Chính phủ tích cực chỉ đạo giải quyết kiến nghị của cử tri

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với bà con nhân dân huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV sáng 13/6, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Trưởng Ban Dân nguyện của UBTVQH Nguyễn Thanh Hải đã trình bày Báo cáo của UBTVQH về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2.

Theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, thông qua 2.073 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 2, đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố đã tổng hợp được 3.320 kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.

Các kiến nghị đề cập đến mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế-xã hội, từ chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, đến những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân. Đến nay, 100% kiến nghị đã được trả lời, đăng công khai trên Cổng TTĐT Quốc hội.

Trong xử lý kiến nghị cử tri của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, mặc dù nhận được số lượng kiến nghị cử tri rất lớn (3.119 kiến nghị, kỳ trước chỉ có 856 kiến nghị), nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã rất tích cực chỉ đạo giải quyết, thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị lắng nghe.

Kết quả là ngay trong khoảng thời gian 6 tháng giữa hai kỳ họp, toàn bộ 3.119 kiến nghị được trả lời; 94 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành; hàng nghìn cuộc thanh tra chuyên ngành đã được tổ chức, qua đó phát hiện, xử lý nhiều vi phạm theo yêu cầu, kiến nghị của cử tri, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống người dân.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành đã rất nỗ lực xem xét, giải quyết dứt điểm nhiều vấn đề mà cử tri nêu. Kết quả là số lượng kiến nghị trong kỳ họp này đã được giải quyết dứt điểm lên đến 539 kiến nghị, gấp 3 lần kỳ trước (176 kiến nghị).

Đặc biệt, tháng 4/2017, Chính phủ đã đưa hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của người dân lên Cổng TTĐT của Chính phủ. Đây là bước đột phá tăng cường sự tương tác giữa người dân với Chính phủ, nâng cao chất lượng giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri.

Đối với 142 kiến nghị còn tồn đọng từ nhiều kỳ họp trước, đã giải quyết dứt điểm được 69 kiến nghị (đạt 49%), trong đó Bộ TN&MT giải quyết được 21 kiến nghị, Bộ Tài chính là 14, Bộ NN&PTNT giải quyết 8 và Ủy ban Dân tộc giải quyết được 5 kiến nghị.

Một số vấn đề mà cử tri kiến nghị từ năm 2014 (kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII) cũng đã được giải quyết như: Quy định về quy chế quản lý rừng sản xuất; quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; về chính sách đặc thù phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020…

Đối với 4 nhóm vấn đề cụ thể đã được báo cáo kỳ trước đề nghị tập trung chỉ đạo giải quyết, trong khoảng thời gian 6 tháng giữa hai kỳ họp, 2 nhóm vấn đề liên quan đến kinh doanh theo phương thức đa cấp và tính ổn định của các phương án thi tốt nghiệp, xét tuyển vào đại học, cao đẳng đã được Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục & Đào tạo chỉ đạo giải quyết bước đầu khá hiệu quả.

Đối với 2 nhóm vấn đề còn lại về hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp, thu hút đầu tư cho nông nghiệp; vấn đề quản lý, xử lý vi phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản, là những vấn đề khó, phức tạp cần thời gian dài để giải quyết, vì vậy kết quả giải quyết của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên & Môi trường phần nào chưa đáp ứng mong đợi. Cử tri lại tiếp tục gửi kiến nghị đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.

Về nâng cao chất lượng và trách nhiệm giải quyết, trả lời kiến nghị, UBTVQH kiến nghị: Chính phủ nên coi việc giải quyết kiến nghị của cử tri là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các Bộ trưởng, trưởng ngành. Đồng thời, sớm có hình thức nhắc nhở, xử lý đối với cá nhân, cơ quan, không thực hiện trả lời cử tri theo quy định và công khai để cử tri được biết.

Về việc giải quyết các kiến nghị có phạm vi liên ngành do hiện nay chưa có quy định để các bộ, ngành phối hợp cùng giải quyết kiến nghị có nội dung liên ngành, do vậy dễ dẫn tới tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. UBTVQH kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy chế tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri để việc giải quyết được kịp thời, đúng pháp luật.

Đối với các kiến nghị còn tồn đọng qua một số kỳ họp, UBTVQH kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát xây dựng lộ trình giải quyết và thông báo cho cử tri bằng văn bản trước ngày 15/9 tới.

Nguyễn Hoàng/ baodientuchinh.vn