Dấu ấn của mảnh đất Ninh Bình với các em thiếu nhi kiều bào tại Lào

Những cơn gió mát lạnh đã xoa dịu đi tiết trời nắng nóng của những ngày hè khi Đoàn về thăm cố đô Hoa Lư. Tại đây, các em học sinh được lắng nghe những câu chuyện lịch sử về thời nhà Đinh, tiền Lê và nhà Lý. Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam đồng thời là một trong 4 vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An đã được UNESCO công nhận. Hệ thống di tích ở Hoa Lư liên quan đến sự nghiệp của các nhân vật lịch sử thuộc ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý, tính từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tông trong lịch sử. Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô. Ngày nay hình ảnh của Cô đô Hoa Lư tuy không còn nguyên vẹn mà thay vào đó là đền thờ: Vua Đinh – Vua Lê được dựng ngay trên nền của Cố đô Hoa Lư xưa. Hai ngôi đền cách nhau khoảng 500m, do khoảng cách gần nhau nên thường được gọi “Cố đô Hoa Lư” là “Đền Vua Đinh – Vua Lê”.

Còn khi đến với chùa Bái Đính, các em học sinh đã ngạc nhiên về không gian rộng lớn của chùa. Nhiều em còn tò mò đặt các câu hỏi cho cô hướng dẫn viên và trầm trồ về những pho tượng lớn và kiến trúc hoành tráng của ngôi chùa. Thật không hổ danh là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam!

Em Trần Thị Ngọc My, học sinh lớp 7, cho biết: Bởi cả bố và mẹ em đều là người Việt nên từ nhỏ em đã được tiếp xúc nhiều và có thể nói tương đối khá về tiếng Việt. Hằng ngày em đều mở kênh bằng tiếng Việt trên ti vi để nghe tiếng Việt đều đặn. Em đã có cơ hội về thăm Quy Nhơn và Đà Nẵng là quê nội và quê ngoại của mình. Mỗi lần về, em đều thấy hết sức thích thú khi được tắm biển, thả mình vào không gian bao la, tươi đẹp của vùng biển quê hương. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên em được đi thăm nhiều nơi mà em đã mong một lần đến như quê Bác Hồ, được viếng Lăng Bác, thăm thủ đô Hà Nội với Hồ Gươm, phố cổ nổi tiếng, thăm kỳ quan thiên nhiên thế giới Vinh Hạ Long. Và hôm nay, em thực sự rất vui khi được đến thăm vùng đất lịch sử Hoa Lư cùng chùa Bái Đính nổi tiếng. Nếu có cơ hội, Ngọc My mong rằng mình sẽ được đến Ninh Bình lần nữa để có thể khám phá Quần thể du lịch Tràng An.

Sinh ra và lớn lên ở Lào, em Bùi Thị Ngọc (học sinh lớp 8) chia sẻ: Mặc dù em đã từng được nghe những câu chuyện về Bác Hồ và đọc thuộc được bài thơ “Viếng Lăng Bác”, nhưng đây là lần đầu tiên em được về với Việt Nam để dâng hương tưởng niệm Bác và tận mắt chứng kiến những di tích gắn liền với Người. Vui và hạnh phúc là những từ ngữ để miêu tả tâm trạng của em khi được về với Việt Nam lần này. Em thích thú khi ngồi trên xe điện để khám phá không gian rộng lớn của chùa Bái Đính, chăm chú lắng nghe khi cô thuyết minh nói về lịch sử của các thời đại phong kiến của Việt Nam. Em bảo, em yêu tiếng Việt và văn hóa Việt nên rất thích khi nghe về lịch sử của nước ta.

Khác hẳn với My và Ngọc, bố mẹ của Va Nhu Ly đều là người Lào, nhưng bởi mong muốn con gái có thể nghe nói thành thạo tiếng Việt, Va Nhu Ly đã được bố mẹ đăng ký vào học Trường song ngữ Nguyễn Du. Mặc dù không thể nói tốt như các bạn khác, nhưng em cũng có thể hát các bài hát như Nối vòng tay lớn, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Lần này được thăm Việt Nam, Nhu Ly bày tỏ sự phấn khích và trầm trồ trước cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của Việt Nam, sự sầm uất nhưng vẫn có nét cổ kính của thủ đô Hà Nội, mảnh đất Ninh Bình với nhiều núi non và dòng sông xanh thanh bình, ngôi chùa Bái Đính to lớn mà hiếm khi em được nhìn thấy những bức tượng Phật lớn như vậy. Em mong được về Việt Nam lần nữa.

Chuyến thăm Việt Nam của thầy và trò trường song ngữ Nguyễn Du đã kết thúc tốt đẹp. Với những hình ảnh tươi đẹp của đất nước Việt Nam và sự đón chào thân thiện, nồng ấm của người dân trong nước, tất cả đã tạo nên những ấn tượng khó quên trong lòng các thầy cô giáo và các em học sinh, làm ấm hơn trong tim về tình cảm quê hương đất Mẹ của con em thế hệ thứ 2, thứ 3 của người Việt tại Lào.

Thủy Nguyên