Mang dự án về nhưng lòng tôi không tin tưởng vì tìm ra đâu số tiền nầy để xây cất trường, dự tính tổng chi phí vào khoảng 15000 euro. Tâm tư suy nghĩ giống như tạo ra vận may tìm đến. Một bữa, tôi đi dùng cơm với một chị hội viên lâu năm của Hội. Mình chỉ tâm sự cho vơi nỗi lòng với chị về dự án trường mầm non Ea Tup vì biết không thể làm gì được. Tự nhiên sau một hồi yên lặng, chị bật thốt lên với một sự bất ngờ đầy cảm xúc: "Để chị suy nghĩ". Tôi hỏi lại: "chị suy nghĩ về cái gì?". Chị tiếp tục yên lặng và trả lời: "Để chị xem rồi trả lời cho em. Có thể chị đồng ý và hỗ trợ dự án này". Lúc ấy mình nghẹn lời, nước mắt muốn trào ra. Mình còn nói rằng chị nên suy nghĩ kỹ đi, đây là dự án lớn của cả xã, mình không nên thông báo gì ngay, chị cho em biết sau này. Trong tôi tràn ngập sự cảm động và thiêng liêng. Những ngày sau, chị trả lời tôi là chị sẽ hỗ trợ cho dự án xây cất trường mẫu giáo của xã Ea Tup. Một tấm lòng cao cả, trong sạch quá, thương đồng bào, hướng về đất nước. Đấy là câu chuyện mà tôi nhớ suốt đời không quên, động viên tôi làm được những gì ích lợi cho đất nước và đồng bào dù rằng mình chỉ một hạt cát trên sa mạc.

Qua nhiều dự án tiếp xúc, ông thấy tâm tư của bà con Việt kiều đối với những dự án từ thiện hướng về Việt Nam như thế nào ?

Ông Nguyễn Thanh Tòng: Kiều bào toàn thế giới nói chung kiều bào Pháp nói riêng luôn có tinh thần tương thân, tương ái rất cao hướng về đất nước. Họ lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ với đồng bào trong nước, đặc biệt khi có tai biến như nạn lũ lụt, mất mát, điều kiện sống còn khó khăn. Trận bão lụt vừa qua tại Việt Nam gây ra thiệt hại nhiều nơi ở miền Bắc và miền Trung, đặc biệt nghiêm trọng ở tỉnh Thanh Hóa. Chúng tôi khi biết tin đã phát động lời kêu gọi đóng góp. Chỉ sau một tuần, đồng bào ta trong cộng đồng đã gửi tiền hỗ trợ nạn nhân bị lũ lụt và đến nay vẫn đều đặn gửi đến Hội quán. Để kịp thời giúp bà con cuối năm gây dựng lại cuộc sống, HNVNTP cũng đã ứng ra 100 triệu đồng để hỗ trợ cho xã Thạch Đình, thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Sự ủng hộ của kiều bào làm chúng tôi được động viên nhiều và rất cảm động, điều đó thể hiện lòng yêu nước của kiều bào ta, tâm tư của người Việt dù ở đâu cũng đầy nhân ái và từ thiện.

Khó khăn nào lớn nhất hiện nay khi làm các dự án từ thiện ở Việt Nam? Và HNVNTP có những điểm mạnh nào trong việc thực hiện những dự án Nhịp cầu Nhân ái suốt những năm qua?

Ông Nguyễn Thanh Tòng: Khó khăn khi đưa ra một dự án là phải có nhà tài trợ, lòng hảo tâm của kiều bào và sự ủng hộ của các đoàn thể bạn bè Pháp. Nhưng ai cũng biết là tìm nhà tài trợ không dễ. Dù chúng tôi luôn thiết lập mối quan hệ với mạng lưới các tổ chức từ thiện quốc tế phi chính phủ và luôn nỗ lực thuyết phục họ hỗ trợ dự án dành cho Việt Nam, nhưng điều ấy vẫn cực kỳ khó khi họ có nhiều lựa chọn trước dự án của nhiều hội đoàn quốc tế khác, như chương trình PRA/OSIM cũng phải đối đầu cạnh tranh với các nước khác.

Điểm mạnh của HNVNTP là có uy tín với các hội đoàn quốc tế từ lâu, lại được cộng đồng Việt kiều tại Pháp tin tưởng, hơn nữa, mỗi lần thực hiện dự án đều có đại diện của Hội đến tận nơi, đúng chỗ, trực tiếp thực hiện mà không thông qua trung gian nào, sau đó có thông tin khi trở về để kiều bào nắm rõ những gì mình đã đóng góp cho dự án. Chúng tôi là một hội đoàn vì cộng đồng và vì Việt Nam. Do đó, tất cả những người tham gia ban tổ chức của dự án và của sự kiện quyên góp đều hoàn toàn là tình nguyện viên, đóng góp kinh nghiệm, năng lực, tấm lòng và cả tài chính để mỗi dự án đều chan chứa tấm lòng hảo tâm của kiều bào.

Hiện nay, ông có mong ước gì hay những dự án có thể chia sẻ không?

Ông Nguyễn Thanh Tòng: Hiện tại, Nhịp cầu Nhân ái đã và đang thực hiện hai dự án quan trọng là tạo thêm 100 học bổng dài hạn cho trẻ em, lần này sẽ ở vùng núi Lai Châu và vùng đồng bằng Tiền Giang; thứ hai là quyên góp mua máy lọc nước biển thành nước ngọt cho các anh em chiến sĩ trên hải đảo Biển Đông, những người dùng tính mạng và cuộc sống cá nhân để giữ chiến tuyến cho đất nước mà không có cả một máy lọc nước đơn giản để phòng trường hợp khi nước ngọt chưa được vận chuyển từ đất liền ra đảo.

Còn những dự án trong tương lai, tôi không thích nói ra vì không biết kết quả ra sao. Âm thầm làm, khi có kết quả sẽ thông báo cho mọi người, đó là điều chứng minh hiệu quả nhất cho nỗ lực và tâm huyết của mình. Nhưng để chia sẻ, tôi hiện trăn trở ý định sẽ làm dự án thành lập trung tâm phục hồi chức năng cho các trẻ em khuyết tật nói chung và cho các con em bị hậu quả của chiến tranh gây ra nói riêng, tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, đây là những mảnh đời chịu thiệt thòi. Tuy nhiên đây chỉ mới là mong ước và ý định, tôi không thể hứa gì và cũng không biết kết quả như thế nào nếu làm dự án, chỉ mong rằng nếu có dự án thì sẽ thành công.

Từ nhiều năm nay, tôi được sự tin cậy của Hội giao cho trọng trách cao cả này, cũng như người lính ra trận phải làm tròn nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất là đối diện với chính mình, vượt qua chính mình trong mỗi khó khăn, thất vọng, mệt mỏi để đạt được phần thưởng từ nụ cười, ánh mắt của những em thơ, những người dân khi nhận được hỗ trợ. Họ thấy sự ấm áp từ phương xa. Điều đó chắc chắn làm bất kỳ ai cũng sẽ rơi nước mắt và tự dặn mình có thêm động lực thực hiện.

Tôi mong ước và tin rằng chia sẻ là một giá trị và cách thức làm sống dậy lòng yêu thương của con người và những nhịp cầu nhân ái được bắc từ khắp nơi trên thế giới về với Việt Nam, bằng cách này hay cách khác, trong lĩnh vực nào cũng vậy, sẽ giúp đất nước được tốt hơn, sáng hơn bắt đầu từ những mảnh đời tối nhất.

Nhân dịp này, chúng tôi gửi lời cảm ơn chân thành, xúc động nhất của Nhịp cầu Nhân ái đến tất cả hội viên, kiều bào, đối tác, nhà tài trợ đã tạo thêm tinh thần lẫn vật chất để những dự án được thực hiện tận tay và trực tiếp tại quê hương. Nhịp cầu Nhân ái từ Pháp nối về Việt Nam đã được xây nên từ những tấm lòng thầm lặng vì một tình yêu chung dành cho Việt Nam.

Một số hình ảnh hoạt động của Hội:

 Phát học bổng cho các em huyện Ea Tuk tỉnh Dak Lak.

 Bệnh viên Đa khoa Huyện Mường Khương (Lai Châu) do Hội tài trợ.

 Một công trình cho Hội tài trợ

 HNVNTP hỗ trợ Xưởng làm bánh của Mái ấm hoa hồng nhỏ thuộc Hội Bảo Trợ trẻ em TP Hồ Chí Minh

Nguyễn Thanh Hằng thực hiện