Vì sao Nhật Bản đặt mua các sản phẩm nội địa của Việt Nam thấp?

 Các đại biểu tham quan máy móc trưng bày tại triển lãm.

Sáng 13/9, phát biểu tại buổi lễ khai mạc triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản, NEPCON Vietnam 2017 và Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam năm 2017, Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: “Hiện nay, việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp sản xuất quan trọng như: ô tô, dệt may, da giày, điện tử cũng như việc tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu đang là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam.

Trong tiến trình đó, Bộ Công thương, với vai trò trực tiếp quản lý lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã và đang tích cực triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Qua đó, sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của chuỗi sản xuất toàn cầu, đồng thời trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước”.

Ông Trần Quốc Khánh nêu rõ: Những năm qua, trên cơ sở thực tiễn hợp tác thương mại và đầu tư cùng với Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) và Thỏa thuận đối tác vừa được Bộ trưởng Bộ Công thương và Chủ tịch JETRO ký kết nhân chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 6 vừa qua, Nhật Bản đã, đang và sẽ tiếp tục là đối tác chiến lược hỗ trợ Việt Nam trong phát triển lĩnh vực này.

Ông Trần Quốc Khánh đánh giá cao việc Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) và JETRO tổ chức triển lãm trong những năm vừa qua có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề cho các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành tăng cường năng lực sản xuất và kết nối với các đối tác Nhật Bản.

Ông Trần Quốc Khánh tin tưởng, sự kiện tổng hợp này sẽ mang đến những cơ hội thiết thực để các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp cận, học hỏi các xu thế mới của thị trường, các thành tựu đổi mới về kỹ thuật, công nghệ, gặp gỡ trực tiếp các đối tác tiềm năng đến từ Nhật Bản và quốc tế, đóng góp quan trọng cho những bước chuyển mình mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Ông Jun Yanagi, Phó Đại sứ, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam hy vọng, tại cuộc triển lãm này sẽ có những cuộc gặp gỡ, đàm phán kinh doanh mang tính xây dựng và đạt được kết quả cao.

Theo ông Jun Yanagi, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp phụ trợ được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Hiện nay, khoảng 1.600 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Dù gần một nửa số đó là từ khu vực sản xuất nhưng tỷ lệ các sản phẩm nội địa mà các công ty Nhật đặt mua rất thấp. Có nghĩa là các giao dịch kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản vẫn còn hạn chế và cũng có một khoảng trống, cơ hội lớn để phát triển.

Ông Jun Yanagi nhấn mạnh: Năm nay, Chính phủ Việt Nam đã thông qua đạo luật khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông hy vọng rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ dành thêm nhiều nguồn lực để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tất nhiên, Chính phủ Nhật Bản luôn đóng vài trò là người ủng hộ trong lĩnh vực này.

Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản, NEPCON Vietnam 2017 và Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam năm 2017 sẽ diễn ra từ ngày 13 – 15/9 với sự tham dự của hơn 200 thương hiệu hàng đầu đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan…/.

Thu Thủy/VOV.VN