Cần thêm nhiều ý tưởng “nuôi” sáng tác văn học

Các nhà thơ, nhạc sĩ đi thực tế Trung đoàn không quân Sao Vàng tại Thanh Hóa

Tạp chí Nhà văn và tác phẩm, cơ quan cấp hai của Hội Nhà văn Việt Nam vừa phát động cuộc thi thơ hai năm 2017-2018. Trong bối cảnh hiện nay, có thể coi đây là hành động táo bạo. Bởi tạp chí vốn đã khó khăn trong sự thiếu thốn chung của Hội – hiện nay đã phải cắt tiêu chuẩn tạp chí biếu thường kỳ các hội viên mà phải động viên mua, cộng với những ngặt nghèo khác về kinh phí, vật chất hoạt động khi cơ bản phải tự lo toan.

Nhưng đáng chú ý là theo lãnh đạo tạp chí và ban tổ chức, cuộc thi 100% xã hội hóa này hiện đã được tài trợ đủ kinh phí cho các giải thưởng (giải Nhất sẽ là 30 triệu đồng, hai giải Nhì mỗi giải 20 triệu đồng và ba giải Ba mỗi giải 10 triệu đồng…). Còn lại, sẽ tiếp tục đón nhận sự ủng hộ từ xã hội, người yêu thơ… Đặc biệt khi cuộc thi thể hiện quan điểm đón nhận những cái mới mẻ, nêu cao tiêu chí tìm và tôn vinh thơ hay, đón nhận mọi khuynh hướng sáng tạo và thử nghiệm, tìm tòi với mục đích cao nhất là làm giàu có thêm cho tiếng Việt.

Nhà thơ Đặng Huy Giang – Trưởng ban sơ khảo cũng rất tâm huyết khi bộc bạch: "Chúng tôi cố gắng để có một cuộc thi nghiêm túc, đàng hoàng, và không bị can thiệp bởi… nhà tài trợ”. Theo ông Giang, ý kiến của nhà thơ Ngô Thế Trường, cũng là một trong những nhà tài trợ, đã được đưa vào quy định của cuộc thi, là nhà tài trợ thì không gửi thơ tham dự. Sở dĩ như vậy vì như chính ông Trường chia sẻ, thì ông đã có lần chứng kiến ở cuộc thi nào đó, nhà tài trợ cứ khăng khăng đòi thơ mình được giải cao.

Độ thành công của cuộc thi vừa phát động trên, tất nhiên sẽ còn phụ thuộc vào chất lượng tác phẩm, chất lượng giải. Nhưng những ý tưởng cho nó, từ một tờ tạp chí cũng đang nỗ lực tự nâng cao, vượt khó sau quá trình sáp nhập ấn phẩm của Hội nhà văn Việt Nam, là cần thiết và cho thấy dấu hiệu tích cực. Ngoài các giải thưởng hằng năm của các hội văn học, văn nghệ trung ương và địa phương, hay các cuộc vận động sáng tác quy mô lớn, những cuộc thi mới như trên sẽ góp phần tạo thêm hoạt động đồng hành, bổ trợ, cổ vũ công việc sáng tác, tạo thêm điều kiện xuất hiện cho các tác giả, nhất là tác giả mới, trẻ, tạo thêm diễn đàn ghi nhận và tôn vinh tác phẩm có chất lượng.

Khoảng 10 năm trước cho đến 5 năm sau đó, một số cuộc thi thơ chuyên nghiệp được xã hội hóa như giải “Lá trầu” của công ty truyền thông Eva được tổ chức hai lần 2008 và 2009, giải “Thơ ca và nguồn cội” của Hội thơ làng Chùa cũng tổ chức hai lần 2007-2008 và 2011-2012 đã góp thêm những cuộc sinh hoạt thơ ca sôi nổi, giàu tính đổi mới vào đời sống văn học chung. Tiếc rằng những kỳ cuộc như thế đã tạm dừng lại, có lẽ phần chính do khó khăn chung về kinh tế.

Mới đây, Tạp chí Văn nghệ quân đội, bên cạnh những công việc lớn như giải thưởng thơ, truyện ngắn thường xuyên tổ chức và gây tiếng vang, những công việc “bếp núc” như các trại viết đều đặn hằng năm, có một hoạt động nhỏ đáng chú ý là lần đầu tiên mở trại viết phê bình với sự tham dự của nhiều cây bút thuộc thế hệ lâu năm trên bục giảng và lứa tác giả trẻ đang sung sức khẳng định.

Cùng thời điểm, phía quân đội còn có hoạt động văn nghệ đáng chú ý đối với văn học, là triển khai cuộc vận động sáng tác kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành hậu cần quân đội do Tổng cục hậu cần tổ chức. Theo đó, một trại viết kết hợp đi thực tế đã diễn ra ở Thanh Hóa – Nghệ An và sắp tới sẽ tiếp tục hai trại nữa tại Đà Nẵng, Cần Thơ, tạo điều kiện cho các nhà thơ, nhạc sĩ chuyên nghiệp thâm nhập vào một số đơn vị hậu cần. Đó cũng là nét đáng chú ý khi hướng đến dịp kỷ niệm ngày truyền thống, những người đứng đầu ngành hậu cần cũng các phòng ban tuyên huấn, tuyên truyền, hoạt động văn hóa nghệ thuật có ý vận dụng tiếng nói của văn học để nhìn lại lịch sử cho đến hiện tại của một lực lượng trong quân đội.

Cũng có điểm tương đồng là trong những năm qua đã thường xuyên có các cuộc thực tế ra Trường Sa, nhà giàn DK1… dành cho các nhà văn, nhà thơ trong đội ngũ văn nghệ sĩ nói chung, do lực lượng hải quân tổ chức. Từ nền tuyên truyền chung mang tính phong trào, xuất hiện thêm các tác phẩm vượt lên để góp thêm thành quả vào dòng chảy văn học về đề tài biển đảo, về người lính hải quân và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Như vậy có thể thấy, công việc sáng tác văn học ngoài sự vận động tự thân của người viết, cần thêm nhiều ý tưởng mới của các tổ chức nghề nghiệp, các bộ ngành, đoàn thể, lực lượng, các tổ chức xã hội và kể cả các cá nhân khác. Những ý tưởng được hiện thực hóa bằng các kế hoạch, chương trình vận động sáng tác, cuộc thi, trại viết, chuyến đi thực tế hay hình thức đặt hàng tại chỗ…, sẽ tạo thêm điều kiện trải nghiệm, thời gian, không gian, vật chất cho người cầm bút trải nghiệm, nghiền ngẫm, xây dựng các tác phẩm mới. Và thực tế đã có những chương trình, hoạt động sáng tác được tổ chức có đóng góp hiệu quả, gieo cảm hứng, khơi gợi đề tài cho người cầm bút xây dựng tác phẩm có chất lượng. Nhiều tác phẩm được đăng tải, xuất bản rộng rãi, được đón nhận và đánh giá tốt từ giới nghề, từ bạn đọc.

Gần đây, người viết bài này có dịp tiếp xúc với một đồng chí Phó Chủ tịch một huyện của tỉnh Bắc Giang với những mong muốn rất đáng ủng hộ, về việc khai thác tiếng nói của văn học, nghệ thuật vào xây dựng và phát triển đời sống văn hóa chung của huyện. Bản thân đồng chí cán bộ này cũng mong có nhiều dịp gặp các văn nghệ sĩ chuyên nghiệp, để được nghe tư vấn cho việc hiện thực hóa những mong muốn của mình. Nghe thì có vẻ xa vời, nhưng đó là một mong muốn tốt và nếu được tổ chức một cách thuận lợi bằng trại viết, bằng hình thức thực tế sáng tác ở địa phương, thì chắc chắn sẽ có những thành quả bước đầu, dù ở mức độ khiêm tốn cũng sẽ là đáng mừng.

Tất nhiên, những nguyện vọng như thế, hay các ý tưởng, sáng kiến còn đang nhen nhóm ở đâu đó, phải chờ hội tụ các điều kiện cần thiết. Nhìn chung những người cầm bút đều hăng hái, nhiệt tình với công việc sáng tác từ khía cạnh thôi thúc tự thân. Và nếu được thêm xúc tác bằng sự mời gọi, khích lệ, tạo điều kiện thì càng thiết thực, càng thuận lợi cho quá trình sáng tác sau này. Vì thế, bắt đầu từ các ý tưởng, rất cần tiếp nối là sự ủng hộ cho các ý tưởng đó về mặt tổ chức, sự chuẩn bị về các điều kiện cần thiết nhằm phục vụ cho các công tác chuyên môn.

Nhìn rộng và nói một cách khái quát thì cần sự ủng hộ của xã hội, nhìn cụ thể hơn thì rất cần sự nhập cuộc của chính quyền các địa phương, các ban ngành, lực lượng, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, những người yêu văn học. Ý tưởng hay, điều kiện tốt, ý thức trách nhiệm của người cầm bút cùng với năng lực sáng tạo dồi dào…, sẽ là hậu thuẫn tốt đẹp cho những sáng tác mới để góp vào dòng chảy chung của đời sống văn học.

(Theo nhandan.com.vn)