Khai mạc Khóa tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào

 Ông Trần Đức Mậu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (ngoài cùng bên trái) cùng các thầy cô và học viên tham dự khóa tập huấn

Khóa tập huấn với gần 60 học viên đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Campuchia, Lào, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sỹ, Pháp, Đức, Séc, Italy, Tây Ban Nha… Khóa tập huấn sẽ kéo dài từ ngày 8/8 đến ngày 20/8 với chương trình học chuyên môn cao cùng với các buổi học ngoại khóa, tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam tại các di tích lịch sử như Nhà thờ Đá Phát Diệm, Khu sinh thái Tràng An, Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình và Vịnh Hạ Long.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trần Đức Mậu - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đánh giá cao những nỗ lực của các học viên tham gia khóa tập huấn với mong muốn truyền giảng những kiến thức về tiếng Việt cho con em kiều bào để gìn giữ ngôn ngữ cũng như văn hóa của người Việt tại nước sở tại.

Ông cho biết thêm: "Chương trình dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam tại nước ngoài được tổ chức từ năm 2013, đặc biệt năm nay có số lượng học viên rất đông, điều đó cho thấy mức độ cần thiết của việc dạy và học tiếng Việt tại nước ngoài của bà con là rất lớn. Vì vậy, tôi hy vọng sau đợt tập huấn này, các thầy cô học thêm được những kỹ năng về giảng dạy, trang bị thêm những kiến thức mới từ các thầy cô có chuyên môn về ngôn ngữ tại các cơ sở đào tạo có uy tín tại Việt Nam".

Ông Trần Đức Mậu trao đổi bên lề với các học viên 

Trong lễ khai mạc, các học viên đều mong muốn được trang bị thêm phương pháp dạy học đạt hiệu quả cao và được cung cấp tài liệu chuẩn cho việc dạy tiếng Việt ở nước ngoài.

Trao đổi về vấn đề này, thầy giáo Nguyễn Thiện Nam - Chủ nhiệm khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết: “Thông qua khóa tập huấn lần này, các học viên sẽ được nâng cao về kỹ năng giảng dạy và hiểu biết hơn về tiếng Việt cũng như sự phong phú của ngôn ngữ Việt, từ đó giúp cho việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài đạt hiệu quả cao hơn”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai - giáo viên tiếng Việt trường Tiểu học Đông Hồ tại Đài Loan, chia sẻ: "Theo chiến lược phát triển giáo dục của Đài Loan, đến năm 2018, chương trình dạy tiếng Việt sẽ được phổ cập trong các trường học trên toàn quốc, vì vậy, hiện nay, Tiếng Việt đang được Chính phủ Đài Loan rất quan tâm. Với vai trò là một giáo viên tiểu học, tôi mong muốn sau khi tham gia khóa tập huấn sẽ trang bị thêm cho mình những kỹ năng mới trong việc truyền dạy tiếng Việt cho trẻ em người Việt tại Đài Loan".

Cùng với tâm trạng đó, chị Đào Lê Quỳnh Phan - giáo viên Trường ĐH Rajabhat Udonthani, Khoa học Nhân văn và Xã hội tại Thái Lan, cho biết: “Tôi tham gia khóa tập huấn này vì bản thân thấy tiếng Việt của mình chưa tốt, trong khi hàng ngày phải dạy lại các em, nên đôi lúc cũng gặp khó khăn. Vì vậy, tôi mong có một bộ sách tiếng Việt chuẩn và được các thầy cô ở đây truyền giảng thêm về kỹ năng sư phạm để tôi có thể dạy các em tốt hơn”.

 Các học viên chăm chú lắng nghe chia sẻ của giáo viên chuyên môn

Ngay sau Lễ khai giảng đã diễn ra chương trình Tọa đàm trao đổi về thực trạng dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và đề xuất các giải pháp với sự tham gia của các học viên và các thầy cô có chuyên môn cao và kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy Tiếng Việt tại Việt Nam.

Phạm Thúy