Lồng chim cu gáy


Tôi cương quyết đập tan mọi âm mưu rủ rê trẻ vị thành niên vào con đường yêu đương sớm của những kẻ cũng vị thành niên như tôi và của những kẻ đã thoát khỏi tuổi vị thành niên với một lý do duy nhất: “Em còn bé, chưa nghĩ tới!”. Từ trai xấu đến trai đẹp, trai cao đến trai thấp, đều ngậm ngùi xót xa mà quay bước tìm mối chinh phục mới.

Vậy mà vẫn sót lại một kẻ lì như chì đổ khuôn. Đó là Quân, dù tôi nhớ không nhầm, ít nhất đã tới lần thứ ba, tôi tua lại: "Em còn bé, chưa nghĩ tới", mà hắn vẫn cứ sấn sổ tới. Lần thứ ba, hắn ngồi nấp ở một chỗ khuất, giống như ngồi rình bẫy chim mà bọn trai làng hay làm, đợi tôi bê thau quần áo đi giặt thì bất ngờ hiện hình, trên tay là lồng chim cu gáy đập cánh loạn xạ. Quân lúng búng:

- Tặng em làm kỷ niệm.

- Em có phải cánh con trai làng này đâu mà anh tặng cái thứ này.

- Cây nhà chim vườn, có chút gọi là…

- Chút gì mà chút. Em nào biết nuôi chim cò gì, lại còn bé thế kia em nuôi để chết à?

- Chim càng bé càng dễ nuôi chứ em - Quân cố nài nỉ.

- Không, dễ thì anh đi mà nuôi.

Tôi nguẩy mông đi.

- Sao lại chê chim bé chứ, đúng là...

- Đúng là gì?

- Đúng là em…

Đừng tưởng là bẫy tôi dễ nhé, cái trò muốn trao kỷ vật làm tin chắc? Chim thì con trai, ông già, cả làng này chơi, thiếu gì. Đến hoa hồng, son phấn, khăn len, cả đồng hồ, điện thoại, tôi còn chẳng màng, giờ nhận cái lồng chim bé tin hin, không khéo rồi mang họa H5N1 có ngày.

Thằng Cún đang chơi đồ hàng đã biết, nó chạy lại níu áo dì:

- Con thích nuôi chim cu cơ, dì bảo chú tặng cho con đi.

- Chim chóc gì chứ. Vắt mũi chưa sạch. Đi vào nhà mau!

- Ứ ừ, con thích lồng chim cu gáy này, chú tặng con đi.

Tiếng quát của tôi không còn hiệu lực như mọi lần, Cún giẫy sần sật giữa sân, nó tru tréo khóc đòi lồng chim, vừa khóc nó vừa ho sù sụ, trong khi đó Quân không ngừng chìa lồng chim ra trước mặt hai dì cháu dử mồi.

- Nó còn bé, chiều nó đi em. Em không nhận thì thôi, anh chẳng dám nài, để anh cho cháu. Đằng nào thì anh cũng mang nó tới đây rồi. Mà chim thì nhà anh đầy vườn.

Tôi đã phải đầu hàng để dỗ cháu. Thằng Cún đón lồng chim, mặt mày tươi như hoa. Nó kiễng chân để chạm được vào tay Quân.

- Cháu xin chú. Cảm ơn chú Quân. Cháu yêu chú nhiều lắm.

- Chú cũng yêu Cún nhiều lắm. Nhớ chăm chim cho mau lớn nhé.

Tôi nhìn cảnh hai người âu yếm nhau mà nổi cả da gà. Còn Quân trao được lồng chim vào tay thằng Cún, mặt tơn tởn như trúng số, dắt xe đạp đi miệng huýt sáo vang ngõ. Tôi đóng cổng đến rầm, hoa sao rụng lả tả.

Từ ngày có lồng chim cu làm bạn, Cún ngoan hẳn, suốt ngày chăm sóc, cho chim ăn, uống nước, trò chuyện với chim, Cún lại không quấy nhiễu mọi người, cũng bớt hỏi bố đâu nữa.

Thấy nó có vẻ quấn lấy lồng chim, tôi cũng yên tâm, càng có thời gian ôn bài.

Một tháng sau, đang đi học về, Quân gặp tôi, cố đạp xe theo kịp để chào.

- Dạo này em bận học sao anh chẳng thấy mặt mũi đâu?

Tôi vẫn cố đạp, lờ đi coi như chưa nghe thấy.

- Chim của Cún dạo này còn ăn đều không?

- Không ăn thế anh muốn nó bị chết à?

- Nắng thế này, rất nhiều con bị đi ngoài phân trắng.

- Anh muốn chim nó cũng bị thế sao mà nói vậy?

Tôi chui qua cổng đã đóng lại cánh cửa cổng ngay trước mặt Quân, hắn chỉ kịp kêu ơ đầy ngạc nhiên.

Không ngờ, thằng Cún đứng bên cầu ao. Nó lao ra mở khuy cổng, dắt tay Quân bước vào đường hoàng như một vị khách, Cún vênh mặt:

- Chú Quân chim tới trị bệnh cho chim cu gáy. Cháu hẹn mãi chú mới tới đó.

Chẳng biết hắn cho chim uống thứ thuốc gì, sáng hôm sau, chim hết đi ngoài phân trắng thật, lại hót gù suốt trưa.

Cún quý hắn hơn cả dì của nó. Suốt ngày khen ngợi tài của chú Quân chim giỏi nhất làng.

Tôi cảm nhận thấy điều đó mỗi khi nó nói chuyện về chim, về chú Quân. Tôi gườm gườm mắt nhìn Cún, Cún vẫn thao thao nói, coi như không biết chính câu chuyện đã khơi lên sự hậm hực trong lòng tôi với đối phương.

Mùa thi đến, tôi lao vào đèn sách, mặc kệ Cún với lồng chim và những câu chuyện về chú Quân của nó.
Hoa sao vẫn nở đỏ nhay nháy đầu ngõ, những vệ tinh lượn lờ bên tôi đã thưa dần và mất hẳn, họ đều nhanh chóng tìm được đối tác để cùng ký vào bản kết hôn, chẳng còn ai đủ kiên trì chờ tôi học xong, đủ lớn lên tới lúc nghĩ tới chuyện yêu đương nữa. Thế mới biết, tất cả lời tỏ tình đều là thứ đầu môi chót lưỡi, nào có ai thực sự chờ mình đâu, nào có ai thực sự yêu mình đâu.

Những lúc nghỉ học về thăm nhà, gặp mấy anh trai làng từng ngấp nghé tán tỉnh tôi, nay đã bế con nhỏ trên tay ra sân xem đá bóng, tôi chỉ tủm tỉm cười thay lời chào.

Đầu ngõ, màu hoa sao đỏ nhoi nhói.

* *
*

Cuối cùng thì cũng đến ngày nhận bằng tốt nghiệp. Đám bạn rủ tôi ra quán làm một chầu say tới bến, dù sao cũng giã từ giảng đường đại học với những ngày tháng ngồi mòn mỏi trên băng ghế nhà trường.

Cả mấy tháng đánh đu trên khắp đường phố, các điểm giới thiệu việc làm mà vẫn không nơi nào thèm nhận. Họ đều không hề để ý tới tấm bằng nông nghiệp. Đứa bạn gặp tôi bên quán trà đá vỉa hè, cho tôi một địa chỉ công ty, nó bảo bằng của tôi có vẻ dùng được ở đây, với lại công việc này sẽ hợp với tính lãng mạn của tôi, cứ thử đến xem. Ở đâu, tôi hấp tấp. Bạn tôi cười ngất, bạn nghĩ là ở thành phố chắc, phải về quê thôi, một vùng ngoại ô.

Biết làm thế nào. Tôi học xong, muốn ở lại đây nhưng không có một công ty nào chịu chìa tay nhận tôi, có lẽ tôi phải về vùng quê.

Tôi điện báo cho cô bạn thân, nó đang chuẩn bị lấy chồng, bảo: "Tôi định bảo bà về quê ngay nhưng bà cứ muốn cố níu, bây giờ bà về, tôi mừng. Cuối cùng thì bố mẹ chúng ta muốn gì sau khi ta có tấm bằng, đó là con cái dựng vợ gả chồng rồi đẻ ra mấy nhóc con. Thật đấy, rồi chẳng mấy mà bà lên xe hoa như tôi, sắp xếp công việc xong, nhớ về dự đám cưới đấy".

Tôi quyết định điện thoại cho Công ty Thanh Sắc. Người trực đầu dây bên kia cho tôi một lịch hẹn gặp.

Đúng hôm hẹn đến công ty phỏng vấn thì bố điện lên, giục:

- Cún nó ốm nặng lắm, con về ngay đưa cháu lên tuyến trên giúp chị chứ chị con biết gì đường đất mà đi.

- Con có hẹn phỏng vấn hôm nay.

Bố thở dài:

- Không xin chỗ này thì chỗ khác, bố thấy con phỏng vấn bao nhiêu cuộc rồi có được đâu. Cháu mệt lắm, sốt cao, ho rũ rượi, đã uống nhiều thuốc đều vô tác dụng.

- Đành vậy. Bố cứ bảo mọi người chuẩn bị đi, con về ngay đưa cháu lên bệnh viện.

Tôi mở máy, mấy lần mới quyết định gọi. Đầu dây bên kia khi nghe tôi lí nhí trình bày lý do xin hoãn buổi gặp mặt, lúc đầu còn im lặng, sau cũng đồng ý. Tôi thở phào, thốt lên, cảm ơn công ty, cảm ơn giám đốc. Tôi khoác ba lô lao ra bến xe để về quê.

Thằng Cún người còn một dúm, thở không ra hơi sau mỗi trận ho, tôi chạm tay vào trán nó, sốt hầm hập, trên bốn mươi độ chứ không ít. Chị Hai bảo nó không chịu ăn gì đã hai hôm nay. Tôi lo lắng, không khéo nó viêm phổi rồi, cứ uống thuốc lăng nhăng mãi không khỏi.

Bố mẹ đã đóng gói hành lý chuẩn bị lên đường.

Cún mở mắt, nhìn thấy tôi thì ôm chầm lấy, tay chỉ lên lồng chim:

- Chim của cháu ốm sắp chết rồi, dì cứu chim cho cháu.

- Bây giờ còn chim cò gì nữa. Người ốm không lo, đi lo cho chim, dì đưa cháu lên bệnh viện khám mau.

- Ứ không, cháu không đi đâu, cháu không để chim chết đâu. Dì đi gặp chú Quân xin thuốc chữa bệnh cho chim đi đã. Cháu đi bệnh viện bây giờ, ở nhà ai chăm chim đây.

- Hay tại cái lồng chim vớ vẩn này mà cháu bị lây bệnh đấy.

- Không phải, chim của cháu ngoan mà - Cún òa khóc.

- Thôi nín đi, ấy là dì giả dụ vậy, không phải thì tốt. Rồi dì sẽ nhờ chú Quân.

Đôi cu gáy đã sinh một đôi chim con, nay tự dưng lăn đùng ra ốm lây truyền, ỉa phân trắng, không thuốc gì chữa được, năm trước cũng bị một trận như thế, Quân có về qua chơi, cho thuốc đã khỏi bệnh, nay lại dở chứng, chị Hai kể.

- Sao không bảo ông bà hay mẹ Cún đi xin mà sai dì.

Nghe tôi hỏi, thằng bé mếu máo:

- Nhưng mà chú Quân đi làm xa rồi, chỉ có dì mới đi được thôi.

- Chú ấy làm ở đâu?

- Cháu không biết. Dì lên thành phố, chú Quân cũng thế. Người lớn đều lên thành phố hết rồi.

- Thế thì tốt rồi, dì đưa Cún lên thành phố khám chữa bệnh trước, rồi dì đi gặp chú Quân xin thuốc luôn, được không?

Thằng bé đã chịu ra xe, yên tâm để lồng chim ở nhà đợi thuốc của chú Quân đến.

Cún bị viêm phế quản nặng. Bác sĩ mắng chị Hai không chịu đưa cháu đi bệnh viện sớm, cứ tự đi mua thuốc rồi cho cháu uống thuốc linh tinh giờ đâm kháng thuốc, khó điều trị, phải nhập viện ngay. Chị em tôi toát mồ hôi.

Nhập viện cho Cún xong, sáng hôm sau tôi vội vàng đến Công ty Thanh Sắc. Thì ra Thanh Sắc vốn là công ty chuyên nuôi trồng, kinh doanh sinh vật cảnh, nằm ven đường quốc lộ, rộng cả mấy héc ta. Cả một rừng hoa: lan, huệ, hồng, lay ơn và cây cảnh nghệ thuật, cùng vài trăm lồng chim chóc: chào mào, cu gáy, chích chòe, khuyên, vẹt... đua sắc khoe thanh đón chào tôi, đúng là một nơi làm việc lý tưởng với ngành nông nghiệp của tôi.

Giữa rừng hoa địa lan, tôi gặp một người công nhân dong dỏng cao đang tưới hoa hỏi để gặp giám đốc, thì người đó chỉ đường, qua hết dãy địa lan, rẽ trái, tới vườn phong lan, cuối vườn là phòng giám đốc. "Mà cô gặp giám đốc có việc gì thế?". Người này ngẩng lên, cả tôi và anh ta đều ngỡ ngàng khi nhận ra nhau.

- Anh Duy sao?

- Ồ, là em ư Sao?

Tôi đứng như bù nhìn giữa rừng hoa. Anh Duy chính là bố của Cún, vì đam mê cờ bạc mà cắm cả "sổ đỏ", rồi đánh vợ, khiến chị Hai tôi phải bế con về nhà đẻ. Nghe tin anh được một bà góa giàu có rước về, từ đấy tới nay, chúng tôi đã cắt đứt liên lạc với anh.

Đợi tôi uống chén nước, anh Duy ngậm ngùi kể. Sau đó thì bà ấy cũng tống anh ra đường như tống một mớ giẻ rách. Anh đã từng đứng trên cầu muốn kết thúc cuộc đời mình cho nhanh thì anh Quân, giám đốc Công ty Thanh Sắc, lúc ấy mới thành lập, còn phải tự mình đi xuống bờ sông lấy đất phù sa về để trồng cây thử nghiệm đã gặp, khuyên can, cưu mang đưa anh về đây. Mà anh ấy đang đến đây này.

- Anh Quân, có khách.

Tôi gần như bật dậy:

- Anh Quân!

- Em?

Chúng tôi cùng nghẹn lời.

Quân bắt chặt tay tôi, phá tan bầu không khí im lặng:

- Là em thật sao, lâu ngày không gặp. Bây giờ thì em đã lớn rồi, lớn quá rồi.

- Còn anh, không ngờ anh Quân chim ngày xưa lại là giám đốc rồi chứ.

- Có gì đâu, chỉ là anh mở một mảnh vườn... nhưng chẳng được học hành bài bản, rất cần một người có kiến thức làm trợ lý như em đấy.

* *
*

Tôi dẫn anh Duy và Quân tới bệnh viện thăm Cún, cả nhà cũng ngỡ ngàng. Trước mặt cả bố mẹ tôi, chị Hai, anh Duy ấp úng xin lỗi và hứa không bao giờ chơi cờ bạc nữa, mong chị và bố mẹ tha thứ cho.

Chị Hai khóc rấm rức chạy ra khỏi buồng, Cún giục: "Bố theo dỗ mẹ nín đi!"

Anh Duy chạy đuổi theo.

Cún quấn lấy Quân mà hỏi chuyện, nó thắc mắc sao chú Quân đi đâu mà lâu về thăm nó. Quân xoa đầu thằng bé: "Chú bận đi làm, giờ đã về rồi, sẽ có thuốc chữa cho chim của Cún, được chưa".

Khi bầy cu gáy của Cún và chủ nó khỏi ốm cũng là lúc Quân chính thức cầu hôn với tôi. Lúc ấy, tôi thực sự bị đốn tim toàn phần.

Đúng ngày hôn lễ, cánh thanh niên trong vùng mỗi người xách một lồng chim tới ăn cưới.

Đêm tân hôn, tôi thỏ thẻ hỏi anh cái chuyện ăn cưới lạ lùng này. Anh cười, hôn vào môi tôi, bảo:

- Chẳng thằng trai làng nào tán được em, nên chúng dám thách anh, nếu anh cưa đổ giàn hoa sao này, mỗi thằng phải nộp một lồng chim đẹp nhất nhà cho anh. Còn không, anh mất cả vườn chim cho chúng nấu miến.

- Thì ra anh vì thách đố mà theo đuổi em - tôi hờn dỗi.

Anh ôm tôi vào lòng, thủ thỉ:

- Thực ra là anh đã thích em từ lâu rồi. Nên anh tự tin nhận lời thách đố để bọn nó không còn cơ hội theo đuổi em nữa. Với lại, bọn nó không hề biết rằng trước đó anh đã cài được một lồng cu gáy vào nhà em.

Nguyễn Thu Hằng (Chuyên trang Văn nghệ Báo Hải Dương Online)