Các loại hình ngói lợp trên bộ mái kiến trúc thời Lê ở Khu di tích Hoàng thành Thăng Long

Lý do kiến trúc thời Lê tìm thấy ít chính là vì tầng văn hoá thời Lê ở trên cao do đó đã bị đào phá 2 lần một cách khốc liệt. Lần thứ nhất là việc dỡ toàn bộ Thăng Long xây thành Hà Nội thời Nguyễn năm 1805 (trừ khu vực Đoan Môn và điện Kính Thiên). Lần thứ 2 là việc phá bỏ toàn bộ thành Hà Nội thời Nguyễn và cũng để lại Đoan Môn và Kính Thiên. Ở lần thứ 2 này do việc đào móng xây dựng các công trình bằng gạch và bê tông cốt thép đã vừa phá thành Hà Nội, vừa phá tiếp thành thời Lê và thậm chí là của cả thời Trần nữa. Trong tầng văn hóa tại các hố khai quật khảo cổ học, nhiều vị trí dấu tích kiến trúc thời cận hiện đại đã xuyên phá đến gần tầng lớp văn hoá thời Lý. Các dấu tích kiến trúc thời Lê chỉ còn lại một số móng trụ, sân nền lát gạch vồ…

Mặc dù các công trình kiến trúc thời Lê đã sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại những phế tích nhưng đã tìm thấy một khối lượng đồ sộ các loại hình vật liệu kiến trúc, đặc biệt là các vật liệu cấu thành bộ mái các công trình.

 Đầu ngói ống trang trí hoa văn với chủ đề hoa cúc

Vật liệu cấu thành bộ mái kiến trúc chính là những viên ngói cong (ngói âm dương), ngói phẳng (ngói mũi nhọn) và những phù điêu trang trí kiến trúc. Ở những vị trí khác nhau trên bộ mái kiến trúc có những loại ngói lợp phù hợp như ngói lợp phần thân mái, lợp phần diềm mái.

Ngói ống dáng thuôn dài, tròn đều, mặt cắt ngang hình nửa ống tròn. Thân được tạo bằng kỹ thuật dải cuộn kết hợp bàn xoay, thân dày đều, mặt trên làm nhẵn hoặc có dấu thừng, mặt dưới có dấu vải rất rõ. Phần đuôi và thân được tạo liền khối. Đuôi được tạo bằng cách cắt bớt độ dày thân. Những viên ngói diềm mái lợp ở vị trí đầu tiên trong hàng, có phần đầu ngói hình tròn, trong lòng đầu ngói trang trí hoa văn với các chủ đề chính là hoa cúc và hình rồng.

  Ngói ống có men xanh, men vàng trang trí hoa văn với chủ đề rồng

Thời Lê có một loại hình ngói ống rất đặc biệt, đây là những viên ngói ống có men xanh hoặc men vàng, hai viên ngói ghép lại với nhau sẽ thành hình một con rồng nằm ngẩng cao đầu. Viên thứ nhất có phần đầu ngói hình tròn, trang trí hình con rồng cuộn tròn, đặc trưng của rồng thời Lê sơ. Lưng ngói tiếp giáp phần đầu ngói có hình đầu con rồng ngẩng cao, mắt mũi, mồm, bờm được khắc nét rất sinh động. Lưng ngói tiếp giáp phần đuôi thường có 1 vây. Toàn bộ phần lưng được trang trí tạo vẩy. Viên thứ hai phần lưng ngói có 2 vây, toàn bộ phần lưng được trang trí tạo vẩy, đuôi ngói được đắp thêm, đuôi ngắn và hơi cong.

Loại hình ngói ống đặc biệt trang trí hình rồng – thời Lê

Ngói lòng máng hình dáng chữ nhật, mặt cắt ngang khum cong phần đuôi rộng hơn phần đầu, làm bằng hai kỹ thuật dải cuộn kết hợp khuôn trên bàn xoay và đắp tảng đất trên khuôn kết hợp bàn đập, trong lòng thường có dấu vải, đây là những dấu vết lót khuôn. Thân ngói dày không đều, phần đầu dày và mỏng dần về phần đuôi. Những viên ngói lòng máng lợp diềm mái (còn gọi là ngói trích thủy hay ngói yếm). Phần yếm ngói hình lá đề cách điệu có trang trí hoa văn dây lá cuốn, hình rồng, hoa mai, hoa cúc (cả bông hoặc nửa bông).

Ngói lòng máng thời Lê 

Vật liệu lợp trên bộ mái kiến trúc thời Lê phong phú và đa dạng. Chất liệu ngói thời Lê thường được làm rất kỹ, xương mịn. Loại không men thường có màu xám từ các các độ đậm nhạt khác nhau, ngói men thường được làm từ đất sét có pha cao lanh, xương mịn màu trắng hoặc đỏ, độ thiêu kết giữa men và xương khá cao. Ngói được nung ở nhiệt độ cao nên tạo ra độ cứng tốt, độ hút ẩm thấp, chịu được mưa nắng đảm bảo cho độ bền của các công trình kiến trúc.

Các loại hình ngói đều được làm bằng khuôn gỗ, tạo dáng trên khuôn định hình. Phần đầu ngói hoa văn trang trí được tạo bằng những khuôn khắc chìm, in vào phần đầu viên ngói khi còn ướt, sau khi nung tạo ra các đầu ngói trang trí các mô típ nổi. Các loại hình ngói ống, ngói lòng máng lợp diềm mái thường được tạo bằng kỹ thuật ghép nối. Phần thân ngói và phần đầu ngói, yếm ngói được làm riêng lẻ sau đó gắn ghép vào với nhau. Phần tiếp giáp này được đắp thêm đất sét và được miết kỹ để kết dính hai phần lại với nhau.

Ngói ống lợp diềm mái thời Lê đều gắn thêm đầu ngói, trong lòng đầu ngói có trang trí, họa tiết trang trí giữa các thời kỳ cũng có nhiều nét khác biệt rất lớn, ngói ống thời Lê không còn phong cách gắn lá đề trên lưng ngói như ngói ống lợp diềm mái thời Lý – Trần.

  Bản dập hoa văn “ngói lòng máng lợp diềm mái” thời Lê

Hoa văn trang trí trên đầu ngói thời Lê có hai đề tài chính là hoa cúc và hình rồng. Hình rồng được trang trí trong tư thế cuộn tròn, đầu hướng vào tâm, hoa cúc được thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau, tạo nên sự đa dạng về họa tiết. Rồng thời Lê sơ có phần thân hơi mập, phủ vảy đơn, lượn theo chiều từ phải sang trái, thân rồng uốn khúc nhưng khúc uốn rất doãng ôm trọn đầu rồng ở giữa. Đầu rồng ngẩng cao, hướng sang phía bên trái. Các chi tiết cấu trúc đầu rồng giản lược. Tư thế lượn của rồng thời Lê khác rồng thời Lý – Trần. Thân rồng thời Lý – Trần uốn khúc rất đều, khúc uốn rất cong dạng “thất trí’ và lượn thành hình tròn. Hình tượng rồng từ thời Lý – Trần đến thời Lê không chỉ được sử dụng như một họa tiết trang trí mà nó được sử dụng với những quy định nghiêm ngặt, theo đó chúng ta biết được những hình tượng rồng năm móng chỉ được trang trí trên những gì thuộc về Vua.

(Theo Bùi Thị Thu Phương/ Hoangthanhthanglong.vn)
(Nguồn bản ảnh, bản dập hoa văn: Viện Khảo cổ học)