Cây cầu huyền thoại của Hà Nội trong lòng học giả phương Tây

 Cầu Long Biên những năm đầu thế kỷ XX qua ống kính
của một nhiếp ảnh gia người Pháp

Hơn 110 năm kể từ khi khánh thành đến nay, người Hà Nội đã kể không biết bao câu chuyện về cầu Long Biên và chắc chắn họ sẽ vẫn còn tiếp tục kể về cây cầu huyền thoại này. Đặc biệt, không chỉ với người Hà Nội, cầu Long Biên còn thu hút sự chú ý của cả những người nước ngoài từng đến tìm hiểu hay nghiên cứu về Hà Nội, Arnaud Le Brusq là một học giả nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Trong đó cuốn sách “Vietnam à travers l’Architecture coloniale”, ông đã kể lại câu chuyện về buổi đầu khi mới ra đời của cây cầu nổi tiếng này như sau:

Trong làn sương mù dày đặc của tháng 2, càng lên cao con dốc dẫn tới cầu Long Biên thì những tiếng kêu inh ỏi từ Đại lộ Trần Nhật Duật càng giảm dần. Ở hai bên của làn đường sắt, người ta cấm các phương tiện chạy bằng động cơ và chỉ dành cho hai loại xe không gây tiếng ồn là xe đạp và xích lô vận chuyển hàng hoá. Thỉnh thoảng, một chiếc xe lửa lớn lặng lẽ ló ra trong bầu không khí như bông và từ từ đi qua trong tiếng va đập ầm ĩ. Trong hàng người chật cứng còng lưng cố gắng, người ta đã quên mất việc ngắm nhìn cảnh con sông Hồng vận động, nó vươn dài trên những lớp đất son thấp hơn tới 20 mét và trông xa nó như xích lại gần bầu trời. Bị máy bay Mỹ ném bom nhiều lần rồi vá víu tạm bợ, chiếc khung đường sắt to lớn ấy giống như một con rồng bảo vệ nằm tựa trên lối ra của Hà Nội, nối liền thủ đô với các tỉnh phía Bắc, và về phía bên kia là nối với Trung Quốc. Trong tâm trí của người dân, về mặt tổ chức, cây cầu từ nay trở đi là một phần trong thành phố của họ. Nhưng trước khi thuộc quyền sở hữu của tất cả mọi người, công trình là một tác phẩm mang dấu ấn của Paul Doumer.

Vào năm 1897, sau nhiều giờ đi lại trên sông với tốc độ chậm, cuối cùng ông ta cũng đã đến nơi, viên Toàn quyền cảm thấy rất khó chịu. Để vào được đất liền qua một cây cầu lung lay, trước hết ông ta phải đi trên một “bãi cát” - hòn đảo dài và thấp, lắng xuống bởi dòng nước. Ngay lúc ấy, ông ta hỏi:

“- Cây cầu này được làm từ bao lâu rồi?

- Cách đây 6 tháng, vào thời điểm những đợt nước cuối cùng dâng cao.

- Tại sao nó lại được làm mỏng manh như vậy?

- Chỉ là tạm thời.

- Người ta không thể gia cố nó sao?

- Không, vì trong hai tháng nữa, nó sẽ bị những đợt nước mới dâng cao cuốn trôi.

- Người ta không thể dựng một chiếc cầu chắc chắn, lâu dài à?

- Bãi cát cần có một cây cầu và bản thân nó cũng không tồn tại được lâu. Một ngày nào đó con sông cũng sẽ lại cuốn trôi nó đi”.

Rộng như một eo biển, sâu chừng 30m vào mùa mưa, di chuyển theo ý muốn của nó, lôi tuột các con đê và cuốn trôi làng mạc, con sông Hồng dường như không thể chế ngự nổi. Nó mang theo cuộc sống bằng việc làm cho đất đai trở nên màu mỡ và mang theo cả những cái chết do tràn bờ. Vì vậy, đối với con sông này, người Việt Nam có tình cảm hai chiều: lòng biến ơn và nỗi sợ hãi.

Sau chuyến đi trên, viên Toàn quyền quyết định xây dựng tại đây một cây cầu và ông đã thuyết phục những người làm nghệ thuật trước khi mở một cuộc thi thiết kế, kết quả là công ty Daydé và Pillé đã giành thắng lợi vào năm 1897.

Từ tường cánh gà này sang tường cánh gà khách dài 1680m, công trình bao gồm 19 nhịp xà thép dựa trên 20 trụ xây dài 30m dưới mặt nước. Những công nhân làm việc trên công trường khổng lồ này là một đội quân ưu tú gồm 2000 người.

Theo lời của quan nhiếp chính Nguyễn Trọng Hiệp thì chất trữ tình bao trùm lên cả cây cầu: “vươn dài như một con rồng xanh nổi lên trên mặt nước, hay như một cây cầu vồng tuyệt đẹp sừng sững giữa khoảng không bao la”. Ít trau chuốt hơn, một diễn giả người Pháp mua vui viên toàn quyền bằng những câu như: “Ngài - dòng sông hiện lên thật hạnh phúc và kiêu hãnh! Tôi là dòng chảy của con sông đó”. Con sông Hồng dữ dội đã không còn là nỗi kinh hoàng của những con người nơi đây. 5 năm trước, Paul Doumer đến nơi này trên một chiếc xà lan một cách mệt mỏi, giờ đây trở lại nơi này, ông là người đầu tiên đi trên tuyến đường sắt xuống tận Hải Phòng.

Đến nay, cùng với sự phát triển của đất nước, Hà Nội đã có thêm những cây cầu mới, hiện đại hơn để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Cây cầu hơn 110 năm tuổi không còn giữ vai trò huyết mạch giao thông nhưng vẫn giữ nguyên một giá trị văn hóa, kiến trúc, là một phần không thể thiếu trong lòng người Hà Nội và là ấn tượng sâu đậm với các du khách nước ngoài từng đặt chân đến nơi đây.

(Theo Hà Nội mới)