Người giữ vốn quý của dân tộc Giáy

 Ông Hoàng Chinh Xiềng - Thầy cúng trong Lễ hội Mừng năm mới của Dân tộc Giáy được tổ chức tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, tháng 2/2016

Miệt mài sưu tầm

Cứ đầu xuân, người Giáy ở thôn Nà Trào vừa xuống đồng để cấy lúa cho đúng thời vụ, vừa tổ chức các hoạt động vui chơi như đánh trống, múa hát, đánh yến, đánh quay, đánh còn… Các hoạt động này nằm trong lễ hội Mừng năm mới (lễ múa trống) được duy trì cho đến hết tháng Giêng theo phong tục của cha ông người Giáy truyền lại.

Để những nét đẹp văn hoá được tiếp nối như vậy, nghệ nhân Hoàng Chinh Xiềng không khỏi tự hào: “Lễ hội Mừng năm mới là lễ hội lớn nhất trong năm của người Giáy chúng tôi. Đây là dịp để chúng tôi mời tổ tiên về chung vui với con cháu và gửi gắm những khát vọng của mình. Từ khi tôi còn nhỏ đã thấy lễ hội được tổ chức rồi. Hồi trước như thế nào, bây giờ vẫn vậy. Đến đời mình, tôi vẫn đang tiếp tục giữ gìn và truyền lại cho con cháu. Lễ hội được tổ chức đơn giản nhưng chứa đựng nhiều giá trị, quan niệm của người Giáy về nhân sinh, về giá trị cốt lõi của dân tộc Giáy, nên vừa qua đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Để duy trì, bảo tồn được bản sắc của dân tộc mình, ông Xiềng và những người lớn tuổi trong thôn, xã đã phải nỗ lực rất nhiều. Từ 12 tuổi, ông đã theo cha học hỏi về các phong tục, tập quán của người Giáy. Đến nay, ông đã sưu tầm được hàng trăm bài dân ca, câu đố, tục ngữ dân tộc Giáy (hát bên mâm rượu, hát trước mặt quan khách, hát hỏi thăm, hát trao dâu…); hệ thống khái quát về dân tộc Giáy như: Tên gọi, địa danh, lễ Tết, làm nhà, cưới xin, sinh đẻ, tang ma và các phong tục thờ cúng tổ tiên, cúng thần… Các tài liệu tập hợp được, ông đều dịch qua chữ quốc ngữ để con cháu dễ tìm hiểu. Đến bây giờ, ông Xiềng cũng không nhớ chính xác là mình đã dịch ra được bao nhiêu cuốn tập viết. “Tôi cứ dịch ra đấy, bọn trẻ đứa nào muốn học cứ đến mượn mà học. Chúng nó học được càng nhiều, mình càng vui” - ông Xiềng chia sẻ.

Để già, trẻ cùng nhau giữ gìn vốn quý

Với em Hoàng Thị Mai cũng ở bản Nà Trào, từ nhỏ em đã được sống trong không khí lễ hội cổ truyền của dân tộc. Đến nay, khi có hoạt động văn nghệ hay đi giao lưu ở đâu, chúng em không cần phải chuẩn bị hay tập luyện gì nhiều. Giống như là đã ngấm vào máu, thành thói quen rồi. “Để được như vậy phải nói tới công truyền dạy của ông, bà, những người lớn tuổi, nhất là nghệ nhân Hoàng Chinh Xiềng. Khi có việc hay những buổi sinh hoạt trong thôn, già Xiềng đều cố gắng lồng ghép để truyền lại cho chúng tôi bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Từ những câu chuyện ngày xưa, cho tới các phong tục tập quán, đều được ông lồng ghép và kể cho con cháu nghe. Cứ thế dần dần theo thời gian chúng em lớn lên, văn hoá cũng được lấp đầy” - Mai chia sẻ.

Anh Hoàng Văn Hợi phải theo học ông Xiềng 3 năm trời mới đọc được chữ nho trong các cuốn sách cổ do cha ông để lại. “Ban ngày tôi đi làm, đến tối tôi mới đến nhà ông Xiềng để học. Ngày nào cũng vậy, suốt 3 năm liên tục. Có nhiều lúc cũng nản lắm, nhưng ông Xiềng vẫn động viên. Bởi lẽ mình mà không học bây giờ, mai mốt người già mất đi, lấy ai truyền lại cho thế hệ sau. Đến bây giờ, mình hầu như có thể thực hiện được tất cả những lễ tục, bài cúng cũng như nhớ được tất cả các bài hát đối đáp …” - anh Hợi cho hay.

Ông Lù Văn Chổm - Phó Bí thư xã Tát Ngà, cũng là một người con của dân tộc Giáy tự hào cho hay: Trong các dân tộc trên địa bàn xã, dân tộc Giáy vẫn còn giữ được hầu như nguyên vẹn các nét văn hoá của cha ông mình. Truyền thống văn hoá giống như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, kết nối cộng đồng dân tộc. Trong xã cũng có mấy nghệ nhân nhưng ông Xiềng là người tâm huyết nhất và có đóng góp nhiều nhất trong việc lưu giữ lại bản sắc văn hoá dân tộc Giáy. Nhờ những cống hiến của mình, ông Xiềng đã được Nhà nước công nhận là nghệ nhân dân gian.

Nguyễn Lê/ langvietonline.vn