Quan hệ hợp tác Việt Nam-Thái Lan ngày càng phát triển mạnh mẽ

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam gặp gỡ Tổng hội người Việt toàn Thái 

PV: Xin Thứ trưởng cho biết những dấu mốc quan trọng nhất trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan trong 40 năm qua?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Từ 6/8/1976, lần đầu tiên hai nước Việt Nam-Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao, tạo bước ngoặt mở ra hướng phát triển trong quan hệ hai nước. Trong 40 năm qua, hai nước đã chứng kiến những dấu mốc rất quan trọng.

Chỉ hai năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, tháng 9/1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có chuyến thăm hữu nghị chính thức Thái Lan, trong chuyến thăm này hai bên đã ra thông cáo chung vạch đường hướng, tạo nền tảng cho quan hệ hai nước. Từ năm 1979 đến năm 1991, quan hệ hai nước gần như chững lại. Từ năm 1991 đến nay, quan hệ hai nước không ngừng được củng cố và ngày càng cải thiện, phát triển mạnh, nhất là sau khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN (năm 1995).

Bước sang thế kỷ 21, quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào ổn định, phát triển không ngừng cả về bề rộng lẫn chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực. Tháng 02/2004, tại Đà Nẵng và Nakhon Phanom, hai bên đã tổ chức thành công cuộc họp Nội các chung Việt Nam – Thái Lan lần thứ nhất, một loại cơ chế hợp tác cấp cao nhất của chính phủ lần đầu tiên Việt Nam có với nước khác. Nhân dịp này, Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã dự Lễ khánh thành Làng Hữu nghị Thái – Việt tại tỉnh Nakhon Phanom.

Cùng chia sẻ quyết tâm đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới, vào năm 2013, nhân chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 6/2013), Việt Nam và Thái Lan đã đi đến quyết định mang tính lịch sử chính thức nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược với 5 trụ cột hợp tác chính là chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, văn hóa xã hội và hợp tác khu vực và quốc tế. Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha (tháng 11/2014) hai bên đã ký Chương trình Hành động triển khai cụ thể tất cả các lĩnh vực hợp tác của quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2014-2018.

Trong thập kỷ thứ hai của Thế kỷ 21, mặc dù Thái Lan nhiều lần thay đổi chính phủ, nhưng quan hệ Đối tác chiến lược Thái Lan – Việt Nam vẫn duy trì được đà tiến tích cực. Các chuyến thăm cấp cao được thúc đẩy, gần đây nhất là chuyến thăm chính thức Thái Lan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, kết hợp họp Nội các chung Việt Nam – Thái Lan lần thứ 3 vào ngày 23/7/2015 và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Phó Thủ tướng Thái Lan Tanasak Patimapragorn trong tháng 6/2016. Việc duy trì được các cơ chế hợp tác thực chất và hiệu quả đã góp phần quan trọng giữ vững sự ổn định và tin cậy trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, vì lợi ích của Chính phủ và nhân dân của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.

PV: Xin ông cho biết mối quan hệ giữa Thái Lan và Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN (tháng 7/1995), quan hệ Việt Nam – Thái Lan tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, cũng như cho tiến trình hợp tác, liên kết của ASEAN. Trong hơn hai thập kỷ tiếp theo, hai nước đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN khác góp phần thúc đẩy sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam-Thái Lan đã và sẽ tiếp tục đóng góp hết sức tích cực và toàn diện vào 03 trụ cột hợp tác của ASEAN.

Là hai nước láng giềng gần gũi ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Thái Lan đều có nền văn minh lúa nước từ lâu đời và chia sẻ nhiều nét tương đồng về văn hóa và lối sống; các nghi lễ, lễ hội cũng có nhiều nét tương đồng, điển hình là lễ Tịch điền (ở Thái Lan goi là Lễ Raek Na Khwan), nghi lễ cúng thờ thần đất, thần nước, cũng như ảnh hưởng lớn của Đạo Phật tại cả hai nước. Đây là gốc rễ sâu xa dẫn đến tình cảm gần gũi giữa người dân hai nước và sự giao thoa thường xuyên về văn hóa, tinh thần giữa hai dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Thêm vào đó, nhờ đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt đông đảo tại Thái Lan, quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, thể thao, xã hội và giao lưu nhân dân đang ngày càng nở rộ, góp phần bổ trợ và làm phong phú thêm các nội dung hợp tác trong trụ cột văn hóa-xã hội của Cộng đồng ASEAN.

Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Thái Lan đang đóng góp hết sức quan trọng vào cả 3 trụ cột hợp tác của Cộng đồng ASEAN, giúp không ngừng nâng cao vị thế và vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và trên trường quốc tế, cũng như tích cực bổ trợ cho các hoạt động hợp tác, liên kết trong và ngoài khối của ASEAN.

PV: Hợp tác kinh tế Việt Nam – Thái Lan những năm gần đây có nhiều kết quả đặc biệt tích cực, ông có thể cho biết đánh giá về những kết quả đã đạt được và triển vọng trong thời gian tới?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Tôi rất vui mừng nhận thấy, trong thời gian qua, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Thái Lan phát triển hết sức nhanh chóng và tích cực, trở thành một trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Thái Lan.

Kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng. Kể từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN (năm 1995) cho đến nay, thương mại hai chiều tăng gấp 22 lần, từ mức khiêm tốn khoảng 0,5 tỷ USD (năm 1995) lên trên 11 tỷ USD (năm 2015). Trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch thương mại hai nước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2015, đưa Thái Lan đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN tính đến giữa năm 2016.  Hai nước đang quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỷ USD vào năm 2020.

Với đà tăng trưởng nhanh chóng của giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước hiện nay, cùng với vô số cơ hội mở rộng hợp tác kinh doanh do Cộng đồng kinh tế ASEAN mang lại, chắc chắn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Thái Lan sẽ tiếp tục là điểm sáng tiêu biểu trong quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Hiện có hàng loạt dự án lớn với tổng giá trị hàng chục tỷ USD của các tập đoàn Dầu khí Thái Lan PTT, tập đoàn Điện lực Thái Lan EGAT, tập đoàn SCG và tập đoàn Amata đang được xúc tiến bàn bạc và triển khai; nếu thành công sẽ đưa Thái Lan trở thành một trong những nước có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Thông qua tăng cường hợp tác, Việt Nam và Thái Lan có thể tạo nên một sức mạnh kinh tế to lớn và là một trong những động lực tăng trưởng cho khu vực Đông Nam Á của chúng ta.

PV: Cộng đồng người Việt Nam hiện sống rải rác ở nhiều tỉnh, thành trên đất nước Thái Lan. Thứ trưởng có thể cho biết Chính phủ Thái Lan đã có sự quan tâm, trợ giúp như thế nào đối với người Việt Nam tại Thái Lan?

Ông Vũ Hồng Nam: Trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Thái Lan, vấn đề kiều bào luôn là một vấn đề lớn trong chương trình nghị sự. Trước thời kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao, chính sách của bạn đối với kiều bào ta có một số hạn chế. Trải qua nhiều giai đoạn, nhưng dấu mốc quan trọng hơn cả là vào năm 1998, khi Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Thái Lan. Trong chuyến thăm này, hai nước đưa ra một số thỏa thuận. Kể từ đó, bạn đã cấp toàn bộ giấy tờ, quốc tịch cho tất cả công dân người Thái gốc Việt, những người Việt định cư lâu năm tại Thái Lan. Cho đến nay, hầu hết những người Việt di cư sang Thái Lan đều đã trở thành công dân của Thái Lan và đã được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi, trách nhiệm công dân của mình. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, tạo bước ngoặt lớn để bà con hòa nhập với xã hội Thái Lan. Bà con được quyền mua nhà cửa, được quyền kinh doanh, con em được đi học. Từ năm 2000 đến nay, sự phát triển về kinh tế của bà con tương đối mạnh. Có nhiều doanh nghiệp kiều bào thành đạt trên đất Thái. Đời sống của bà con thay đổi rất nhiều. Đặc biệt, các cháu được học hành, tạo ra một thế hệ trí thức người Việt. Người Việt tại Thái Lan có nhiều người giỏi, đặc biệt trên hai lĩnh vực pháp luật và ngoại 0 khoa. 

Hiện nay, với sự chấp thuận của Thái Lan, người Việt cũng có một tổ chức riêng của mình. Tổng hội người Việt Nam tại Thái Lan hoạt động tương đối hiệu quả với trên 10 chi hội trên toàn nước Thái. Đây là nơi để hướng dẫn bà con tuân thủ luật pháp của Thái, là nơi kết nối bà con trong cộng đồng. Ngoài sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng người Việt, tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Thái, Nhà vua Thái đối với bà con người Việt. Cộng đồng người Việt ở Thái Lan đã và đang trở thành một cộng đồng có vị thế và có vai trò lớn trong xã hội Thái Lan.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng.

Quế Hương