Lịch sử và Văn hóa dân tộc khơi nguồn cảm hứng cho giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài

 

Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2016 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức là năm thứ tư liên tiếp, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và phổ biến giáo trình dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN.

Bên cạnh những ngày tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn được các nhà sư phạm, chuyên gia ngôn ngữ của các trường đại học trực tiếp lên lớp, Ban tổ chức cũng tổ chức xen lẫn các hoạt động ngoại khóa dành cho các thầy cô về tham dự khóa học như vào Lăng viếng Bác, tham quan Khu di tích Phủ Chủ tịch, Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hạ Long, thăm Chùa Bái Đính, Nhà thờ đá Phát Diệm, Khu Di tích Tràng An… nhằm tạo điều kiện cho các thầy cô có thêm nhiều tư liệu, hình ảnh trực quan sinh động về quê hương đất nước cho các bài giảng dạy tiếng Việt.

 Đoàn vào Lăng viếng Bác

Trong hoạt động ngoại khóa đầu tiên của Khóa học, hôm nay các thầy cô giáo đã vào Lăng viếng Bác, tham quan nơi ở và làm việc những năm cuối đời của Người ở Khu di tích Phủ Chủ tịch. Tại đây các thầy cô đã được nghe những câu chuyện, những thước phim xúc động về sự hy sinh lớn lao mà Người dành cho đất nước dân tộc. Đến với Văn Miếu – Quốc Tử Giám, các thầy cô được tìm hiểu về lịch sử các công trình kiến trúc, lịch sử khoa cử và đào tạo hiền tài cho đất nước.

Tham gia những hoạt động ý nghĩa này, cô Lê Thị Kim Dung (giáo viên dạy tiếng Việt tại Campuchia) chia sẻ: Đây không phải là lần đầu tiên tôi được vào lăng viếng Bác và tham quan di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Nhưng đối với tôi đây là lần hết sức đặc biệt bởi được nghe rất nhiều câu chuyện cảm động về Bác, về văn hóa lịch sử, về việc tôn trọng hiền tài của cha ông qua việc vinh danh dựng bia ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Chúng tôi cho rằng, đây sẽ là những dữ liệu và là nguồn cảm hứng sống động để chúng tôi truyền tải tới học sinh qua những bài giảng của mình. Hình ảnh Bác Hồ và các danh lam thắng cảnh, các câu chuyện lịch sử, danh nhân đất Việt luôn được chúng tôi đề cập tới trong mỗi bài giảng của mình để các em hiểu và yêu văn hóa, lịch sử cội nguồn. Tôi cũng rất hy vọng một ngày không xa các học sinh của tôi cũng sẽ được trở về quê hương, được vào Lăng viếng Bác, được thăm các danh lam thắng cảnh của quê hương. Tôi cho rằng điều đó sẽ có rất ý nghĩa rất lớn với việc học tiếng Việt của các em.

Còn đối với bạn Nguyễn Ngọc Tuyết - người chuẩn bị tham gia công tác giảng dạy tiếng Việt cho con em kiều bào tại Tây Ban Nha - thì qua khóa tập huấn này, Tuyết không những học hỏi về phương pháp giảng dạy từ các chuyên gia kỳ cựu của các cơ sở đào tạo trong nước, mà còn mong muốn học tập từ các giáo viên kiều bào trong đoàn, những người đã có nhiều kinh nghiệm thực tế. Tuyết cũng dự định trong tương lai khi giảng dạy tiếng Việt cho các em nhỏ con em kiều bào, sẽ truyền tải cả hình ảnh quê hương đất nước, danh lam thắng cảnh và đặc biệt là những câu chuyện cảm động về Chủ tịch Hồ Chí Minh - người Việt Nam tiêu biểu - vào bài giảng của mình. Em hy vọng mình sẽ được đi và đến nhiều nơi hơn nữa để có thêm nhiều trải nghiệm, thêm nhiều tư liệu và hiểu biết để giới thiệu với học sinh của mình.

Truyện kể về cây đa kiên trì: Khoảng tháng 9/1965, anh em làm vườn trong Phủ Chủ tịch thấy những rễ đa nhỏ từ trên cành buông xuống lơ lửng giữa lối đi. Vì sợ những rễ cây này lớn dần làm vướng lối đi của Bác, nên anh em phục vụ định cắt bỏ. Biết được ý định đó, Bác không tán thành và gợi ý nên tìm cách kéo rễ đa xuống đất, nhưng làm sao cho không vướng lối đi, đồng thời tạo thêm cho cây có một thế vững chắc và đẹp. Hiểu được ý Bác, nhưng anh em phục vụ không nghĩ ra được cách nào để thực hiện yêu cầu ấy. Thế rồi Bác lại bày cho mọi người cách làm. Đầu tiên là chọn một cây bương (giống như cây nứa) có chiều dài hợp lý, đục rỗng các đốt bên trong, sau đó cho đất xốp vào lòng cây bương, ốp rễ đa vào giữa rồi dùng dây buộc chặt cây bương đó lại. Một đầu ốp chặt xuống đất theo vị trí cần thiết, đầu kia ôm lấy rễ đa. Tuy nhiên, để rễ đa có thể theo thân cây bương phát triển kéo dài xuống đất thì phải cần độ ẩm. Để không mất thời gian cho việc tưới nước thường xuyên lại ở vị trí khó khăn từ trên cao xuống, Bác lại gợi ý cho anh em chế tạo một bể nước tự động thiết kế cho tưới nhỏ giọt theo thân cây bương để nuôi rễ đa từ trên xuống. Mọi người thực hiện theo gợi ý của Bác, ngày tháng trôi đi, rễ đa đã bám chặt xuống đất tại vị trí bên kia đường, cách gốc chừng 3 mét, cùng với gốc ôm lấy lối đi. Khi “công trình” được hoàn thành, mọi người vui mừng báo cho Bác biết. Lúc này là vào năm 1968 (tức là 3 năm sau). Lúc ấy Bác Hồ vui vẻ nói với mọi người đại ý rằng, con người hoàn toàn có khả năng chinh phục và cải tạo được thiên nhiên. Đưa rễ đa xuống đất tuy là việc nhỏ nhưng để thực hiện được cũng không dễ dàng mà cần phải có lòng kiên trì và quyết tâm. Mọi công việc khác cũng vậy, khi đã có mục đích, có quyết tâm và kiên trì phấn đấu thì ắt sẽ thành công. Từ đó, mọi người trong Phủ Chủ tịch gọi cây đa ấy là cây đa kiên trì cho đến ngày nay.

Chị Lê Thị Minh Trang - giáo viên giảng dạy tiếng Việt tại Trung tâm Thương mại Praha, Séc - cho biết: "Trong mỗi bài giảng tiếng Việt cho các học sinh của Trung tâm chúng tôi đều bắt buộc phải có sự lồng nghép về những câu chuyện lịch sử hoặc bài hát quê hương đất nước, đặc biệt là ca khúc về Bác Hồ. Những câu chuyện và những ca khúc đó giúp bài giảng của chúng tôi không đơn điệu và còn khơi gợi tình cảm gắn bó với cội nguồn của các em. Có lẽ tôi cũng như các chị em trong đoàn đều mong muốn học sinh của mình sẽ trở về quê hương, được đến nhiều nơi để hiểu hơn và thêm yêu tiếng Việt, yêu cội nguồn dân tộc".

Câu chuyện về cây đa kiên trì trong khuôn viên Phủ Chủ tịch đã tạo ấn tượng rất sâu sắc đối với cô Lê Thị Bích Hường - giáo viên dạy tiếng Việt tại Ý. Cô tâm sự: Tôi cũng đến thăm nơi ở và nơi làm việc của Bác nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nghe câu chuyện về cây đa kiên trì. Câu chuyện về cây đa như gắn với công việc trồng người của chúng tôi ở xứ người - đều phải kiên trì, bền bỉ. Bác Hồ cũng đã dặn: Vì lợi ích mười năm trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm trồng người. Phía trước còn nhiều khó khăn nhưng tôi hy vọng sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho việc duy trì bản sắc Việt và cả quảng bá văn hóa Việt thông qua công tác giảng dạy tiếng Việt.

Công việc thầm lặng của các giáo viên giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài thật ý nghĩa. Nó như sợi dây vô hình kết nối thế hệ trẻ sinh ra lớn lên ở nước ngoài với quê hương đất nước. Những tấm gương của thế hệ cha anh đi trước cùng với tình cảm và trách nhiệm với thế hệ trẻ đã trở thành đề tài, chủ đề khơi nguồn cảm hứng bất tận trong các bài giảng của các thầy cô về tình yêu quê hương, đất nước con người Việt Nam.

Cảnh Tiêu