31/08/2012 09:54:38 AM
Những ngôi nhà gắn liền với lịch sử Cách Mạng ở Hà Nội

Giữ vị trí đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước nên Thủ đô Hà Nội có rất nhiều di tích lịch sử cách mạng - kháng chiến, trong đó có nhiều ngôi nhà lịch sử cách mạng. Tạp chí Quê hương xin giới thiệu đến độc giả một số ngôi nhà tại Hà Nội, gắn liền với những sự kiện lịch sử vẻ vang của dân tộc trong thời kỳ kháng chiến.

Nhà số 5D Hàm Long - nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên

 Nhà số 5D Hàm Long

Năm 1929, phong trào công nhân lúc này đang phát triển mạnh mẽ, Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng không còn đủ khả năng lãnh đạo mà cần sự lãnh đạo của giai cấp vô sản. Bởi vậy, cuối tháng 3/1929, những phần tử tiên tiến trong Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội là các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung… đã họp tại số nhà 5D phố Hàm Long để thành lập Chi bộ cộng sản. Đồng chí Trần Văn Cung (tức Quốc Anh) được cử làm bí thư.

Ngôi nhà 5D Hàm Long 1 tầng, mái lợp ngói ta, một bên giáp nhà số 5C, một bên là ngõ nhỏ thông sang phố Lê Văn Hưu. Chính địa thế này đã giúp cho các nhà cách mạng ra vào an toàn hơn.

Năm 1964, Nhà 5D phố Hàm Long đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá. Căn nhà 5D Hàm Long hiện được giữ làm nhà lưu niệm, các đồ đạc bày biện trong nhà còn lại gần như xưa. Diện tích và mặt bằng vẫn được giữ nguyên. Di tích này cùng với những ngôi nhà lịch sử cách mạng khác tại Hà Nội đã góp phần tô điểm thêm cho trang sử hào hùng của Cách mạng Việt Nam.

Nhà số 90 Thợ Nhuộm - nơi Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng viết Dự thảo Luận cương chính trị

 Nhà số 90 Thợ Nhuộm


Phố Hàng Bông - Thợ Nhuộm khi ấy là một phố Tây, mang tên Giăng-Xô-Lơ. Ngôi nhà 90 có 4 tầng, kiểu biệt thự. Gia đình chủ nhà có 2 vợ chồng và một cô con gái nhỏ ở tầng 2, 3, 4, còn tầng hầm là nơi người làm thuê ở.

Đầu tháng 5/1930, đồng chí Trần Phú chuyển về ở tại ngôi nhà này. Đồng chí được bố trí ở một căn buồng xép tầng hầm, diện tích khoảng 6m2 chỉ đủ kê một bộ phản. Căn buồng có một cửa sổ nhìn ra đường phố, đứng ở đấy có thể nhìn ra được cổng chính, nghe được tiếng động ở tầng trên, cần thiết lúc bị mật thám bao vây, có thể ra sân sau để thoát ra ngoài. Nhiều đêm tổ chức hội họp hoặc làm việc khuya, các đồng chí trong ban Thường vụ thường ngủ lại ngay trên ghế đặt ngoài hành lang.

Trong thời gian viết dự thảo Luận cương chính trị, đồng chí Trần Phú thường ngồi bệt xuống nền nhà, lấy phản nằm làm bàn viết.
Năm 1960, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Đảng và Nhà nước ta đã xác nhận ngôi nhà số 90, phố Hàng Bông - Thợ Nhuộm là nơi ra đời Luận cương của Đảng và có quyết định giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ di tích này. Từ đó, ngôi nhà 90, phố Hàng Bông - Thợ Nhuộm trở thành địa chỉ Đỏ. Trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Đảng bộ, nhân dân Hà Nội cũng như cả nước đã tiến hành trùng tu, tôn tạo thêm để nơi ra đời Luận cương của Đảng trở thành một điểm đến hấp dẫn của dịp kỷ niệm long trọng này.

Ngôi nhà lịch sử 48 Hàng Ngang - nơi Bác viết Tuyên ngôn độc lập

Nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhà số 48 Hàng Ngang 


Giống như nhiều ngôi nhà khác ở khu phố cổ, ngôi nhà 48 Hàng Ngang chạy dài, sâu hun hút theo kiểu “nhà ống” cổ truyền, mặt trước là cửa hàng, còn mặt sau quay ra 35 phố Hàng Cân. Chủ nhà là ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, chủ cửa hàng tơ lụa của gia đình tư sản nhiều đời. Cũng như nhiều người dân Việt Nam, ông bà rất giàu lòng yêu nước. Trước Cách mạng, ai giúp đỡ Việt Minh là tính mạng coi như “gươm kề cổ, súng kề tai”, nhưng ông bà đã không tiếc công sức, tiền của, vật chất giúp đỡ cách mạng, kể cả bị hy sinh, bắt bớ tù đày...

Với địa thế nằm lọt giữa khu buôn bán sầm uất, người đi kẻ lại lúc nào cũng đông đúc, hơn nữa khách hàng ra vào nhiều, nên ngôi nhà đã sớm được chọn làm địa điểm đón lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Ngày 25/8/1945, Người từ Tân Trào về đến Thủ đô, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh đã đưa Bác tới số nhà 48 phố Hàng Ngang. Căn phòng ở tầng 2 dùng làm phòng họp của Bác với các đồng chí trong Thường vụ rộng chừng 60m2. Chính giữa phòng là một chiếc bàn chữ nhật có kích thước lớn bằng gỗ màu cánh gián sẫm, 8 chiếc ghế tựa mềm bọc nỉ xanh phủ trắng.

Tại đây, Hồ Chủ tịch đã chủ trì cuộc họp với Thường vụ Trung ương Đảng để chuẩn bị cho việc ra mắt Chính phủ lâm thời trước quốc dân vào ngày 2/9/1945. Trên bàn là chiếc máy chữ mà Bác Hồ đã dùng từ chiến khu Việt Bắc đưa về. Đây là chiếc máy chữ mà Bác dùng để đánh các chỉ thị của Đảng và soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập.

Ngày nay, tòa nhà 4 tầng 48 Hàng Ngang - Hà Nội đã được bảo tồn, gìn giữ và xếp hạng di tích lịch sử cách mạng.

Nhà số 8 Lê Thái Tổ - nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp

Di tích nhà số 8 phố Lê Thái Tổ hiện nay không còn nữa nên việc xác định niên đại xây dựng của ngôi nhà chưa cụ thể. Nhưng vì đây là ngôi nhà của viên Chánh án tòa Thượng thẩm Moocse (Tòa án Tối cao của Pháp tại Hà Nội) nên có thể đoán định niên đại xây dựng nó cùng thời với ngôi nhà của Tòa án Tối cao ở phố Lý Thường Kiệt, vào những năm 20 của thế kỷ XX.

Tấm biển về Di tích nhà số 8 Lê Thái Tổ 



Sau ngày Cách mạng thành công không lâu, quân Tưởng Giới Thạch kéo vào miền Bắc nước ta để tước khí giới quân Nhật. Chúng đem theo một lũ Việt gian phản động để gây rối, phá hoại cách mạng. Tình hình Hà Nội ngày một phức tạp, ngôi nhà 48 Hàng Ngang, theo nhận định của Trung ương, khó đảm bảo an toàn. Vì vậy, Ngôi nhà số 8 phố Lê Thái Tổ đã được chọn làm nơi ở của Bác trong những ngày đầu kháng chiến.

Di tích nhà số 8 Lê Thái Tổ là nơi Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng làm việc từ tháng 8/1945 đến cuối năm 1946. Tại ngôi nhà này, Trung ương đã quyết định nhiều chủ trương như: Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 6/1/1946; Tăng gia sản xuất cứu đói; Diệt giặc dốt; Chống bọn phản động Việt quốc và Việt cách; Chống âm mưu thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam; Chuẩn bị cho Hội nghị Đà Lạt; Chuẩn bị cho Hội nghị Phông-ten-nơ-blô tại Pháp.

Trước cửa toà nhà, UBND thành phố cũng cho dựng tấm bia với nội dung là: "Địa điểm di tích nhà số 8 phố Vua Lê (nay là Lê Thái Tổ) Hà Nội là nơi ở và làm việc bí mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ đầu tháng 9/1945 đến tháng 12/1946. Cũng tại đây, các chiến sĩ Vệ Quốc đoàn đã anh dũng bảo vệ nơi ở và làm việc của Người, góp phần vào chiến công chung của quân và dân Liên khu I anh hùng trong 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội - mùa đông năm 1946".

Kim Ngân

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Chùa Một Cột - Kiến trúc văn hóa độc đáo lâu đời
Phố cổ Hà Nội trong lòng người nước ngoài
Những mùa hoa đặc trưng theo tháng của Hà Nội
Bảo tàng Hồ Chí Minh - Bông sen giữa lòng Thủ đô
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình
CHIẾU DỜI ĐÔ
Cận cảnh ngôi chùa đẹp bậc nhất thế giới ở Hà Nội
Hồ Gươm lãng mạn mùa lộc vừng thay màu lá
Lụa Vạn Phúc - vẻ đẹp bất tận vượt thời gian
Phố cổ Hà Nội – Nơi lưu giữ linh hồn Thủ đô
Có nét hoài niệm mang tên Đường Lâm giữa đất Hà Thành
Hà Nội đẹp từ những điều giản dị nhất
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang