Khai mạc Festival “Ký ức cầu Long Biên”



Lễ cắt băng khai mạc Festival

Chương trình được sự chỉ đạo trực tiếp của UBND TP Hà Nội, sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao, và sự ủng hộ nhiệt tình của Đài Truyền hình Việt Nam.

Với tất cả ý nghĩa quan trọng đó, Lễ hội sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp trên VTV1 hồi 17h đến trước 18h30 chiều nay.



Đầu máy hơi nước với 4 toa tàu cổ qua cầu 


Hình ảnh tái hiện “Quân và dân tưng bừng trong ngày giải phóng Thủ đô” 

Lễ hội đã khai mạc với một đầu máy hơi nước chở 250 quan khách và các nghệ sỹ trên 4 toa tàu cổ đi từ ga Gia Lâm qua cầu vào ga Long Biên. Lễ cắt băng khánh thành đã diễn ra ở đầu cầu phía Hà Nội.

Trong Lễ Khai mạc, một hoạt cảnh tái hiện lại hình ảnh nhân dân thủ đô nô nức cờ hoa chào đón những chiến sĩ trong đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng Hà Nội ngày 10/10/1954 đã gợi lại những ký ức hào hùng và thật sự đã làm mọi người xúc động.

Sau Lễ Khai mạc, đoàn đại biểu cùng nhân dân thủ đô đã đi bộ vì hoà bình dọc chiều dài của cây cầu.

Bà Nguyễn Nga – Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, năm nay với mục đích xây dựng chủ đề về ký ức nên toàn bộ phần triển lãm, âm nhạc, thiết kế sân khấu, thiết kế hai bên thành cầu,… đều chung chủ đề tái hiện ký ức cầu Long Biên, tái hiện lại hình ảnh Hà Nội trong những năm tháng chiến tranh hào hùng giành được độc lập.


Bà Ngô Thị Thanh Hằng – Phó Chủ tịch UBNH TP Hà Nội (ngoài cùng bên phải)
cùng bà Nguyễn Nga và các đại biểu xem triển lãm tranh 

Cây cầu được thiết kế với hai con đường mang hai chủ đề: Ký ức cây cầu và Ước mơ cây cầu.

Chủ đề Ký ức cây cầu được thể hiện trên trục đường từ Hà Nội đến Gia Lâm, được chia thành 12 thập niên (1890 - 2009) với việc tái hiện bằng ảnh tư liệu của từng thời kỳ. Trên đoạn này diễn ra triển lãm 100 tác phẩm hội hoạ của các nghệ sỹ Việt Nam và quốc tế vẽ về cây cầu cùng triển lãm ảnh; Trình diễn trang phục Hà Nội thế kỷ XIX của sinh viên Đại học Thăng Long Hà Nội; Vườn nghệ thuật trưng bày tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Cùng thời gian đó, các nghệ sĩ và người dân Hà Nội cùng du khách tiếp tục đóng góp những tác phẩm nghệ thuật của mình như viết, vẽ, thơ, nhạc, ghi lại những cảm tưởng về cây cầu trong ký ức lên tấm toan lớn căng dọc trên thành cầu.

Cầu Long Biên được công ty Daydé và Pillé khởi công xây dựng vào năm 1898, hoàn thành năm 1902. Vào thời điểm đó Long Biên là một trong bốn cây cầu dài nhất thế giới và nổi bật ở Viễn Đông. Còn được gọi là cầu Doumer, cây cầu thép có tuyến đường sắt chạy qua này đã trở thành mạch nối qua sông Hồng, đến Lào Cai và sang Trung Quốc. Với chiều dài 1.682m, cây cầu tượng trưng cho vẻ đẹp của các công trình kiến trúc lúc bấy giờ được kết cấu theo kiến trúc của tháp Eiffel, cây cầu được ví là tháp Eiffel nằm ngang sông Hồng.

Sau hơn một thế kỷ tồn tại, cầu Long Biên là một hình ảnh quen thuộc với nhiều người, nhiều thế hệ và trở thành một biểu tượng văn hóa, lịch sử của Hà Nội.

Trên con đường từ Gia Lâm đến Hà Nội thể hiện chủ đề Ước mơ cây cầu, đoạn đường này được trưng bày triển lãm 99 con diều sáo, đặc trưng cho văn hoá đồng bằng Bắc Bộ, mang thông điệp về hòa bình của thủ đô; Sân khấu biểu diễn các tiết mục ca nhạc dân tộc như ca trù, chầu văn, chèo tuồng, xẩm, quan họ…; trưng bày các tác phẩm tranh khắc gỗ minh hoạ làng nghề Hà Nội đầu thế kỷ 20; Chiếu phim tư liệu về cầu Long Biên xưa và nay; Biểu diễn trang phục các dân tộc Việt Nam do người dân tộc thực hiện…

Đặc biệt, trên suốt chiều dài của đoạn cầu mất nhịp do chiến tranh là những hàng cờ của các quốc gia, đặt Đại sứ quán tại Việt Nam, có gắn chữ hoà bình đã tạo nên một hình ảnh cây cầu không chỉ nối quá khứ với hiện tại mà còn nối giữa Việt Nam với thế giới.

Ngoài ra, trong hai ngày diễn ra lễ hội, các khán giả còn được thưởng thức lễ hội thả diều với diều sáo do các nghệ nhân thực hiện, cùng buổi lễ hoa đăng với 999 ngọn hoa đăng được thả xuống sông Hồng cầu cho sự bình yên và thịnh vượng của Thăng Long - Hà Nội.

Đêm đến, cây cầu sẽ được chiếu sáng với đèn laser thành hình một con rồng bay lên với 105 đèn trời như 105 ngọn nến sinh nhật.

Cũng trong khuôn khổ lễ hội còn có các chương trình giới thiệu nghề truyền thống, biểu diễn các trang phục dân tộc, tham quan vườn nghệ thuật, trình diễn ánh sáng cùng với nghệ thuật pháo bông “Cầu Long Biên hoá rồng” trong thời khắc tiến vào năm đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Một số hình ảnh Festival “Ký ức cầu Long Biên”:

Phương Thuận