Tôi muốn mua xe đưa về Việt Nam, làm thế nào?

* Trả lời:

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn là lao động làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) theo hợp đồng lao động. Do đó, việc bạn mua xe gửi về Việt Nam trong thời hạn hoặc hết thời hạn làm việc tại Đài Loan không thuộc trường hợp người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài mang xe về Việt Nam theo diện tài sản di chuyển mà thuộc trường hợp nhập khẩu xe về Việt Nam thông thường không nhằm mục đích thương mại.

Tại câu hỏi của bạn, vì bạn không nói rõ rằng xe bạn muốn mua là xe ô tô hay xe máy, nên chúng tôi xin được trả lời theo 02 trường hợp sau đây:

1. Trường hợp nhập khẩu mô tô hoặc xe gắn máy:

Theo quy định tại Phụ lục I Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài (“Nghị định 187/2013”) và Thông tư 143/2015/TT-BTC về quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại do Bộ Tài chính ban hành (“Thông tư 143/2015”) thì mô tô, xe máy đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu vào Việt Nam.

Do đó, trong trường hợp bạn muốn mua mô tô, xe máy để gửi về Việt Nam thì bạn chỉ thực hiện được nếu chiếc mô tô, xe máy đó là xe mới 100% và phải đáp ứng thêm các điều kiện sau:

- Xe mô tô, gắn máy phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe mô tô, xe gắn máy (QCVN14: 2011/BGTVT);

- Xe mô tô, gắn máy phải thuộc loại được phép đăng ký, lưu hành tại Việt Nam (trừ trường hợp nhập khẩu, tạm nhập khẩu không đăng ký, lưu hành để làm mẫu, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, triển lãm, nghiên cứu, thử nghiệm); và

- Trường hợp nhập khẩu theo hình thức quà biếu, quà tặng thì trong 01 (một) năm, chỉ được nhập khẩu 01 xe gắn máy do cá nhân nước ngoài biếu, tặng.

Nếu xe mô tô, gắn máy của bạn đáp ứng được các điều kiện nêu trên thì bạn có thể nhập khẩu xe về Việt Nam.

2. Trường hợp nhập khẩu xe ô tô về Việt Nam:

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 và Phụ lục I Nghị định số 187/2013 và Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2006 của Liên Bộ Thương mại-Bộ Giao thông Vận tải-Bộ Tài chính-Bộ Công an về việc hướng dẫn nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi đã qua sử dụng, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 19/2009/TT-BC (“Thông tư liên tịch 03/2006”), bạn được quyền nhập khẩu xe ô tô mới và cũ về Việt Nam, xe nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Không phải là loại xe có tay lái bên phải (kể cả dạng tháo rời và dạng đã được chuyển đổi tay lái trước khi nhập khẩu vào Việt Nam);

- Không bị thay đổi kết cấu để chuyển đổi công năng so với thiết kế ban đầu hoặc bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ;

- Xe không bị tháo rời khi vận chuyển  hoặc nhập khẩu;

- Nếu xe ô tô là loại đã qua sử dụng thì xe đó không thuộc loại đã sử dụng quá 5 (năm) năm, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu.

3.  Thủ tục nhập khẩu xe về Việt Nam:

Để nhập khẩu xe mô tô, gắn máy và xe ô tô về Việt Nam, bạn cần chuẩn bị hồ sơ nhập khẩu gồm các giấy tờ dưới đây và nộp tại Chi cục Hải quan tại cửa khẩu nhập khẩu, gồm có:

a) Giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy: 02 bản chính;

b) Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương: 01 bản chụp;

c) Tờ khai hàng hóa nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

d) Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với ô tô): 01 bản chính;

đ) Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng xe gắn máy nhập khẩu (đối với xe gắn máy): 01 bản chính;

e) Giấy ủy quyền trong trường hợp bạn uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe (nếu có): 01 bản chính.

Thủ tục được thực hiện tại Chi cục Hải quan nơi nhập khẩu.

(Điều 5 Thông tư 143/2015)

4. Các loại thuế phải nộp khi nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy:

Khi nhập khẩu xe ô tô, gắn máy về Việt Nam, bạn phải nộp các loại thuế sau: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.

a. Thuế nhập khẩu:

Do bạn không thông tin rõ về loại xe dự định mang về Việt Nam, bao gồm số chỗ ngồi, dung tích xilanh… do đó, để biết mức thuế suất nhập khẩu áp dụng, bạn tham khảo quy định chi tiết tại  Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan (“Nghị định 122/2016”).

b. Thuế tiêu thụ đặc biệt:

Theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung bởi: Luật số 70/2014/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13 của Quốc hội (“Luật thuế tiêu thụ đặc biệt”):

Thuế tiêu thụ đặc biệt = (Giá tính thuế nhập khẩu + Thuế nhập khẩu) x Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt

c. Thuế giá trị gia tăng:

Theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Luật thuế Giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 31/2013/QH13; Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13 của Quốc hội  (“Luật thuế giá trị gia tăng”):

Thuế giá trị gia tăng = (Giá tính thuế nhập khẩu + Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thụ đặc biệt) x Thuế suất giá trị gia tăng

Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật thuế giá trị gia tăng thì thuế suất giá trị gia tăng áp dụng là 10%.

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính, 
Thanh Xuân, Hà Nội