Đàn bầu đậm nét tinh hoa văn hóa Việt Nam

 Biểu diễn đàn bầu

Đàn bầu hay còn gọi là Độc Huyền Cầm là một nhạc cụ thuần Việt nhất và cũng được coi là một trong số những cây đàn độc đáo của thế giới, nhưng cấu tạo lại rất đơn giản. Những vật liệu làm ra cây đàn Bầu là các loại cây tre, bương, vầu, vỏ quả bầu..., những vật liệu dễ kiếm gần gũi trong đời sống người Việt.

Trước kia, thân đàn bầu được làm bằng một đoạn ống tre, ống bương, ống vầu thì nay được làm bằng hộp gỗ hình chữ nhật dài khoảng trên dưới 1 mét. Một đầu to có bát âm làm từ vỏ quả bầu khô với cần đàn nối với dây đàn, đầu bên kia nhỏ hơn có dây đàn gắn với cần chỉnh dây. Bầu đàn làm bằng đầu cuống quả bầu hoặc gỗ tiện giống quả bầu. Cần đàn làm bằng sừng tre dẻo dài khoảng 50-70 cm, sau này thay bằng sừng trâu.

Dây đàn làm bằng dây móc xe lại hoặc dây mây, dần thay bằng dây tơ, sau này thay bằng dây sắt. Khi chơi đàn người chơi gảy bằng ngón tay, móng hay que gảy, phát ra âm thanh do va chạm trực tiếp, 1 lần, tạo ra "âm thực", kết hợp với việc rung cần đàn tạo ra nhiều âm thanh có các cao độ khác nhau với âm sắc trong trẻo, quyến rũ. Đây cũng là nét độc đáo của loại nhạc cụ tiêu biểu Việt Nam được thế giới ghi nhận. Nghệ sĩ đàn bầu Kim Thành cho rằng: "Nét nổi bật của đàn bầu là tạo ra tiếng đàn là sóng bồi âm. Đàn bầu có hai phần chính: phần cầm que tạo ra tiếng đàn và dùng cần đàn để nhấn cao độ lên và xuống. Cây đàn bầu độc đáo về cách sử dụng là như thế. Thường các cây đàn khác bật bằng dây buông, như đàn ghi ta có phím để thay đổi âm vực khác nhau, nhưng cây đàn bầu thì cái chặn dây lại bằng tay thay cho phím đàn".

Do cấu tạo, hình dáng độc đáo, tạo nên nét ngân rung, tiếng đàn bầu qua cần rung biến ảo, phù hợp với tình cảm, ngôn ngữ của người Việt. Nó ngân lên các cung bậc sâu thẳm của tâm hồn. Với đặc tính độc đáo như thế, trải qua quá trình lịch sử, đàn bầu tham gia vào các thể loại nghệ thuật dân gian của Việt Nam như: hát xẩm, hát chèo, cải lương, đờn ca tài tử Nam Bộ, tham gia ban nhạc Ngũ tuyệt ở cung đình Huế...

Đàn bầu chính là sự sáng tạo, một phát kiến của người Việt. Theo nghiên cứu của PGS-TS Đặng Hoành Loan, nguyên Viện Phó Viện Âm nhạc Việt Nam, đàn bầu xuất hiện tại Việt Nam từ rất sớm. Đàn bầu là cây đàn một dây và không giống bất cứ cây đàn một dây nào trên thế giới. PGS-TS Đặng Hoành Loan cho rằng: "Đàn bầu Việt Nam cũng giống như dân ca Việt Nam, nó ra đời từ khi người Việt Nam biết mình là người Việt Nam. Có ba việc cần làm hiện nay, đó là nhanh chóng tổ chức hội thảo toàn quốc hoặc hội thảo quốc tế để tìm tiếng nói của cộng đồng quốc tế và trong nước khẳng định đàn bầu là của Việt Nam và sau việc đó phải xây dựng đệ trình hồ sơ quốc gia về cây đàn bầu và việc nữa là cần lập cuốn từ điển âm nhạc truyền thống Việt Nam, làm cơ sở văn bản nghệ thuật đàn bầu Việt Nam".

Cây đàn bầu luôn xuất hiện trong đời sống sinh hoạt của người Việt, trên sân khấu nghệ thuật truyền thống và đương đại. Trong số các chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam phục vụ du khách quốc tế, cũng như các đoàn đi biểu diễn ở nước ngoài luôn có tiết mục đàn bầu. Từ việc chỉ chơi những bản nhạc dân gian thì ngày nay, đàn bầu cũng thể hiện được những bản nhạc Pop, World music... Nhiều khán thính giả nước ngoài vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi nghe giai điệu của đàn bầu, cây đàn một dây của Việt Nam có thể chơi các bản nhạc cổ điển trên thế giới.

Nếu để chọn ra một cây đàn đại diện cho nhạc cụ Việt Nam, có khả năng giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam thì chắc chắn đó là cây đàn bầu...

(VOV5)