Ủy ban Nhà nước về NVNONN hỗ trợ tối đa việc dạy và học tiếng Việt cho kiều bào

 Thứ trưởng Vũ Hồng Nam phát biểu tại buổi gặp các giáo viên
tại Khóa tập huấn tiếng Việt 2016

PV: Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN vừa diễn ra thành công, xin Thứ trưởng cho biết trong tương lai Ủy ban Nhà nước về NVNONN (Ủy ban) có kế hoạch đẩy mạnh hơn nữa công tác dạy và học tiếng Việt như thế nào?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Trước tiên, tôi khẳng định rằng chủ trương của Ủy ban Nhà nước về NVNONN là phải hỗ trợ để làm sao nơi nào có người Việt thì nơi đó có hệ thống dạy tiếng Việt. Có như vậy, chúng ta mới duy trì được tiếng Việt cho các thế hệ thứ 3, thứ 4… là những thế hệ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Khóa tiếng Việt của Ủy ban tổ chức nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên có thể phủ kín ở những nơi có cộng đồng người Việt. Thông qua khóa học tiếng Việt, chúng tôi cũng hiểu hơn về nhu cầu của bà con và các đề nghị về sách giáo khoa, việc hiệu đính, hiệu chỉnh sách giáo khoa như thế nào để phù hợp với các địa bàn; các giáo cụ trực quan; cơ sở vật chất…

Các khóa tiếng Việt đều đã diễn ra thành công. Tất cả các giáo viên đều nhận thấy rằng việc duy trì thường xuyên khóa tập huấn tiếng Việt sẽ tạo điều kiện để các giáo viên nâng cao trình độ giảng dạy. Chính vì thế, chúng tôi cũng cam kết với bà con các khóa tập huấn tiếng Việt sẽ duy trì đều đặn để có thể nâng cao được chất lượng giảng dạy cho nhiều giáo viên hơn nữa nhằm phục vụ công tác giảng dạy tiếng Việt cho NVNONN tốt hơn.

Tại khóa tập huấn tiếng Việt, các giáo viên cũng đã đưa ra một số ý tưởng hay như: tổ chức tập huấn tiếng Việt ở những địa bàn có đông giáo viên; tạo nên sự “nhân bản”, có nghĩa chúng ta đào tạo các thầy cô giáo tại Việt Nam và những giáo viên này sẽ tổ chức lớp tập huấn cho những giáo viên ở khu vực đó mà chưa có khả năng về Việt Nam; tham gia vào hoạt động phát triển tiếng Việt với các hệ thống của các nước bạn; dùng thầy giáo dạy tiếng Việt của nước bạn để dạy cho người Việt chứ không nhất thiết phải là giáo viên người Việt.

PV: Vậy sau khi nghe những đề nghị, ý tưởng của giáo viên kiều bào qua Khóa tập huấn tiếng Việt này thì Ủy ban Nhà nước về NVNONN sẽ có những hành động cụ thể như thế nào để đưa các ý tưởng đó đi vào thực tế?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Chúng tôi phải tập hợp lại để xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ vì công tác này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực như: Bộ Giáo dục & Đào tạo liên quan đến giáo trình, việc cấp chứng chỉ dạy tiếng Việt; Bộ Tài chính về ngân sách; Bộ Kế hoạch & Đầu tư với các dự án xây dựng trường, lớp…

Chúng tôi cần xin ý kiến các bộ, ngành, sau đó sẽ đặt ra các chương trình trọng điểm cho các năm. Yêu cầu của bà con kiều bào rất nhiều nhưng không phải yêu cầu nào chúng ta cũng giải quyết hết được. Chúng ta phải có những mục tiêu ưu tiên. Tôi cho rằng, trong các yêu cầu đó thì mục tiêu ưu tiên trước hết là sách giáo khoa. Học sinh càng ngày càng đông nhưng số lượng sách giáo khoa chưa đủ để đáp ứng hết. Các giáo viên cũng đã đưa ra ý kiến rằng việc xây dựng giáo trình dạy học trên mạng internet là rất tốt, tuy nhiên nhiều nơi không có công nghệ thông tin cao để sử dụng được; nếu in sách ra mà không đẹp thì cũng khó tạo hứng thú học cho các cháu. Tôi nghĩ đó cũng là nguyện vọng chính đáng của bà con, Ủy ban sẽ cố gắng tối đa để có thể cung cấp đầy đủ sách cho các cháu học tiếng Việt.

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các giáo viên 

PV: Có điều kiện gì đặt ra để giáo viên có thể tham gia khóa tập huấn tiếng Việt không, thưa ông?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: 4 khóa tập huấn tiếng Việt vừa rồi chúng tôi tổ chức ở quy mô thí điểm, số lượng còn ít, lấy theo đại diện của các địa bàn. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy nhu cầu tham gia tập huấn của các giáo viên ngày càng tăng và hiệu quả của lớp tập huấn rất tốt. Chúng tôi sẽ mạnh dạn mở rộng hơn nữa vào các năm sau.

Trong thời gian tới, tôi nghĩ rằng sẽ không có hạn chế gì. Bất kỳ giáo viên nào có nhu cầu đăng ký qua cơ quan đại diện và chúng tôi xác nhận họ có đủ tư cách là giáo viên thì chúng tôi sẽ tiếp nhận và không có hạn chế về số lượng.

PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các đại sứ quán, gia đình và hội đoàn cộng đồng trong việc hỗ trợ dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Hiện nay các cơ quan đại diện ngoại giao của chúng ta có nỗ lực rất lớn trong hỗ trợ dạy và học tiếng Việt, kết nối được nhu cầu học tiếng Việt của cộng đồng với Ủy ban thông qua việc theo dõi, vận động. Rất nhiều cơ quan đại diện khi cử cán bộ về nước công tác đều mang sách giáo khoa sang cho các cháu; hay cho cộng đồng mượn phòng để tổ chức lớp học nếu bà con chưa thể có trường hoặc lớp học riêng; truyền tải các thông tin về tình hình nhu cầu của bà con với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước để có sự hỗ trợ.

Nhưng tôi cho rằng điều quan trọng nhất để gìn giữ tiếng Việt là gia đình. Đặc biệt là người mẹ có vai trò nòng cốt trong việc định hướng cho con cái học tiếng Việt và hiểu nền văn hóa Việt Nam. Bởi vậy, chúng tôi dự kiến sẽ có một chương trình dành cho phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài. Đối với những gia đình ở riêng lẻ không có điều kiện tiếp cận với trung tâm học tiếng Việt thì người mẹ chính là giáo viên dạy cho các con em. Bởi vậy, khi Bộ Giáo dục & Đào tạo xây dựng bộ giáo trình trên mạng thì chúng tôi đã tính đến trường hợp này. Các giáo trình có thể phổ cập đến khả năng những người mẹ cũng có thể sử dụng được mà không cần kỹ năng sư phạm.

Còn các hội đoàn cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường cho các cháu học tiếng Việt. Điều này thể hiện rõ khi chúng ta nhận thấy ở đâu tổ chức hội đoàn mạnh thì ở đó phong trào học tiếng Việt phát triển rất tốt. Hội đoàn vững mạnh thì khả năng tập hợp, vận động, định hướng và hỗ trợ cho phong trào học tiếng Việt rất tốt. Những nơi không có hội đoàn thì việc học tiếng Việt còn có hạn chế. Bởi vậy, vai trò của hội đoàn cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Ủy ban sẽ có những hỗ trợ cho các hội đoàn trong vấn đề này. Chẳng hạn, chúng tôi đã hỗ trợ các hội đoàn ở Campuchia bằng việc vận động các doanh nghiệp xây dựng các nhà đa năng vừa là nơi sinh hoạt cho cộng đồng vừa là trường, lớp học tiếng Việt cho các cháu.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Thủy Nguyên