Doanh nghiệp Việt kiều châu Âu với cơ hội Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Eu (EVFTA)


 Toàn cảnh Diễn đàn

LTS: Ngày 22/8, tại Bulgaria, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều châu Âu lần thứ 9 được tổ chức với chủ đề “Hội nhập Châu Âu – phát triển bền vững”. Tiến sĩ Hoàng Xuân Bình- Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Ba Lan - đã có tham luận về ưu thế và giải pháp cụ thể mà các doanh nghiệp Việt kiều châu Âu cần tận dụng  trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK), cũng như đề đạt những hỗ trợ của nhà nước Việt Nam giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn sau khi Hiệp định thương mại tự do EU -VN (EVFTA) được ký kết và đi vào thực tiễn.  Quê Hương xin trân trọng giới thiệu nội dung bài viết:

Ngày 04/08/2015, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) công bố đã hoàn tất về nguyên tắc Hiệp định thương mại tự do FTA và dự kiến hiệp định sẽ ký vào cuối năm 2015. Có thể nói đây là một Hiệp định tác động tích cực, mạnh mẽ tới cả hai phía trong mọi lĩnh vực, đặc biệt với Việt Nam khi EU đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch 2 chiều năm 2014 đạt hơn 36,8 tỷ USD. Với lợi thế có hàng triệu Việt kiều, hàng vạn doanh nghiệp Việt kiều đang hoạt động tại EU, liệu Việt Nam và các doanh nghiệp Việt kiều châu Âu có tận dụng được cơ hội để phát triển đất nước, phát triển doanh nghiệp, cũng như giành thêm những lợi thế so với các nước ASEAN trong quan hệ kinh tế với EU? 

Rất cần sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước... (*)

Trước hết, cần lưu ý một số điểm cơ bản trong Hiệp định thương mại EVFTA liên quan đến XNK. Theo lộ trình của Hiệp định, hai bên sẽ dỡ bỏ tới 99% dòng thuế quan. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ được miễn tới 65% dòng thuế, còn phía EU được miễn tới 71%, EU sẽ áp dụng phổ cập cơ chế ưu đãi thuế (GSP) cho các mặt hàng Việt Nam. Với cơ chế này mức giảm thuế thông thường từ 3-4% so với mức chung của WTO. Lộ trình mở cửa hàng hóa của Việt Nam vào EU khoảng 10 năm, còn EU vàoViệt Nam khoảng 7 năm và được giảm đều cho các năm. Việt Nam sẽ bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU, EU bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực nông sản. 

Để tận dụng cơ hội của Hiệp định, cần đánh giá những lợi thế của doanh nghiệp Việt kiều châu Âu. Tại EU đang có hàng vạn doanh nghiệp Việt kiều hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Nhiều nước có các hội doanh nghiệp Việt Nam cũng như trung tâm thương mại với hàng nghìn doanh nghiệp kinh doanh XNK. Các doanh nghiệp Việt Nam tại đây có kinh nghiệm trong kinh doanh, có quan hệ tốt với các doanh nghiệp bản địa, hiểu biết văn hóa kinh doanh, văn hóa tiêu dùng và ngôn ngữ của nước sở tại. Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động XNK với Việt Nam và có hệ thống phân phối tại EU. Các doanh nghiệp có cơ sở pháp lý tốt (nhiều doanh nhân có 2 quốc tịch), có tiềm năng tài chính và khả năng huy động tài chính từ cộng đồng. Đặc biệt các doanh nhân trẻ Việt kiều thường được đào tạo bài bản, làm việc trong các doanh nghiệp địa phương, các tập đoàn đa quốc gia. Đó chính là tiềm năng quan trọng để kinh doanh hiệu quả, lâu dài khi Hiệp định đi vào thực tiễn. 

Để giúp các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Việt kiều châu Âu tận dụng cơ hội của Hiệp định trong XNK thì vai trò hỗ trợ của Nhà nước Việt Nam rất quan trọng. Nhà nước cần cung cấp thông tin, lộ trình thực hiện Hiệp định cho các doanh nghiệp. Đồng thời tạo cơ chế, hỗ trợ hình thành các phương tiện giúp cho việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang châu Âu thuận lợi. Ví dụ như việc xây dựng các kho ngoại quan, trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam, hệ thống logistic và các văn phòng đại diện của các công ty xuất khẩu Việt Nam tại châu Âu. Thực tế trong những năm qua các doanh nghiệp Việt kiều không quan tâm nhiều tới nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam một phần cũng do chúng ta chưa có các văn phòng đại diện tại châu Âu. Khi nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, ngoài chí phí cao do phải trả 100% tiền khi hàng rời cảng Việt Nam, nhưng khi có những tranh chấp về chất lượng hàng hóa thì rất khó giải quyết nếu không có đại diện tại châu Âu. 

Mặt khác, Nhà nước cần phối hợp với các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu về chất lượng, giảm chi phí, thời gian lưu kho, giảm giá vận tải, quảng bá thương hiệu sản phẩm tại châu Âu. Sớm hoàn tất cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp chủ động hơn sản xuất các sản phẩm có thương hiệu riêng của Việt Nam, tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt kiều tham gia cổ phần các doanh nghiệp trong nước, góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm, vừa gắn kết tài chính vừa nâng cao sức cạnh tranh. Tăng cường liên kết các tỉnh, thành phố Việt Nam với các tỉnh, thành phố EU có sự tương đồng về các sản phẩm, dịch vụ, tạo sự liên kết doanh nghiệp Việt kiều châu Âu với doanh nghiệp Việt kiều ASEAN nhằm chuẩn bị cho hiệp định thương mại tự do của EU với các nước thành viên khác hay với khối ASEAN trong tương lai. Đặc biệt chú trọng giúp các doanh nghiệp trẻ Việt kiều hiểu biết hơn về văn hóa kinh doanh, các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam. Có thể tổ chức các chương trình nâng cao kiến thức kinh doanh, văn hóa kinh doanh Việt Nam, thăm các cơ sở kinh doanh, sản xuất và giao lưu với các lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt ở Việt Nam. 

... và nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Việt kiều (*)

Để tận dụng cơ hội của Hiệp định, các doanh nghiệp Việt kiều châu Âu nên sớm thực hiện một số giải pháp cụ thể như: cùng hợp tác xây dựng chương trình quảng bá, hội thảo, du lịch doanh nghiệp tại EU cho các doanh nghiệp Việt Nam để tìm hiểu thêm thị trường và tìm kiếm cơ hội. Liên kết hợp tác XNK hàng hóa, sử dụng hệ thống logicstic từ hai phía Việt Nam và EU để giảm chi phí tăng sức cạnh tranh. Hợp tác marketing, xây dựng thương hiệu Việt, xây dựng đại lý, hệ thống phân phối cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thúc đẩy hợp tác cùng các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng Trung tâm giới thiệu hàng Việt, kho ngoại quan Việt Nam tại EU. Tận dụng và khai thác các cơ sở vật chất, nhân lực, quan hệ của các trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh của Việt kiều tại EU. Hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm tận dụng những ưu đãi trong đầu tư của chính quyền địa phương EU để xây dựng các trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam (tháng 4/2015 đại diện chính quyền khu vực thành phố Emmen- Hà Lan đã thăm và làm việc với Trung tâm thương mại ASG – Ba Lan. Chính quyền thành phố mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng trung tâm giới thiệu hàng nhập khẩu từ châu Á và tổng kho ngoại quan tại thành phố với chính sách ưu đãi đặc biệt về pháp lý, điều kiện kinh doanh, mặt bằng xây dựng và cơ sở hạ tầng….). Các trung tâm thương mại Việt kiều tại châu Âu sớm liên kết đàm phán, hợp tác với Vietnam Airline trong các dịch vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa với các chi nhánh của ngân hàng Việt Nam tại châu Âu trong dịch vụ tài chính, hỗ trợ các doanh nghiệp XNK. 

Thực tế chỉ trong một thời gian ngắn, các doanh nghiệp Việt kiều châu Âu cũng đã tận dụng được nhiều cơ hội để phát triển. Giai đoạn thay đổi chính trị và và mở cửa thị trường của các nước Đông Âu (1990 – 2003), sự hội nhập của các nước Đông Âu vào EU giúp gắn kết các doanh nghiệp Việt kiều Đông – Tây (2004-2015). Cơ hội mới của Hiệp định EVFTA đã bắt đầu, hy vọng sẽ kết nối các doanh nghiệp Việt kiều châu Âu với các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp Việt kiều ASEAN để cùng hợp tác, cùng phát triển. Tuy nhiên để biến cơ hội này thành cơ hội vàng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc chơi toàn cầu, bên cạnh sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Việt kiều, còn rất cần có sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước để các doanh nghiệp có đủ hành trang, tự tin, đoàn kết để phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển đất nước.

Hoàng Xuân Bình
Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Ba Lan

 * Chú thích:

(*) Các tít xen do Quê Hương đặt.